Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu hàng hóa tháng đầu tiên của năm 2024 tăng mạnh, đạt hơn 64 tỷ USD, tăng gần 38% cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu tăng 42%, khoảng 33,6 tỷ USD. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ tháng 4/2022 (33,26 tỷ USD).
Xuất khẩu tăng mạnh nhờ động lực từ hai nhóm ngành chính là nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, tăng lần lượt gần 97% và 38%. Điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu trong tháng đầu năm nay ước đạt gần 6 tỷ USD. Mức này tăng hơn 56% so với tháng trước do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1.
Nông sản tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu cả nước nhờ lợi thế về giá. Dữ liệu của Bộ Công Thương cho thấy giá cà phê bình quân đạt 2.955 USD một tấn, tăng hơn 35%; gạo 693 USD một tấn, đắt hơn 33,5% cùng kỳ...
Cũng theo Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 1/2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 28,84 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024, Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hoá lớn nhất cho Việt Nam trong tháng 1/2024 với kim ngạch ước đạt 10,9 tỷ USD, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,12 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,04 tỷ USD.Tháng 1/2024, xuất siêu sang thị trường Mỹ ước tính đạt 8,2 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu sang EU ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 10,6%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 200 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 138 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 39,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 24,9%; nhập siêu từ ASEAN ước đạt 704 triệu USD, giảm 11,4%.
Như vậy, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu như năm ngoái, 2,9 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 2 tỷ USD, trong khi nhóm có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu trên 5 tỷ USD.
Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu năm nay vẫn đối diện nhiều thách thức do cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt, căng thẳng Biển Đỏ leo thang khiến giá cước vận tải tăng đột biến. Ngoài kích cầu tiêu dùng nội địa, bộ này cho biết cùng các cơ quan thúc đẩy sản xuất ngay từ đầu năm, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi, tạo năng lực sản xuất mới.
Bộ cũng tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu để chủ động có phương án, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gây bất ổn thị trường.