Công ty cổ phần Thế Giới số - Digiworld (mã ck: DGW) mới đây tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, qua đó báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, đồng thời thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Mục tiêu năm 2024 lãi sau thuế 490 tỷ đồng
Nhìn lại năm 2023, Digiworld ghi nhận doanh thu 18.817 tỷ đồng và 354 tỷ đồng lợi nhuận. Theo lãnh đạo của DGW, ngành hàng tiêu dùng đang tăng trưởng 70%, đóng góp nhiều hơn vào cơ cấu doanh thu; bên cạnh là ngành Thiết bị gia dụng cũng tăng trưởng 31% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2024, công ty nhận định có nhiều dấu hiệu tích cực nên đặt mục tiêu doanh thu 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận 490 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 38% so với năm trước.
Về kết quả kinh doanh quý I/2024, Digiworld đạt 4.985 tỷ đồng doanh thu và 92 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng trưởng 26% và 16% so với cùng kỳ 2023.
Trong đó, các mảng kinh doanh của DGW đều tăng trưởng về doanh thu. Tăng mạnh nhất là mảng điện thoại thông minh (tăng 29%) và thiết bị văn phòng (tăng 48%).
Mảng hàng tiêu dùng tăng trưởng mạnh, nhưng giá trị tuyệt đối còn chưa cao. Ngược lại, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng chỉ tăng trưởng nhẹ 4%, lên 1.139 tỷ đồng.
Tại đại hội, Digiworld cũng trình và thông qua nhiều nội dung quan trọng khác. Đơn cử như việc Đại hội thông qua hình thức chia cổ tức tổng tỷ lệ 35%, trong đó 30% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt 5%, tương đương mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận về 500 đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024.
Ngoài ra, DGW cũng có kế hoạch phát hành 2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Toàn bộ số cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu, DGW dự kiến thu về 20 tỷ đồng.
Như vậy, thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu nêu trên, DGW dự kiến nâng vốn điều lệ lên gần 2.192 tỷ đồng.
Đặt mục tiêu sẽ có 2 - 3 thương vụ về M&A mỗi năm
Tại đại hội, các cổ đông của DGW cũng đặt nhiều câu hỏi cho lãnh đạo của Digiworld.
Với câu hỏi mục tiêu DGW hướng tới phân phối cho ngành mới như thế nào khi chiến lược DGW là đa dạng ngành hàng, giảm sự phụ thuộc doanh thu vào một ngành chính, nhưng hiện tại ICT là ngành đóng góp rất nhiều trong cơ cấu doanh thu.
Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị DGW cho biết, DGW là market builder - nhà kiến tạo thị trường, điều này sẽ khác với các nhà phân phối thông thường. Sau gần 30 năm, DGW tạo ra nền tảng vững chắc, cung cấp các dịch vụ market expansion service (bao gồm khâu phân tích thị trường, marketing, sản xuất,...).
Theo báo cáo tài chính, 2 mảng kinh doanh cốt lõi của DGW (điện thoại di động và máy tính xách tay) có tỷ trọng đóng góp doanh thu giảm dần theo thời gian, chủ yếu là do các mảng khác tăng trưởng mạnh hơn.
Nhìn vào năm kế hoạch năm 2024 này, các mảng mới tăng trưởng đáng kể so với điện thoại, laptop. Ngành hàng ICT đã vận hành tốt nhiều năm qua, khá hoàn thiện các kênh và sẽ chỉ tiếp tục bổ sung thêm các sản phẩm để tận dụng tốt hơn kênh phân phối.
Với ngành hàng FMCG, DGW tập trung vào sản phẩm F&B, chăm sóc nhà ở (Home Care) và chăm sóc cá nhân (Personal Care).
Cũng tại đại hội, khi được cổ đông hỏi công ty đã M&A có kế hoạch kinh doanh thế nào trong thời gian tới, đại diện DGW cho biết, M&A là định hướng phát triển quan trọng. Trong đó, công thức thành công của DGW là cung cấp cho công ty mục tiêu nền tảng back-end và giúp tối ưu hoạt động.
Achison là một ví dụ điển hình, sau khi mua lại DGW đã giúp chi phí giảm xuống và mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng cho năm 2024, tăng trưởng 50%.
DGW luôn đặt mục tiêu sẽ có 2-3 thương vụ M&A mỗi năm, bởi việc M&A sẽ giúp DGW tiến nhanh hơn, tận dụng thế mạnh về hiểu biết thị trường của của DGW, cũng như nền tảng back-end vững chắc.
DGW định hướng là công ty tỷ đô nhiều năm qua, vậy DGW còn cách đích này xa không? Và khi đạt mục tiêu này, DGW có được thêm lợi thế cạnh tranh gì? Mục tiêu mới là gì? - là câu hỏi tiếp theo mà đại diện DGW trả lời tại đại hội.
Theo ông Hồng Việt, tầm nhìn của DGW là công ty tỷ đô nhưng không chỉ là doanh thu, vốn hoá hay lợi nhuận mà ý nghĩa rộng hơn đó là một tầm nhìn đảm bảo DGW liên tục tìm mọi cách có thể tăng trưởng.
Khi quy mô DGW càng lớn thì lợi thế về quy mô càng phát huy và chúng tôi càng ngày càng sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Và mục tiêu này cũng là nền tảng thu hút nhân tài và tập trung cùng nhau kiến tạo tương lai lớn lao.
Đề cập đến triển vọng mảng cầm đồ trong thời gian tới, Chủ tịch Hồng Việt chia sẻ, cầm đồ chỉ là một trong những hoạt động của Vietmoney, ngoài ra còn có nhiều hoạt động như là cung cấp tín dụng tiểu thương, khá phù hợp với phương pháp phân phối FMCG của DGW,Vietmoney có hệ thống sẵn sàng để kinh doanh các sản phẩm máy tính, điện thoại di động đã qua sử dụng.
Với những số liệu DGW có, thị trường second hand cực kỳ lớn, ví dụ như sản phẩm IPhone vòng đời lên đến 6 năm mà có thể chuyển tay qua 1-2 đời chủ, từ đó tạo ra vòng quay giao dịch nhiều lần, giá trị giao dịch vì đó lớn.
Tất nhiên là DGW đang kinh doanh các sản phẩm mới, nhưng mảng cầm đồ chính là đòn bẩy giúp đẩy mạnh cho hoạt động kinh doanh của Vietmoney. Đồng thời, Vietmoney có thể tận dụng chuỗi dịch vụ Dcare của DGW.
Hiện nay đã lên 18 cửa hàng, trung tâm bảo hành trên toàn quốc, cũng như là uy tín Recare đối với các cửa hàng điện tử sau sử dụng dịch vụ.