Sáng ngày 25/4/2024, CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS, mã ck: SGN) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, thông qua kế hoạch kinh doanh quan trọng.
Về chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 1.499 tỷ đồng, tương đương năm trước. SGN dự kiến lợi nhuận sau thuế đạt 240 tỷ đồng, tăng gần 6%.
Năm nay, Công ty sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới khách hàng, củng cố thương hiệu và giữ gìn khách hàng và phát triển khách hàng mới.
SAGS cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu thuần 368,7 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, lãi gộp tăng 21% lên 117,5 tỷ đồng, biên lãi gộp theo đó cải thiện từ 29,4% lên 31,8%. Doanh thu tài chính cũng tăng mạnh từ 3,7 tỷ đồng lên 13 tỷ đồng, chủ yếu do ghi nhận lãi do đánh giá lại CTLG cuối kỳ.
Tuy nhiên, điểm trừ là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 55% lên gần 47 tỷ đồng. Nguyên nhân do phải trích lập dự phòng thêm khoản phải thu khó đòi của Bamboo Airways trị giá 8,67 tỷ đồng và Vietravel Airlines 2 tỷ đồng.
Kết quả, SAGS lãi sau thuế 61,9 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. So với mục tiêu đem về 240 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay, doanh nghiệp dịch vụ hàng không này đã hoàn thành 28% kế hoạch sau 3 tháng đầu năm.
Lý giải về nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng, Phục vụ Mặt đất Sài Gòn cho hay, dù ngưng cung cấp dịch vụ cho hãng Bamboo Airways từ 1/1/2024 và sản lượng phục vụ các chuyến bay quốc nội giảm, nhưng kết quả kinh doanh của SAGS vẫn tăng trưởng nhờ sản lượng phục vụ các đường bay quốc tế ở mức khá cao. Ngoài ra, công ty cũng vừa ký được thêm hợp đồng phục vụ với một số khách hàng quốc tế mới.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của SAGS tăng 3% so với hồi đầu năm lên 1.339,5 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn 758,6 tỷ đồng - chiếm gần 57% tổng tài sản và tăng 4% so với đầu năm. Nhờ đó, khoản lãi tiền gửi ngân hàng tăng gấp 3 cùng kỳ lên gần 4,6 tỷ đồng.
SGN cũng nhấn mạnh sẽ dồn mọi nguồn lực cho việc đấu thầu tại Sân bay Long Thành – siêu dự án hứa hẹn cho ngành hàng không dự kiến triển khai giai đoạn 1 từ năm 2026. Theo đó, SGN sẽ tham gia đấu thầu dự án đầu tư xây dựng, khai thác khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất và xử lý vệ sinh tàu bay số 01 và 02 - Cảng HKQT Long Thành.
Nói về tầm quan trọng của Sân bay Long Thành, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch HĐQT SGN nhấn mạnh: "Sân bay Long Thành quyết định sự tồn tại và phát triển trong tương lai của Công ty. Theo phương án nghiên cứu khả thi (FS), trong giai đoạn 1 thì có đến 80% đường bay quốc tế sẽ chuyển về Long Thành. Như vậy nếu không thắng thầu ở sân bay Long Thành, chúng ta sẽ thiệt hại rất nhiều khi các chuyến bay quốc tế ở Tân Sơn Nhất bị chuyển về Long Thành. Sân bay Long Thành sẽ quyết định sự tồn tại của Công ty trong những năm tới".
Tại Sân bay Long Thành, SGN cho biết sẽ phát triển nhiều dịch vụ khác nữa, không chỉ phục vụ mặt đất cho các hãng hàng không. Trong đó, SGN sẽ liên kết các dịch vụ nằm trong hệ sinh thái của ACV, chẳng hạn như hoạt động trong nhà ga, hoạt động hàng hoá... Đây cũng là những định hướng mới của Công ty thời gian tới.
Theo kế hoạch đề ra, nếu trúng thầu ở Long Thành, SGN sẽ chi gần 174 tỷ đồng, trong đó có 51 tỷ đồng cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (thiết bị sân đỗ, công nghệ thông tin và chuẩn bị cho Cảng HKQT Long Thành) và 123 tỷ đồng cho việc đầu tư trang thiết bị tại Cảng HKQT Long Thành.