Giá khởi điểm đấu giá biển số xe ô tô không thấp hơn 40 triệu đồng, xe mô tô không thấp hơn 5 triệu
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã dành Điều 37 để quy định về đấu giá biển số xe.
Theo đó, giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá không thấp hơn 40 triệu; giá khởi điểm một biển số xe mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá không thấp hơn 5 triệu.
Căn cứ điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kì, Chính phủ quyết định cụ thể giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá. Tiền đặt trước trong đấu giá biển số xe không thấp hơn giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá. Bước giá bằng 10% giá khởi điểm.
Dự thảo luật cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe. Cụ thể, người trúng đấu giá biển số xe có các quyền sau: Được cấp quyết định xác nhận biển số xe trúng đấu giá sau khi nộp đủ số tiền trúng đấu giá; được đăng ký biển số xe trúng đấu giá gắn với phương tiện thuộc sở hữu của mình tại cơ quan công an nơi quản lý biển số xe trúng đấu giá hoặc nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức trúng đấu giá; được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe gắn với biển số xe trúng đấu giá.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp quyết định xác nhận biển số xe trúng đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký xe để gắn biển số trúng đấu giá thì người thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế được nhận số tiền người trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá.
Người trúng đấu giá biển số xe có nghĩa vụ nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày
Người trúng đấu giá biển số xe có nghĩa vụ nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả trúng đấu giá; tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký, cấp biển số xe.
Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe không nộp hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại, hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền đặt trước.
Thực hiện thủ tục đăng ký xe để gắn biển số trúng đấu giá trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp quyết định xác nhận biển số xe trúng đấu giá; trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời hạn này được kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 6 tháng. Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe không thực hiện thủ tục đăng ký xe để gắn biển số trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp.
Người trúng đấu giá biển số xe không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế biển số xe trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe gắn biển số trúng đấu giá. Người tham gia đấu giá không xác nhận biên bản đấu giá, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá thì không được nhận lại tiền đặt trước và không được tham gia đấu giá biển số xe trong thời hạn 12 tháng.
Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá, chi phí quảng cáo, chi phí quản trị hệ thống đấu giá và chi phí khác được nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân bổ cho Bộ Công an không thấp hơn 30% tổng số tiền thu được hàng năm từ đấu giá biển số xe để phục vụ công tác đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cho lực lượng CSGT, hiện đại hóa các trung tâm chỉ huy giao thông, tập huấn nâng cao trình độ cho lực lượng CSGT.
Cần thiết phải luật hóa quy định về đấu giá biển số xe
Về căn cứ để đưa nội dung liên quan đến đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an cho biết, theo quy định của Bộ Luật dân sự, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Giao thông đường bộ... thì kho số quản lý phương tiện giao thông đường bộ (biển số xe) là tài sản công, phục vụ quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, việc khai thác kho biển số xe gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý như: Chưa có cơ sở pháp lý về việc cấp biển số xe thông qua đấu giá; chưa có quy định về quản lý biển số trúng đấu giá, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; xác định giá khởi điểm… Qua nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế về khai thác quản lý tài sản công, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô (nền màu trắng, chữ và số màu đen) từ ngày 15/9/2023.
Kết quả, sau 5 tháng triển khai thực hiện, đã tổ chức đấu giá trực tuyến thành công 15.185 biển số xe ô tô, với tổng số tiền đấu giá thành công là hơn 2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 14.062 biển số xe ô tô trúng đấu giá đã được khách hàng nộp với số tiền gần 1,4 nghìn tỷ đồng. Việc đấu giá biển số được dư luận xã hội rất quan tâm và đồng tình, ủng hộ.
Bên cạnh đó, việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 được thực hiện đến tháng 7/2026 (thời điểm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nếu được thông qua vừa có hiệu lực thi hành), sau tháng 7/2026, nếu có tiếp tục thực hiện phải sửa Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Mặt khác, việc đấu giá biển số xe mới chỉ áp dụng thí điểm đối với biển số xe ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen, chưa áp dụng rộng rãi đối với các loại biển số xe ô tô khác và biển số xe mô tô, xe gắn máy nên chưa đáp ứng hết được nguyện vọng của người dân có nhu cầu sở hữu biển số xe theo sở thích.
Việc luật hoá quy định của Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết, phù hợp với các quy định hiện hành về việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công.