Gõ từ khóa "đặt cỗ tất niên ở Hà Nội", bạn dễ dàng nhận được nhiều kết quả tìm kiếm là những địa chỉ cung cấp dịch vụ đặt cỗ với mức giá khác nhau. Dịch vụ này xuất hiện cách đây nhiều năm và ngày càng được nhiều gia đình lựa chọn.
"Năm nay 2 vợ chồng tôi đều nghỉ Tết muộn. Vì tính chất công việc khá bận rộn nên tôi không có nhiều thời gian tự chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên và giao thừa. Ngày 23 tháng Chạp vừa qua tôi cũng gọi đặt cỗ làm sẵn.
Gia đình ít người nên tôi gọi mâm 5 món, giá khoảng 700.000 đồng. Mức giá này không quá cao vì mâm cỗ được trình bày đẹp, chất lượng món ăn đảm bảo và hơn cả là giúp tôi tiết kiệm thời gian", chị Kim Oanh (Hà Nội) chia sẻ về việc lựa chọn dịch vụ đặt cỗ tất niên.
Mâm cỗ làm sẵn có giá từ 600.000 đồng
Dịp cuối năm, các nhà hàng, địa chỉ bán đồ ăn online tấp nập nhận đơn làm cỗ 30 Tết và giao thừa. Các mâm cỗ được giới thiệu có thực đơn, mức giá khác nhau. Không chỉ có các món truyền thống, nhiều địa chỉ phục vụ thêm món ăn mới lạ, bày trí bắt mắt, đáp ứng yêu cầu của đối tượng khách hàng đa dạng.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, CEO Food Hub, cho biết: "6 trạm cung cấp dịch vụ của công ty bắt đầu nhận các đơn hàng cỗ tất niên từ ngày 25 Âm lịch. Trong 2 ngày cuối tuần này, lượng khách đặt tăng dần.
Các trạm dịch vụ tiếp nhận đơn của khách đến chiều ngày 30 Tết. Chúng tôi cung cấp 3 set cỗ với 3 mức giá gồm 666.000 đồng/8 món, mâm 11 món có giá 888.000 đồng và 999.000 đồng".
Tìm kiếm dịch vụ đặt cỗ trên mạng xã hội, các mâm cỗ được giao bán với mức giá thấp nhất từ 600.000 đồng/5 món. Những mâm cỗ từ 8-10 món, biến tấu đa dạng có mức giá từ 1-1,5 triệu đồng.
Phóng viên Zing liên hệ đặt cỗ tại nhà hàng nấu cỗ 29 (phố Đội Cấn) và được báo giá 970.000 đồng cho mâm cỗ chay 8 món. Mâm cỗ mặn 8 món giá 1,4 triệu đồng. Địa chỉ này cam kết giao các món nóng hổi tận nhà.
Một kênh bán đồ ăn online khác cũng cung cấp dịch vụ giao cỗ tận nhà với mức giá 890.000 đồng/set 9 món. Bên cạnh các món truyền thống quen thuộc, địa chỉ này còn cung cấp thêm nhiều món mới lạ như dimsum nem tôm, bánh bao trái đào, cá lăng nướng... nhằm phục vụ đối tượng gia đình trẻ tuổi.
Ngoài các set cỗ được chuẩn bị sẵn, hầu hết địa chỉ phục vụ thêm mâm cỗ có món do khách yêu cầu. Mâm cỗ này được tính theo giá tiền từng món.
Theo khảo sát của Zing, giá cỗ năm nay hầu như không tăng so với năm ngoái. "Công ty chúng tôi không tăng giá cỗ. Tuy nhiên, năm nay lượng khách đặt nhiều hơn so với năm ngoái. Do nhiều người hạn chế ra ngoài tránh dịch bệnh", CEO Food Hub chia sẻ.
Mặc dù nhiều địa chỉ đang nhộn nhịp chào bán mâm cỗ tất niên, có không ít nơi đã ngừng nhận đơn khách đặt hàng. Liên hệ với trang bán đồ ăn trực tuyến Happy Kitchen, nhân viên tại đây cho biết đã ngừng nhận các đơn hàng cỗ tất niên từ chiều ngày 25 Âm lịch để đảm bảo chất lượng mâm cỗ do lượng khách đặt quá tải.
"Cỗ đặt sẵn giảm áp lực cho người nội trợ"
Dịch vụ nhận làm cỗ ra đời nhằm phục vụ các đối tượng khách hàng bận rộn, không có nhiều thời gian nấu nướng. Ưu điểm của dịch vụ này là tiện lợi, nhanh gọn, khách hàng chỉ cần nhấc điện thoại gọi là có ngay một mâm cỗ tươm tất.
"Vợ chồng tôi đều bận rộn, cũng không khéo nấu nướng nên đặt cỗ làm sẵn cho tiết kiệm thời gian. Tôi thấy tự nấu vừa tốn thời gian lại không ngon và đẹp mắt bằng cỗ đặt sẵn.
