Từng là lao động chính trong gia đình, thu nhập cao trong nhóm bạn bè đồng trang lứa, chị K.A, tiếp viên 4 năm kinh nghiệm của Vietnam Airlines chia sẻ thu nhập cá nhân đang giảm mạnh chưa từng thấy vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"Kể từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam, thu nhập của mình bị ảnh hưởng nặng nề. Bốn năm bay, lên tới vị trí tiếp viên hạng thương gia, đây là Tết đầu tiên mà tôi không có thưởng Tết", K.A chia sẻ.
Thưởng Tết bằng Voucher
"Nói không có thưởng Tết cũng không đúng, nhưng khoản thưởng 1 triệu đồng là giảm quá mạnh so với các năm trước. Tuy nhiên, mình cũng hiểu đây là khó khăn của toàn ngành và của cả hãng bay nên cũng không có gì oán trách, chỉ trách dịch bệnh quái ác thôi", nữ tiếp viên này nói.
Chị K.A cùng toàn bộ nhân lực ngành hàng không Việt Nam đang đón một cái Tết "ảm đạm" chưa từng có khi khoản thưởng Tết mọi năm nay không còn. Theo chia sẻ của lãnh đạo Vietnam Airlines, năm nay hãng đã chủ động cắt giảm lương, thưởng của người lao động để sinh tồn trong dịch Covid-19.
Cụ thể, trong tháng 4 cao điểm dịch bệnh, toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội, Vietnam Airlines có tới 50% nhân viên phải ngừng việc, toàn bộ nhân viên giảm lương, cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.
Báo cáo tiền lương năm 2020 của doanh nghiệp cũng cho thấy lương phi công giảm hơn 50% so với cùng kỳ, kế hoạch tăng lương định kỳ cho phi công cũng phải hủy bỏ.
Lương trung bình của tiếp viên, lao động mặt đất của hãng dự kiến giảm lần lượt gần 48% và 44,5%. Tổng số lao động của Vietnam Airlines cũng ít hơn 1.600 người so với năm 2019. Lãnh đạo hãng thừa nhận sẽ không có thưởng Tết Nguyên đán 2021 cho người lao động.
Thay vì thưởng Tết bằng tiền mặt, có hãng bay Việt đã chuyển sang thưởng Tết cho nhân viên qua "hiện vật" như vé máy bay, voucher để khích lệ tinh thần người lao động sau một năm đầy khó khăn.
Không chỉ người lao động của Vietnam Airlines, nhân sự của các hãng bay Việt khác cũng đã chuẩn bị tinh thần cho một mùa Tết không thưởng sau một năm thu nhập ảm đạm.
"Tính về thu nhập hàng tháng thì mình giảm mất một phần ba so với trước dịch, giờ bay cũng giảm mà lương mỗi giờ cũng giảm thì tổng thu nhập giảm mạnh là chuyện khó tránh", theo N.H, nữ tiếp viên của Vietjet Air chia sẻ.
"Đợt đầu bay giải cứu công dân Việt Nam tại nước ngoài thu nhập cũng tốt, tuy nhiên, gần đây hãng áp dụng theo quy định, tiếp viên chỉ được nhận 200.000 đồng mỗi ngày cách ly nên bay một chuyến giải cứu công dân thì thu nhập cũng không là bao vì phải cách ly 14 ngày", nữ tiếp viên cho biết.
Do không còn giữ được mức thu nhập mong muốn cùng với nhiều lý do cá nhân, N.H hiện đã xin nghỉ tại hãng để tìm một công việc khác. "Mình rất đam mê với nghề này nhưng thu nhập hiện tại không đủ để trang trải cuộc sống, hơn nữa giờ cũng không được bay nhiều nên thấy bản thân khá dư dả thời gian, trong khi mình lại thích cuộc sống bận rộn một chút", H. nói.
Chỉ mong thu nhập về như trước dịch
Chia sẻ với Zing, nhiều nhân viên mặt đất của các hãng bay cũng không kỳ vọng nhiều vào thưởng Tết. "Năm nay ngành nào tính chuyện nhận thưởng chứ hàng không tôi nghĩ là không có, hoặc có nhưng không đáng kể nên bản thân cũng không kỳ vọng nhiều. Qua năm 2020 mà còn giữ được việc làm tôi thấy đã là may mắn nên không quá quan trọng khoản thưởng Tết", nhân viên mặt đất của một hãng bay cho hay.
Nhiều nhân lực trong ngành chia sẻ không kỳ vọng vào thưởng Tết Nguyên đán 2021 mà chỉ mong thu nhập trở lại như trước dịch Covid-19.
"Nhớ thời được bay cả nội địa cả quốc tế, thu nhập khoảng 20 - 30 triệu đồng mỗi tháng, giờ không mong thưởng Tết, chỉ mong thu nhập về như cũ là mình mừng rồi", K.A chia sẻ.
Tình hình tài chính khó khăn của các hãng bay Việt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thu nhập của nhân sự hàng không giảm mạnh. Vietnam Airlines cho hay đến cuối tháng 12/2020, doanh thu hợp nhất của hãng ước đạt hơn 42.500 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt doanh thu gần 33.000 tỷ đồng. Số lỗ của công ty mẹ dự kiến ở mức hơn 12.000 tỷ đồng.
Với Vietjet Air, sau 9 tháng từ đầu năm, hãng hàng không này mới ghi nhận 13.800 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Hãng ghi nhận khoản lỗ trước thuế 2.600 tỷ đồng trong 9 tháng đầu 2020 (cùng kỳ lãi 4.100 tỷ đồng).
Thậm chí, khoản lỗ nói trên có được là nhờ được bù đắp một phần bởi khoản thu nhập bất thường 1.800 tỷ đồng, bắt nguồn từ việc bán tài sản và nhận bồi thường từ Airbus do giao máy bay muộn. Nếu loại trừ khoản thu nhập này, lợi nhuận trước thuế của Vietjet Air sẽ âm tới 4.400 tỷ đồng sau 9 tháng từ đầu năm.
Bamboo Airways cũng không tránh khỏi thiệt hại vì Covid-19 khi chịu ảnh hưởng của dịch ngay trong năm thứ 2 cất cánh. FLC, công ty mẹ của hãng bay Bamboo Airways, ghi nhận khoản lỗ ròng 2.729 tỷ đồng sau thuế trong 6 tháng đầu 2020. Khoản lãi từ hoạt động chính trong quý III chỉ giúp FLC giảm lỗ sau thuế lũy kế 9 tháng còn 2.213 tỷ đồng.
Bên cạnh đó trên báo cáo tài chính riêng đã soát xét bán niên năm 2020, FLC cũng phải trích lập dự phòng 1.857 tỷ đồng cho các khoản đầu tư, tăng 4,2 lần so với đầu năm. Trong đó, khoản góp vốn vào Bamboo Airways được FLC trích lập dự phòng nhiều nhất, ở mức 1.145 tỷ đồng.
Theo thống kê từ Cục Hàng không, các hãng hàng không Việt đã thực hiện tổng cộng 216.597 chuyến bay trong năm 2020, giảm 33,7% so với năm 2019.
Link bài gốc