Ngày pháp luật

Dệt may Thành Công (TCM): Kế hoạch lãi 161 tỷ đồng, mua nhà máy SY Vina trong quý đầu năm

Đoàn Chi

Năm 2024, Dệt may Thành Công (mã: TCM) sẽ có nhiều thay đổi trong mục tiêu chiến lược chuyển đổi sang các mặt hàng giá trị gia tăng, phát triển mặt hàng bằng các công nghệ mới, hợp tác sâu với đối tác Eland…

Dệt may Thành Công (TCM): Kế hoạch lãi 161 tỷ đồng, mua nhà máy SY Vina trong quý đầu năm

Tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên vừa diễn ra, ông Song Jae Ho - Tổng Giám đốc Dệt may Thành Công cho biết, ngành dệt may trải qua nhiều thách thức, TCM không đạt kế hoạch đề ra trong năm ngoái.

Lũy kế cả năm 2023, TCM ghi nhận doanh thu đạt 3.324 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 188 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 133 tỷ đồng, giảm lần lượt là 46% và 52% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2023, TCM đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu gần 4.364 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với thực hiện năm 2022. Trong khi lợi nhuận ròng dự kiến giảm 2%, xuống còn 274 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc năm 2023, TCM mới chỉ hoàn thành được 76% kế hoạch doanh thu và 49% kế hoạch lợi nhuận của năm.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của TCM đang dừng ở mức 3.279 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp tăng lên mức 1.269 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 1.173 tỷ đồng và nợ dài hạn chiếm 95 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo TCM, năm 2024 kế hoạch kinh doanh của TCM đặt mục tiêu doanh thu 3.707 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận sau thuế 161 tỷ đồng, tăng 21%.

Kế hoạch đặt ra dựa trên sự phục hồi của ngành dệt may. Năm trước, công ty luôn trong tình trạng hoạt động không hết công suất. Tuy nhiên, đến quý I, công ty đã nâng công suất lên 100%. Hiện tại, công ty đã nhận 85% đơn hàng cho quý II và 80% đơn hàng cho quý III.

Công ty sẽ thay đổi cơ cẩu sản phẩm từ mặt hàng phổ thông sang mặt hàng có nhiều giá trị gia tăng như chống tia cực tím, trọng lượng nhẹ, vải siêu co giãn…; mời chuyên gia đến từ Hàn Quốc để nghiên cứu xu hướng phát triển dòng vải mới; tăng cường hợp tác với KOTITI (Viện thanh kiểm tra hàng dệt may Hàn Quốc) để chuyển giao công nghệ…

Bên cạnh đó, TCM đã hoàn tất mua nhà máy SY Vina trong quý đầu năm. Mục tiêu mua phần vì giấy phép nhuộm và để công ty đẩy mạnh nhận đơn hàng vải dệt, sản xuất quần áo vải dệt (hiện nay, công ty chủ yếu nhận đơn đặt hàng vải đan).

Theo ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT, kế hoạch kinh doanh 2024 đặt ra từ cuối năm trước, chưa bao gồm việc mua nhà máy SY Vina (dự kiến đóng góp doanh thu 17 triệu USD). Đồng thời, vào đầu năm nay, TCM đã ký với tập đoàn mẹ E-Land đơn hàng 10 triệu sản phẩm, tăng gấp đôi so với năm trước. Doanh thu từ E-Land chiếm 35% tổng doanh thu tập đoàn mỗi năm. Việc này sẽ giúp TCM tăng mạnh doanh thu từ tập đoàn mẹ.

Mặt khác, để tài trợ cho mua nhà máy SY Vina, công ty chủ trương bán nhà máy Vĩnh Long giai đoạn 3, 4 và nhà máy Trảng Bàng. Do công ty chưa chốt được với đối tác bán nên kế hoạch năm 2024 cũng chưa tính đến yếu tố đột biến này.

Lãnh đạo doanh nghiệp tiết lộ doanh thu quý đầu năm đạt 39 triệu USD (936 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế 2,5 triệu USD (~ 60 tỷ đồng); lần lượt tăng trưởng 6% và 9% so với cùng kỳ năm trước và phục hồi mạnh so với 3 quý gần nhất.

Tin Cùng Chuyên Mục