Nguồn tin từ ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho hay, nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) sắp sửa hoàn tất thoái vốn khỏi Eximbank.
Nguồn tin cho biết: "Trước mắt đã chuyển nhượng 8%, trong vài ngày tới sẽ bán nốt 7% còn lại. Vì giá trị giao dịch rất lớn nên không thể thực hiện cùng một lúc".
Được biết, năm 2014 nhóm nhà đầu tư liên quan đến gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn bắt đầu đầu tư cổ phiếu Eximbank sau khi mua lại cổ phần của ông Trầm Bê. Diễn biến này cũng chính thức mở đầu cho những “lùm xùm” liên quan đến chiếc “ghế nóng” Eximbank đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Thống kê giao dịch trên thị trường từ đầu tháng 12/2018 đến nay, khoảng 40% vốn của Eximbank, tương đương 500 triệu cổ phần được giao dịch thoả thuận. Xuất hiện nhiều phiên giao dịch từ 40-60 triệu đơn vị với giá trị cả nghìn tỷ đồng như các phiên 2/4, 3/4, 5/4.
Việc ông Nguyễn Quốc Toàn rút hết vốn khỏi Eximbank sẽ giúp đại gia sinh năm 1970 tập trung xử lý những khúc mắc trong gia đình, cũng như dồn toàn lực phát triển Nam A Bank - nhà băng dự kiến sẽ phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và niêm yết chứng khoán trong quý III năm nay.
Quay trở lại “lùm xùm” tại Eximbank, giai đoạn 2015-2016, nhóm ông Nguyễn Quốc Toàn thất bại trong việc đưa đại diện vào HĐQT Eximbank. Phải tới ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu TGĐ Nam A Bank đồng thời là cá nhân có nhiều liên hệ, được bầu làm Thành viên HĐQT Eximbank.
Cuộc chiến "ghế nóng" tại ngân hàng Eximbank vẫn chưa có hồi kết.
Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh trước đó liên quan đến những "lùm xùm” về nhân sự cấp cao tại ngân hàng. Chiều 22/3, HĐQT ngân hàng Eximbank ban hành nghị quyết bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên Hội đồng Quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc – Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.
Ngày 27/3, TAND TP.HCM ra Quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại điều 127 của Bộ luật Tố tụng Dân sự để buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết số 112 về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT cho đến khi giải quyết xong vụ án.
Ngày 28/3, phía ngân hàng Eximbank phát đi thông cáo khẳng định "sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp".
Ngày 29/3, Eximbank đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng về việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92 của Tòa án nhân dân TP.HCM.
Đơn khiếu nại do Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết ký gửi Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Chánh án TAND và các cơ quan liên quan.
Trong văn bản, nhà băng này nêu rõ 3 căn cứ để cho rằng quyết định của Tòa án TP.HCM là trái luật. Thứ nhất, ông Lê Minh Quốc là Thành viên HĐQT độc lập, không phải cổ đông của Eximbank nên không có quyền khởi kiện. Thứ hai, tòa chỉ có thẩm quyền những tranh chấp về kinh doanh thương mại, trong khi đây là tranh chấp thành viên công ty. Thứ ba, căn cứ vào các điều khoản quy định trong luật, Eximbank khẳng định lý do ông Lê Minh Quốc tố cuộc họp HĐQT của Eximbank ngày 22/3/2019 và ban hành Nghị quyết 112 là trái pháp luật là không đúng.
Ngày 2/4, trao đổi với báo chí, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết Đoàn kiểm tra đã tới Eximbank và sẽ tập hợp tài liệu, kiểm tra toàn bộ quá trình biến động lãnh đạo ngân hàng này.