Ngày pháp luật

ĐHĐCĐ 2024: Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long của Hòa Phát khẳng định: 'Việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) là theo chuẩn WTO và là điều thông thường'

An Chi

Ngày 11/4, tập đoàn Hòa Phát (mã CK: HPG) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tại khách sạn Melia.

ĐHĐCĐ 2024: Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long của Hòa Phát khẳng định: 'Việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) là theo chuẩn WTO và là điều thông thường' - Ảnh 1

Theo công bố của ban tổ chức, tại ngày chốt danh sách tổ chức đại hội, Hoà Phát có 165.914 cổ đông, thuộc diện đông nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện tại. Tại thời điểm 8h30 sáng 11/4, có 353 cổ đông đến tham dự trực tiếp, đại diện cho hơn 3,8 tỷ cổ phần, chiếm 65,75% tỷ lệ biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.

Chia sẻ tại Đại hội, ông Long cho biết trong quý 1/2024, Hòa Phát đã mang về 31.000 tỷ doanh thu và hơn 2.800 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 7 lần cùng kỳ. Đáng chú ý, tỷ giá USD/VND tăng luôn là vấn đề khá lớn với công ty. Quý 1/2024, công ty phải trích lập dự phòng 200 tỷ đồng do tỷ giá.

Năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 120.355 tỷ đồng doanh thu và 6.800 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 16% và 19% so với năm 2022. Lợi nhuận năm 2023 đạt 85% kế hoạch và giảm so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do lĩnh vực kinh doanh thép giảm 22% lợi nhuận so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu đạt 36.077 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD và đóng góp 30% tổng doanh thu của Tập đoàn. Tổng cộng hơn 2,2 triệu tấn sản phẩm thép của Hòa Phát đã được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia. 

Năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu năm tới mang về doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023. Nếu đạt được, đây sẽ là mức doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử và lợi nhuận cao nhất từ 2022.

Ban lãnh đạo dự kiến năm 2024 doanh thu sẽ tăng so với năm 2023 phần lớn từ sản lượng với kỳ vọng sự trở lại của các nhà phát triển bất động sản sau khi Luật Đất đai năm 2024 được ban hành. Tuy nhiên, mặt khó khăn là giá nguyên liệu xu hướng tăng, giá bán không tăng tương xứng, chi phí tài chính lớn do dự báo lãi suất tiếp tục duy trì trạng thái cao.

Về nhân sự, HPG bầu thêm hai thành viên vào HĐQT: Ông Chu Quang Vũ (SN 1963) - từng giữ nhiều chức vụ tại HPG và các công ty con của tập đoàn; ông Đặng Ngọc Khánh (SN 1973) - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Vĩnh Phát, CTCP Megan Holdings và Tổng giám đốc CTCP MSH Holdings. Hai người đều không có quan hệ lợi ích với HPG.

Năm 2023, HPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6.800 tỷ đồng. Dự kiến công ty sẽ sử dụng 340 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng và phúc lợi, 68 tỷ đồng để trả thù lao HĐQT và Ban kiểm soát. Phần còn lại 6.392 tỷ đồng đưa vào lợi nhuận chưa phân phối. Như vậy, Hòa Phát có thể sẽ có năm thứ hai liên tiếp không trả cổ tức bằng tiền.

Thay vào đó, HĐQT công ty đề xuất phương án thưởng cổ phiếu cho cổ đông. Cụ thể, HPG dự kiến phát hành 581,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10%, tức cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu.

Sau phát hành, vốn điều lệ doanh nghiệp là hơn 63.960 tỷ đồng, với gần 6,4 tỷ cổ phiếu lưu hành.

Nguồn vốn phát hành từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận chưa phân phối. Thời gian phát hành dự kiến vào quý 2/2024 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Cho năm 2024, Hòa Phát dự định trích tối đa 5% lợi nhuận thực đạt cho quỹ khen thưởng, phúc lợi và trích tối đa 5% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch để thưởng ban điều hành tập đoàn và ban điều hành các công ty thành viên. Công ty cũng dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 10%.

Về chia sẻ cá nhân, tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Tập đoàn thành lập từ 1992, tính đến nay là 32 năm và niêm yết cổ phiếu HPG lên sàn chứng khoán từ năm 2007. Đây là một quá trình đủ dài, tính công khai minh bạch cũng như vận hành rất rõ ràng.

