Tại tờ trình dự thảo Nghị định, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 10/2020, một số quy định đối với loại hình xe hợp đồng, du lịch còn bất cập như: Khó xác định trong thực tế hoặc phải có công cụ công nghệ thông tin để xác định hoặc lực lượng chức năng gặp khó khăn khi xác định vi phạm đối với một số quy định.
Đơn cử như quy định: Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết (tại điểm d khoản 3 Điều 7).
Bổ sung nhiều quy định ngăn xe hợp đồng chạy trá hình
Để ngăn xe hợp đồng, xe du lịch chạy trá hình tuyến cố định, bảo đảm môi trường kinh doanh vận tải công bằng, lành mạnh, tạo thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động vận tải, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định:
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch và lái xe không được quảng cáo hoặc đăng tải một trong các thông tin sau dưới mọi hình thức: Hành trình/lộ trình; điểm đầu/nơi đi, điểm cuối/nơi đến; chuyến xe có xác định giờ khởi hành/xuất phát; giá vé hoặc số tiền/hành khách (người); địa điểm đón, trả khách.
Trường hợp vi phạm nội dung trên đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.
Ngoài ra, nhiều Sở GTVT phản ánh, theo quy định tại Nghị định 10/2020, từ ngày 1/1/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT. Tuy nhiên, phần mềm này đến nay vẫn chưa được hoàn thiện. Các đơn vị kinh doanh vận tải đã "lách" quy định này để không gửi hợp đồng cũng như danh sách hành khách về Sở GTVT, đặc biệt đối với các đơn vị chạy trá hình tuyến cố định, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Do vậy, để khắc phục lỗ hổng này, dự thảo Nghị định bổ sung quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định và danh sách hành khách kèm theo đến Sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải qua thư điện tử (Email) hoặc qua phần mềm.
Nhà xe Thành Bưởi (TPHCM) thường xuyên đón khách ngay trên đường - Ảnh: VGP/Lệ Vũ
Không để xe hợp đồng chạy như xe tuyến cố định
Tại bảng so sánh nội dung sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất quy định: Xe khách hợp đồng mỗi chuyến đi chỉ được đón/trả khách tại một địa điểm đi/đến theo đúng hợp đồng. Xe hợp đồng không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên, hoặc trong 1 tháng có tổng trên 10 ngày đón/trả khách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc một địa điểm cố định khác.
Sửa đổi trên theo đề nghị của UBND các địa phương, nhằm làm cơ sở xác định rõ vi phạm để xử lý, đồng thời để kiểm soát hoạt động của xe hợp đồng, hạn chế tình trạng xe hợp đồng chạy như tuyến cố định.
Về điểm đón trả khách, dự thảo cũng sửa đổi theo hướng giảm tần suất chuyến đi tối đa trong một tháng tại một điểm từ 30% xuống 10% và đưa ra hai phương án về xác định phạm vi điểm đầu, điểm cuối hành trình xe đi.
Cụ thể, phương án một, trong một tháng, mỗi xe hợp đồng không được thực hiện quá 10% tổng số chuyến có điểm đầu và cuối lặp lại; phạm vi điểm đầu và cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp xã/phường. Việc xác định số chuyến xe trong tháng căn cứ theo thông tin thiết bị giám sát hành trình, hợp đồng vận chuyển, hoặc các biện pháp khác.
Phương án hai, cơ bản các quy định như phương án một, chỉ khác là sửa điểm đầu/cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp huyện.
Theo Bộ GTVT, đề xuất này được đưa ra theo đề nghị của một số Sở GTVT để bảo đảm dễ xác định điểm xuất phát và kết thúc chuyến đi, do theo quy định như hiện nay, nếu không có công cụ công nghệ thông tin sẽ khó xác định.