Trong bốn năm ngắn ngủi, cô đã phát triển trang thương mại điện tử Đông Nam Á Zilingo thành một nền tảng toàn cầu với hơn 7 triệu người dùng. Cùng với hoạt động đầu tư mở rộng nhanh chóng, vào tháng 2/2019, công ty đã được định giá doanh nghiệp ở mức 970 triệu USD (hơn 22.000 tỷ VND)
Điều lý thú trên con đường khởi nghiệp của cô gái trẻ đó là, tất cả mọi ý tưởng đều bắt đầu với một chuyến đi mua sắm đến Thái Lan.
“Đó là năm 2014 và tôi đang đi nghỉ với một số bạn bè, một số đồng nghiệp cũ ở Bangkok”, Bose nói với CNBC Make It.
“Chúng tôi đã ở trong khu chợ được gọi là Chatuchak”, cô nói, “Với hơn 15.000 quầy hàng và khoảng 11.500 thương nhân độc lập, đây là chợ cuối tuần lớn nhất thế giới. Tôi đã reo lên ‘wow, hoạt động thương mại này nên có trên mạng! Nhưng họ chỉ không thể bán trực tuyến, họ không biết làm thế nào. Đó là sự khởi đầu của tôi”, cô gái trẻ chia sẻ.
Ankiti Bose, CEO của Zilingo và giám đốc công nghệ Dhruv Kapoor. (Nguồn: CNBC)
Bose từng là một nhà phân tích đầu tư và làm việc cho công ty đầu tư mạo hiểm lớn tại quê hương Ấn Độ khi cô 23 tuổi. Do được làm việc tại trung tâm công nghệ lớn nhất cả nước, cô đã có điều kiện theo dõi sự phát triển và trỗi dậy của các tên tuổi thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba và Flipkart. Nhưng cô ấy thấy rằng các trang thương mại điện tử này không tạo ra cơ hội thương mại cho các thương nhân nhỏ ở Đông Nam Á.
Đông Nam Á là một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới, nhưng nhiều nhà sản xuất địa phương thiếu nền tảng dịch vụ để bán được sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng. Do đó, họ thường phải dựa vào các nhà phân phối của bên thứ ba, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận và điều kiện làm việc của họ.
Bose quyết định tạo ra một thị trường trực tuyến để tập hợp các nhà bán lẻ độc lập trong khu vực và giúp họ bán hàng trực tuyến. Zilingo tính phí hoa hồng từ 10% đến 30% cho mỗi giao dịch thành công.
Zilingo có trụ sở tại Singapore và giúp các nhà bán lẻ thời trang có thể bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng. Đến ngày hôm nay, công ty này đã hợp tác với 27.000 thương nhân ở 15 khu vực và có hơn 500 nhân viên trên tám đất nước bao gồm Hoa Kỳ, Úc và Hồng Kông. Cho đến nay, công ty đã nhận được 308 triệu USD (hơn 7.000 tỷ VND) tài trợ từ các nhà đầu tư.
Vòng tài trợ vốn gần đây nhất mà Zilingo nhận được đã đưa công ty vào mức định giá 1 tỷ đô la trong những tháng tới. Chỉ riêng trong năm ngoái, doanh thu của công ty này đã tăng gấp bốn lần. Tuy nhiên, Zilingo không tiết lộ con số chính xác.
Điều đó đã giúp Bose trở thành người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên sáng lập một công ty được gọi là kỳ lân - một công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên. Điều này cũng đưa cô vào trong số 10 phần trăm công ty kỳ lân với người sáng lập là nữ, theo báo cáo của Pitchbook.
Thành công của Zilingo thực sự gây dấu ấn rất lớn khi năm ngoái Ấn Độ chỉ xếp thứ 52 trên tổng số 57 quốc gia về Chỉ số kinh doanh dành cho phụ nữ.
“Thành tích của Bose đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với các nữ doanh nhân, đặc biệt là những người ở châu Á”, phó chủ tịch Mastercard, Alison Eskesen cho biết. Cô nói thêm rằng Zilingo sẽ truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác có ước mơ theo một con đường kinh doanh tương tự.