Ngày pháp luật

ĐHĐCĐ Dệt may Thành Công (TCM) đặt mục tiêu doanh thu 187 triệu USD năm 2025, thông qua chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu

Khánh Ly

Sáng 18/4, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu tăng trưởng và nhiều giải pháp nhằm cải thiện giá trị cổ phiếu.

Kế hoạch 2025: Doanh thu tăng 18,7%, lợi nhuận đi ngang nhưng tăng 24% nếu loại trừ yếu tố bất thường

Cụ thể, năm 2025, Dệt may Thành Công đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 4.525,4 tỷ đồng (tương đương 187 triệu USD), tăng 18,7% so với thực hiện năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 278,7 tỷ đồng (khoảng 11,5 triệu USD), đi ngang so với con số lợi nhuận của năm 2024.

Tuy nhiên, ông Song Jae Ho, Tổng giám đốc TCM, giải thích thêm rằng nếu loại trừ khoản lợi nhuận bất thường từ việc chuyển nhượng nhà máy tại Trảng Bàng trong năm 2024, thì mục tiêu lợi nhuận kế hoạch cho năm 2025 thực tế đã tăng trưởng 24% so với lợi nhuận cốt lõi của năm trước.

Về kết quả sơ bộ, lãnh đạo công ty cho biết riêng quý I/2025, Thành Công ghi nhận doanh thu tăng 8% và lợi nhuận tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2024, tạo đà thuận lợi cho việc hoàn thành kế hoạch cả năm.

Ứng phó linh hoạt với biến động thị trường, tập trung vào giá trị gia tăng

Trả lời câu hỏi của cổ đông về tác động của thông tin Mỹ xem xét áp thuế 46% đối với hàng dệt may Việt Nam, ông Song Jae Ho cho biết, ngay sau khi thông tin này xuất hiện vào ngày 02/04, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái nhanh chóng để làm việc với phía Mỹ, giúp tình hình lắng xuống. Các khách hàng của Thành Công tại Mỹ đã không hoãn hay hủy đơn hàng đã đặt trước đó.

Ông Song thông tin thêm, năm 2024, thị trường Mỹ chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của TCM. Tỷ trọng này thấp hơn so với nhiều doanh nghiệp dệt may khác, tạo ra một mức độ an toàn nhất định. Để chủ động ứng phó, công ty đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời nỗ lực mở rộng thị phần tại châu Âu và Canada, dù thị trường châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn.

Lãnh đạo TCM nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh cốt lõi của công ty là quy trình sản xuất khép kín, đặc biệt là khả năng tự chủ nguồn cung nguyên liệu sợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí sản xuất tại Việt Nam ngày càng tăng, TCM xác định không thể tiếp tục dựa vào lợi thế lao động giá rẻ. "Muốn tiếp tục tăng trưởng, TCM chỉ có cách là tập trung vào các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn, đẩy mạnh hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển)", ông Song Jae Ho nói. Bên cạnh đó, công ty sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT TCM, bổ sung thêm rằng các doanh nghiệp cần tập trung nhận đơn hàng sớm hơn, trong khoảng 90 ngày, để chủ động kế hoạch sản xuất.

Tìm giải pháp cải thiện giá trị cổ phiếu, kỳ vọng vào dự án TC Tower

Một vấn đề được Tổng giám đốc TCM thẳng thắn đề cập tại đại hội là diễn biến giá cổ phiếu TCM trên thị trường. Ông Song Jae Ho thừa nhận giá cổ phiếu hiện "chưa tốt", không chỉ do tác động chung của thị trường mà còn kém hấp dẫn hơn so với các đối thủ cùng ngành.

Dù không thể can thiệp trực tiếp vào giá cổ phiếu, ban lãnh đạo TCM cam kết sẽ nỗ lực cải thiện thông qua các giải pháp nội tại, bao gồm:

Tập trung hoàn thành kế hoạch kinh doanh: Đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận là nền tảng cơ bản hỗ trợ giá cổ phiếu.

Xem xét tăng tỷ lệ cổ tức tiền mặt: Nhằm gia tăng lợi ích trực tiếp cho cổ đông.

Đẩy mạnh hoạt động Quan hệ nhà đầu tư (IR): Nâng cao hình ảnh, thương hiệu và sự minh bạch của TCM.

"TCM đặt mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp dệt may có hiệu suất hoạt động hàng đầu thị trường, từ đó tăng giá trị cho cổ phiếu TCM," ông Song Jae Ho khẳng định.

Chia sẻ thêm bên lề đại hội, Chủ tịch Trần Như Tùng cho biết dự án TC Tower (tổ hợp thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp) sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng cho TCM trong tương lai. Sau gần 10 năm trì hoãn, dự án đang có những tiến triển tích cực nhờ hợp tác với nhà phát triển bất động sản DBFS. Mục tiêu hiện tại là phối hợp chặt chẽ để sớm hoàn tất thủ tục pháp lý.

Theo kế hoạch dự kiến, TC Tower sẽ được cấp phép xây dựng vào quý I/2026, mở bán từ quý III/2026 và bàn giao vào quý I/2028. Tổng doanh thu dự án ước đạt 2.813 tỷ đồng và lợi nhuận tối thiểu cho chủ đầu tư là 1.106 tỷ đồng (con số này có thể thay đổi khi áp dụng bảng giá đất mới của TP.HCM).

Thông qua cổ tức 10% bằng cổ phiếu, dự kiến 15% cho năm 2025

Về chính sách tài chính, bà Nguyễn Minh Hảo, Thành viên HĐQT, giải đáp thắc mắc của cổ đông về các khoản phải thu đang tăng. Bà cho biết công ty có chính sách bán hàng linh hoạt, đánh giá tín nhiệm khách hàng kỹ lưỡng đối với các khoản trả sau. Dòng tiền công ty hiện vẫn đảm bảo và kỳ vọng các khoản phải thu sẽ giảm dần trong quý II/2025.

Về phân phối lợi nhuận, sau khi đã chi trả 5% cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2024 vào ngày 04/04/2025 vừa qua, Đại hội đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 10%, nguồn vốn lấy từ quỹ đầu tư phát triển.

Cho năm 2025, công ty dự kiến tỷ lệ cổ tức là 15%, hình thức chi trả (tiền mặt và/hoặc cổ phiếu) sẽ tùy thuộc vào kết quả kinh doanh thực tế.

Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đã được cổ đông thông qua.

Tin Cùng Chuyên Mục