"Nếu hỏi về hoạt động kinh doanh, mọi người đừng hỏi tôi vì sự thật là tôi đang rút ra dần. Năm nay tôi cũng đã 64 tuổi, bình thường theo Nhà nước là nghỉ hưu lâu rồi. Giờ đây, anh Nguyễn Việt Thắng (Thành viên HĐQT) làm là chính. Cái gì về điều hành, chiến lược, quy chế, nhân sự tổ chức cấp cao, vốn sẽ do Hội đồng quản trị, do tôi đại diện phụ trách", ông Long cho biết.

Tỷ phú Trần Đình Long cũng nói thêm, về điều hành hàng ngày, cụ thể về thép, về giá bán, ông không biết vì "có biết cũng chẳng để làm gì". Còn việc như mua nguyên vật liệu, bán cho ai sẽ do ban điều hành làm.

"Nếu mọi người nghĩ cứ Hòa Phát là ông Long làm hết thì không phải đâu", Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 của Tập đoàn Hòa Phát, trước câu hỏi của cổ đông về vụ đệ đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát khẳng định: Việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) là theo chuẩn WTO và là điều thông thường. Khi Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế, cũng đối mặt với nhiều vụ kiện CBPH.

"Trước khi chúng ta là cổ đông của Hòa Phát thì đều là công dân của Việt Nam cả, mọi người nên có quan điểm ủng hộ sản xuất trong nước. Nhìn nhận một cách khách quan công bằng thì không có nước nào trên thế giới chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước" – Ông Long nói.

Đặc biệt, theo Chủ tịch của Tập đoàn Hòa Phát, 30 năm trước, Việt Nam còn chưa có tên trên bản đồ thép thế giới, nay tự hào trở thành nước sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á với tổng sản lượng trên 20 triệu tấn và đã sản xuất được thép chế tạo cao cấp.

"Thép là bánh mì của công nghiệp, đặc biệt qua cuộc xung đột Nga- Ukraina, càng thấy vai trò của sản xuất công nghiệp trong nội địa" – Ông Long nhấn mạnh.

Ông Long nhấn mạnh, Hoà Phát chỉ khởi kiện một vài công ty nước ngoài chống bán phá giá chứ không phải toàn bộ các nhà xuất khẩu. Nếu việc áp thuế chống bán phá giá được thực hiện, thì giá thép HRC nhập khẩu cũng chưa chắc đã tăng vì nếu bán giá cao, sẵn sàng có những nhà xuất khẩu từ các nước xung quanh nhảy vào thị trường.

 Chủ tịch Hoà Phát tiết lộ tình trạng “nguy hiểm” của nạn bán phá giá khi chính các nhà sản xuất thép uy tín trong nội địa Trung Quốc cũng bày tỏ sự lo lắng và muốn cơ quan quản lý nước này điều tra các nhà sản xuất phá giá thép.

 

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 3 năm qua, lượng nhập khẩu HRC vào Việt Nam tăng rất mạnh. Năm 2023, lượng nhập khẩu HRC là 9,64 triệu tấn – tăng 19% so với năm 2022 và bằng 143% lượng sản xuất trong nước. Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 6,3 triệu tấn – tăng 91%.

Quý 1/2024, lượng nhập khẩu HRC đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so với lượng sản xuất trong nước, riêng lượng nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến, chiếm 75%. Sản xuất của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sụt giảm, chỉ đạt 73% công suất thiết kế so với mức 86% của năm 2021.

Thị phần bán hàng nội địa của 2 nhà sản xuất HRC trong nước cũng giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Thị phần của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn độ tăng từ 32% lên gần 46% trong năm 2023.

Đồng thời, giá nhập khẩu đã giảm mạnh từ 613 USD tại thời điểm đầu năm 2023 xuống còn 541 USD trong quý 4/2023. Quý I/2024, giá nhập khẩu HRC Trung Quốc chỉ còn 555 USD.

Các chuyên gia cho biết, tình trạng này xảy ra là do những năm gần đây, ngành thép của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc phải đối diện với vấn đề dư thừa nguồn cung do tình trạng thị trường bất động sản không thuận lợi. Do đó, Trung Quốc đang tìm cách đưa lượng lớn hàng tồn dư của mình sang các nước khác. Thậm chí trước tình trạng dư thừa nguồn cung, nhiều công ty thép Trung Quốc đã và đang chấp nhận bán lỗ dưới giá vốn để đưa được sản phẩm ra bên ngoài.

Có một thực tế là theo quy định của Việt Nam, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn theo Thông tư 06/2020/TT-BKHCN, cho nên không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam cũng không chịu một hàng rào thuế quan nào.

Ngược lại, thép Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước đều phải có giấy chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn khắt khe riêng của từng nước. DN Việt Nam phải chấp nhận tiêu chuẩn do doanh nghiệp tự soạn và công bố.

Tin Cùng Chuyên Mục