Bộ Công Thương mới đây trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đề xuất thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp là 10 ngày hoặc giữ nguyên là 15 ngày. Trường hợp ngày điều hành giá là ngày nghỉ hoặc ngày nghỉ lễ theo quy định, Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá vào ngày đầu tiên sau ngày nghỉ hoặc ngày nghỉ lễ của chu kỳ tính giá.
Trường hợp giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền trước đó, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể cho kỳ điều hành đó.
Đối với trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng (phương án 1 tăng trên 10%, phương án 2 tăng trên 7%), Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Trường hợp giá cơ sở tăng quá cao dẫn đến việc tăng giá xăng dầu trong nước ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Theo đó, giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước.
Dự thảo Nghị định còn quy định ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng phê duyệt, thương nhân có hoạt động đầu tư, sản xuất xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% vốn.
Theo Bộ Công Thương, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, an ninh năng lượng, nên khi mở cửa lĩnh vực này, Bộ đã tính toán rất kỹ thời điểm phù hợp.
“Khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, xăng dầu là lĩnh vực Việt Nam không cam kết mở cửa để doanh nghiệp trong nước có cơ hội lớn mạnh, xây dựng cơ sở vật chất và trấn giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu trong nước. Đến nay, sau 13 năm, Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư vào hầu hết lĩnh vực quan trọng như điện, dầu khí, hàng không…”, tờ trình nêu.
Theo Bộ Công Thương, sự tham gia của nhà đầu tư ngoại vào một số doanh nghiệp Nhà nước lớn được Thủ tướng cho phép đã góp phần cải thiện đáng kể quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giúp giá trị doanh nghiệp tăng thông qua giá trị cổ phiếu.
Link bài gốc