Ngày pháp luật

Đi ngược thế giới, quỹ đầu tư lâu đời nhất Việt Nam liên tục “Không, cám ơn” các start-up công nghệ

Đạt Lê (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Mekong Capital tiếp tục muốn đầu tư vào những công ty tiêu dùng truyền thống thay vì start-up công nghệ. Lí do vì sao?

Theo Nikkei, Mekong Capital được thành lập năm 2001, đang quản lý quỹ đầu tư lên tới 112 triệu USD và có những kết quả khả quan bậc nhất tại thị trường Việt Nam. 

Đây là một thị trường nóng ở Đông Nam Á khi các vụ đầu tư tăng vọt cả về số lượng cũng như giá trị, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và hưởng lợi một phần từ Thương chiến Mỹ - Trung. Đầu tư tư nhân tăng lên mức kỷ lục 1,6 tỷ USD (năm 2018) so với 418 triệu USD của năm trước. Con số này vượt xa Thái Lan, Malaysia và chỉ kém hơn một chút so với Indonesia.

Đi ngược thế giới, quỹ đầu tư lâu đời nhất Việt Nam liên tục “Không, cám ơn” các start-up công nghệ - Ảnh 1

 Giá trị đầu tư vào các công ty cổ phần tư nhân (đơn vị: tỷ USD) ở 5 nước Đông Nam Á trong các năm 2016 - 2018

Bất chấp tình hình khả quan nói trên và làn sóng đầu tư như vũ bão vào các start-up công nghệ, Mekong Capital vẫn nhất mực nói "không, cảm ơn" trước xu hướng này. 

Xa lánh các start-up công nghệ

Giải thích về "khẩu vị" độc đáo của mình, ông Chris Freund – CEO quỹ Mekong Capital cho biết: "Một vài mô hình kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tỏ ra không hiệu quả". Theo ông, lĩnh vực này đã xuất hiện các start-up được thổi phồng như bong bóng, có thể vỡ bất kỳ lúc nào.Gần đây, thất bại thảm hại của WeWork đã khiến cho nhà đầu tư Masayoshi Son từ SoftBank sụt giảm uy tín nghiêm trọng. Từ đó có thể thấy, Mekong Capital hoàn toàn có những lí do xác đáng cho sự cẩn thận của mình. 

Đi ngược thế giới, quỹ đầu tư lâu đời nhất Việt Nam liên tục “Không, cám ơn” các start-up công nghệ - Ảnh 2

 CEO Chris Freund (Ảnh: Mekong Capital)

Ở thị trường khu vực, ông Freund  cũng dẫn ra ví dụ các start-up giao đồ ăn đang phải đối mặt với Grab. Và dù Grab dẫn đầu thị trường nhưng vẫn chưa có lãi. "Tôi không nhận thấy khả năng sinh lời của họ. Một khi nguồn tiền vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, toàn bộ ngành công nghiệp sẽ sụp đổ" - Freund nói.

Vẫn tập trung vào các công ty tiêu dùng trong thời gian sắp tới, cạnh tranh ngày càng gay gắt

Chris Freund đã tham gia ngành đầu tư ở Việt Nam từ giữa thập niên 90 rồi mới thành lập Mekong Capital. Đến nay, họ đang cân nhắc quỹ thứ năm của mình, hy vọng sẽ huy động được 200 triệu USD vào đầu năm tới. Mục đích nhằm thiết lập những thỏa thuận trị giá 20 triệu USD hoặc hơn, đầu tư vào những công ty tiêu dùng và bán lẻ ở địa phương. Con số đó nhiều hơn đáng kể so với mức đầu tư trung bình 11 triệu USD trên mỗi deal hiện tại.

Thuở ban đầu, Mekong thường rót vốn vào các công ty sản xuất nhưng giờ tập trung vào các start-up lấy người tiêu dùng làm trung tâm, sàng lọc dựa trên 14 tiêu chí, bao gồm quản trị doanh nghiệp và văn hóa. Danh mục đầu tư của họ bao gồm chuỗi nhà thuốc Pharmacity, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần ABA Cooltrans và Nhất Tín, và chuỗi cửa hàng Pizza 4P's.

Đi ngược thế giới, quỹ đầu tư lâu đời nhất Việt Nam liên tục “Không, cám ơn” các start-up công nghệ - Ảnh 3

 Mekong Capital đã đầu tư vào Pizza 4P’s, giúp chuỗi này ngày càng phổ biến

Hợp đồng sinh lợi nhất của Mekong Capital cho đến nay là khoản đầu tư 3,5 triệu USD vào Thế giới di động năm 2007. Công ty này đã IPO vào năm 2014, biến khoản tiền ban đầu thành 199 triệu USD tại thời điểm Mekong Capital thoái vốn tháng 1/2018. Một số thành công khác có thể kể đến như đầu tư vào Golden Gate, Traphaco, PNJ...

Những giao dịch khác không mang lại lợi nhuận cao như vậy, mặc dù các công ty đều được hưởng lợi từ tầng lớp trung lưu đang đông lên ở Việt Nam. Ví dụ, chuỗi Pharmacity đã mở hơn 200 cửa hàng trên toàn quốc, trung bình mỗi người tiêu dùng chi 5 USD (hơn 116.000 đồng) khi mua thuốc tại đây. Dù vậy, Pharmacity vẫn đang phải tranh giành thị phần khốc liệt với các tiệm thuốc gia đình. Quỹ Mekong cũng xác định rõ: "Chìa khóa thành công ở Việt Nam là phải có tiềm năng mở rộng và sản phẩm ở mức giá phải chăng".

Hiện tại, CEO Freund cho biết thị trường vốn cổ phần tư nhân của Việt Nam vẫn còn quá nhỏ đối với quỹ lớn toàn cầu như Carlyle hay KKR. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh đang dần tăng lên. Ví dụ như năm ngoái, quỹ GIC của Singapore đã đầu tư 853 triệu USD vào mảng bất động sản Vingroup, gần đây lại tuyên bố sẽ rót tiếp 500 triệu USD vào mảng bán lẻ. Quỹ Warburg từ Mỹ cũng đã đầu tư 100 triệu USD vào start-up Momo của Việt Nam trong năm nay.

Tin Cùng Chuyên Mục