Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra vào ngày 10/4, Ban lãnh đạo CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom, mã FOX - UPCoM) đã trình bày kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng cùng những giải đáp thẳng thắn về các thách thức, bao gồm cả sự xuất hiện của "người khổng lồ" SpaceX với dịch vụ Starlink.
Khởi đầu thuận lợi, mục tiêu tăng trưởng hai chữ số
Ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, thừa nhận năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm nhiều thử thách. Tuy nhiên, công ty vẫn tự tin đặt mục tiêu doanh thu 19.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.200 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 13% và 17% so với thực hiện năm 2024. Đáng chú ý, FPT Telecom kỳ vọng tất cả các mảng kinh doanh chính đều đạt tăng trưởng hai chữ số.
Cập nhật về tình hình kinh doanh, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc FPT Telecom, cho biết quý I/2025 đã có những tín hiệu tích cực với doanh thu tăng khoảng 15% và lợi nhuận ước tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, tạo đà thuận lợi cho việc hoàn thành kế hoạch cả năm.
Tiếp tục mở rộng vùng phủ, thị phần còn nhiều dư địa
Đối với mảng Internet băng thông rộng - "xương sống" của FPT Telecom, công ty ghi nhận năm 2024 là năm có tốc độ tăng trưởng thuê bao mới cao nhất kể từ giai đoạn Covid-19. Mặc dù vậy, Ban lãnh đạo nhìn nhận thị phần của FPT Telecom vẫn còn khá "khiêm tốn", đứng ở vị trí thứ 3 trên thị trường.
"Qua hơn 20 năm hoạt động, chúng tôi nhận thấy vẫn còn khoảng 400 huyện, xã tại Việt Nam mà FPT Telecom chưa triển khai hạ tầng. Đây chính là dư địa tăng trưởng lớn," đại diện công ty chia sẻ. Do đó, chiến lược trong 3-5 năm tới sẽ tập trung mạnh vào việc mở rộng vùng phủ tại các khu vực này.
"Rót" gần 4.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, đón đầu tăng trưởng
Để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng, FPT Telecom lên kế hoạch chi mạnh tay cho đầu tư với ngân sách dự kiến lên tới 3.840 tỷ đồng. Trong đó, 2.790 tỷ đồng dành cho nâng cấp, mở rộng hạ tầng kinh doanh và 1.050 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm.
Nổi bật là dự án Trung tâm dữ liệu (Data Center) tại Quận 9 (TP.HCM) với vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hoàng Linh tiết lộ, dự án này đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng và dự kiến đi vào vận hành chính thức trong tháng 6/2025. "Công tác chuẩn bị kinh doanh, khai thác gần như đã hoàn tất. Chúng tôi kỳ vọng Data Center này sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu từ quý III," ông Linh nói. Được biết, đây mới chỉ là giai đoạn 2 trong tổng số 3-4 giai đoạn của dự án trung tâm dữ liệu lớn này.
Bên cạnh đó, FPT Telecom cũng dành 70 tỷ đồng cho dự án Data Center HN03 (đang thiết kế cơ sở), 100 tỷ đồng cho FPT Telecom Tower Tân Thuận, và đầu tư mạnh cho kết nối quốc tế với 170 tỷ đồng cho tuyến cáp quang biển ALC và 210 tỷ đồng cho tuyến SJC2.
Liên quan đến tình trạng chậm trễ của các dự án cáp biển nói chung trong vài năm qua, ông Linh cho biết Ban điều hành sẽ trình HĐQT kế hoạch xây dựng thêm 1-2 tuyến cáp quang biển mới, dự kiến triển khai ngay trong năm 2025 nhằm chủ động đảm bảo dung lượng và chất lượng kết nối quốc tế.
Starlink: Hợp tác thay vì đối đầu, thuế quan Mỹ ảnh hưởng gián tiếp
Trước lo ngại của cổ đông về sự cạnh tranh từ dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX (thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk) khi công ty này đang có những bước đi đầu tiên vào thị trường Việt Nam, Ban lãnh đạo FPT Telecom đã có những phản hồi rõ ràng.
"Chúng tôi xem đây không hẳn là sự cạnh tranh mà còn là cơ hội hợp tác," ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định. FPT Telecom hiện không kinh doanh mảng internet vệ tinh, do đó có thể hợp tác với Starlink.
Theo ông Linh, dịch vụ của Starlink phù hợp hơn với các khu vực đặc thù như vùng sâu, vùng xa, hải đảo, hoặc các phương tiện di chuyển (tàu thuyền, máy bay) nơi hạ tầng cáp quang mặt đất khó tiếp cận với chi phí hiệu quả. Ngược lại, hạ tầng viễn thông mặt đất như của FPT Telecom có lợi thế về độ phủ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, tốc độ cao, ổn định và giá cước phù hợp với đại đa số người dùng.
"Starlink khó có thể thay thế hoàn toàn cáp quang của các nhà mạng trong nước. Hai loại hình dịch vụ này có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau hơn là cạnh tranh trực tiếp," Tổng giám đốc FPT Telecom nhấn mạnh.
Về vấn đề thuế quan của Mỹ (dù phương án áp thuế 46% đã được hoãn), ông Linh cho rằng FPT Telecom có thể bị ảnh hưởng gián tiếp, chủ yếu qua phân khúc khách hàng doanh nghiệp do họ có thể thắt chặt chi tiêu. Rủi ro tỷ giá cũng được tính đến do hoạt động đầu tư có liên quan đến đối tác nước ngoài, tuy nhiên công ty khẳng định đã có phương án dự phòng và kiểm soát.
Cổ tức tiền mặt "khủng" 5.000 đồng/cp, phát hành cổ phiếu thưởng 50%
Về chính sách cổ đông, Đại hội đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 với mức cổ tức bằng tiền mặt rất hấp dẫn là 5.000 đồng/cổ phiếu. Công ty dự kiến sẽ tạm ứng đợt 1 với tỷ lệ 2.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 30/05/2025. Đối với năm 2025, FPT Telecom đặt mục tiêu duy trì mức cổ tức không thấp hơn 2.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, cổ đông cũng đã phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận để lại và quỹ đầu tư phát triển) với tỷ lệ 50%. Điều này có nghĩa là cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu FOX sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu mới. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025, chi tiết sẽ do HĐQT quyết định và công bố sau.