Nếu không giỏi bếp núc, nhiều khi số tiền bỏ ra cho một mâm cỗ tự nấu còn đắt hơn so với mâm cỗ đặt. Tôi mới đặt một mâm cỗ giá 605.000 đồng với 5 món gồm giò gà cuộn nấm, canh bóng thả, thịt đông, nem tôm, bánh chưng. Mức giá này cũng tương đương với mâm cỗ tự nấu", anh M.Hiếu (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Ngày 30 Âm lịch, gia đình nào cũng tất bật thu xếp công việc, dọn dẹp nhà cửa để đón năm mới. Theo phong tục truyền thống, mỗi gia đình phải chuẩn bị 2 mâm cỗ vào ngày này, một mâm cơm tất niên và mâm cúng đêm giao thừa. Một số gia đình trẻ loay hoay khi không biết phải chuẩn bị món ăn gì, một số khác không dư dả thời gian để tự nấu những mâm cơm tươm tất.
Chị N. (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Mình làm văn phòng, công việc cuối năm cũng rất bận rộn. Mình thạo chuyện bếp núc nhưng thời gian không cho phép nên đành đặt cỗ làm sẵn. Mình nghĩ những dịch vụ thế này phần nào giảm áp lực việc nhà cho người nội trợ. Thay vì đi chợ, nấu liên tiếp 2 mâm cỗ trong một ngày, mình dành thời gian đó để dọn nhà, hoàn tất công việc còn dở, đi chơi với con, chăm sóc cho bản thân".
Cùng quan điểm với chị N., bạn Quỳnh Anh (Hà Nam) cho biết: "Mình mới lập gia đình được hai năm, 2 vợ chồng còn trẻ, sống chung với bố mẹ chồng. Năm đầu tiên làm mâm cúng tất niên, mình rất áp lực khi phải chuẩn bị các món đẹp mắt, tươm tất như gà luộc không được nứt da, chả nem phải chiên giòn mà không cháy.
Những ngày cuối năm mình gần như không có thời gian tút tát lại bản thân vì mải lo chuyện nhà cửa, bếp núc. Năm nay mình quyết định giải phóng sức lao động bằng cách gọi mâm cỗ làm sẵn giá khoảng 1,3 triệu đồng, vừa nhanh gọn lại không phải lo nấu sao cho ngon miệng, đẹp mắt".
Đặt cỗ làm sẵn hay tự nấu?
Trái với những quan điểm trên, nhiều người nội trợ cho rằng cả năm chỉ có một bữa cơm tất niên và mâm cơm giao thừa dâng lên tổ tiên. Vì thế, dù bận rộn đến mấy cũng nên tự chuẩn bị 2 mâm cơm này, không cần nhiều món đặc sắc, bày biện đẹp, quan trọng là ở tấm lòng thành.
Khi được hỏi về lựa chọn đặt cỗ làm sẵn hay tự nấu, chị Nguyễn Nga (Hà Nội) nói: "Năm nào tôi cũng tự tay nấu những mâm cỗ Tết tươm tất. Tôi làm giáo viên, công việc cuối năm cũng không quá bận rộn như nhiều ngành nghề khác nên có thời gian chăm chút cho tổ ấm.
Tôi nghĩ dù bận rộn đến mấy cũng nên tự chuẩn bị cỗ. Bạn có thể nấu nướng cùng chồng hoặc con cái để tăng sự gắn kết giữa các thành viên gia đình. Các món ăn không cần quá cầu kỳ.
Gia đình tôi thường chọn các món truyền thống như gà luộc, xôi gấc, canh măng miến, giò lụa và nem rán. Chuẩn bị một mâm cỗ thế này chỉ mất khoảng 1 giờ".
Cùng quan điểm với chị Nga, bạn Trung Anh (25 tuổi) cho biết: "Mình chưa lập gia đình, Tết năm nào cũng cố gắng về nhà sớm để dọn nhà cùng bố mẹ. Ngày 30 Tết hàng năm, mình thường cùng mẹ đi chợ từ sớm, chọn từng con gà tỉ mỉ, đồ xôi cẩn thận, quấn từng chiếc chả nem.
Mình nghĩ các mâm cỗ đặt sẵn có thể tiện lợi nhưng chưa chắc đảm bảo vệ sinh. Hơn nữa, mâm cơm tự nấu dâng lên tổ tiên chứa đựng tâm huyết chuẩn bị sẽ ý nghĩa hơn một mâm cơm do người khác làm".
Một số ý kiến khác cho rằng không nên đặt nặng việc tự nấu cỗ tất niên hay đặt làm sẵn vì hoàn cảnh và quỹ thời gian của mỗi gia đình khác nhau.
"Nếu điều kiện kinh tế cho phép và thời gian không dư dả, mình nghĩ nên đặt cỗ làm sẵn. Ưu điểm của dịch vụ này là tiện lợi, điểm trừ là khó kiểm soát được chất lượng vệ sinh. Tự tay chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên dịp cuối năm là truyền thống đẹp nên được duy trì, nhưng điều này sẽ là áp lực với những gia đình bận rộn", anh Minh (Hà Nội) chia sẻ.
Những ngày cuối năm, nhà nhà nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết. Đặt cỗ làm sẵn hay tự nấu là lựa chọn của mỗi nhà, điều quan trọng là các thành viên trong gia đình đều vui vẻ, cùng nhau chào đón năm mới sắp đến.
Link bài gốc