Giá xăng dầu sẽ tiếp tục biến động mạnh
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dự báo, giá dầu năm nay tiếp tục xu hướng tăng do nguồn cung khả năng sẽ không theo kịp nhu cầu khi OPEC+ vẫn giữ nguyên mức tăng sản lượng như cũ và sản lượng dầu thô, dầu đá phiến của Mỹ tuy đang phục hồi, nhưng khó quay trở lại mức cao trước đây do chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí thải.
“Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cũng đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm nay lên 100,6 triệu thùng dầu/ngày, tăng 3,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó. Đồng thời cảnh báo nếu tình trạng chênh lệch giữa sản lượng thực tế của OPEC+ và mục tiêu đề ra kéo dài, căng thẳng về nguồn cung sẽ leo thang, làm tăng thêm áp lực giá và ảnh hưởng lớn đến kinh tế”, ông Khanh cho hay.
Về tình hình xăng dầu trong nước, ông Khanh cho biết, năm 2022, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước theo ước tính sẽ khoảng 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất từ hai nhà máy lọc dầu khoảng 14,418 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,282 triệu m3.
Thời điểm tháng 1/2022, do gặp vấn đề về tài chính để nhập dầu thô nên Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã cắt giảm công suất từ 105% xuống còn 80%. Bên cạnh đó, vì gặp sự cố kỹ thuật nên từ đầu năm đến nay, Nhà máy đã giảm công suất liên tục và hiện đang chạy ở mức 55-60% và có thời gian ngừng sản xuất. Điều này dẫn tới việc khan hiếm xăng dầu cục bộ trong tháng và tháng 2, đến tháng 3 với lượng xăng dầu nhập khẩu bổ sung đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân.
Hiện nay, để chủ động trong công tác đảm bảo nguồn, Bộ Công Thương đã lên kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu từ quý II-2022 cho thị trường nội địa sẽ không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn do Nhà máy này chưa có kế hoạch cung ứng hàng vào tháng 4 và 5.
Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam dự báo giá dầu sẽ còn rất nhiều diễn biến khó lường trong năm 2022. Đến nay, giá dầu đã hạ nhiệt nhưng vẫn giao dịch ở quanh vùng giá 100 USD/thùng, là vùng giá cao nhất trong gần một thập kỷ. "Giai đoạn đầu tháng 4 đã chứng kiến những phiên giao dịch lên xuống thất thường với biên độ rộng của giá dầu. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ ngày càng trở nên khó dự báo hơn và cần có các công cụ để hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động kinh doanh xăng dầu khi giá diễn biến bất lợi cho doanh nghiệp”, ông Phạm Quang Anh cho hay.
Giải pháp cho doanh nghiệp xăng dầu phát triển ổn định
Ông Mike Wittner, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Dầu toàn cầu của Sở Sở giao dịch liên lục địa (ICE) cho biết, hiện nay, việc sử dụng các công cụ bảo hiểm giá gần như là nghiệp vụ bắt buộc đối với các tập đoàn, doanh nghiệp xăng dầu quốc tế. Theo thống kê của Sở ICE, có khoảng 60% lượng vị thế mở trên thị trường đến từ nhóm kinh doanh hàng vật chất, nghĩa là các công ty khai thác, chế biến, thương mại xăng dầu trên toàn thế giới. Đối với các sản phẩm tinh chế, giá xăng Singapore là giá tham chiếu đối với thị trường châu Á, và có diễn biến tương đồng với sản phẩm dầu ít lưu huỳnh trên Sở ICE, nên hoàn toàn có thể bảo hiểm giá thông qua Sở giao dịch hàng hóa tập trung như Sở ICE và Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).
Ông Phạm Quang Anh chia sẻ, các công cụ bảo hiểm giá mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước có thể ngay lập tức sử dụng như hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng chênh lệch giá. Cụ thể, với các quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán, người mua ở đây là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải bỏ ra một chi phí cố định để thực hiện việc mua hoặc bán một khối lượng xăng dầu nhất định trong một khoảng thời gian định sẵn. Tùy vào diễn biến giá có lợi hay bất lợi sau đó, doanh nghiệp sẽ quyết định có thực hiện quyền trong hợp đồng hay không. Khi đó, mức rủi ro tối đa sẽ là chi phí cố định, trong khi lợi nhuận sẽ không bị giới hạn.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đánh giá cao tính thực tiễn cũng như vai trò của công cụ bảo hiểm giá trong bối cảnh hiện tại, đồng thời khẳng định khi công cụ này được triển khai sâu rộng tới các doanh nghiệp, sẽ giúp ngành xăng dầu trong nước phát triển bền vững và ổn định, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.
“Với thay đổi và biến động giá như thời gian vừa qua thì đã đến lúc doanh nghiệpkinh doanh xăng dầu cũng như các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu như doanh nghiệp vận tải, hàng không... cần quan tâm tới những nghiệp vụ để bảo hiểm rủi ro về giá. Đây là nghiệp vụ cao cấp, tuy thế giới đã dùng nhiều nhưng ở Việt Nam còn ít do đó cần có đánh giá nghiên cứu kỹ lưỡng và thông qua công ty tư vấn có uy tín để làm quen, dần dần từng bước nhưng đây là nghiệp vụ cần thiết phải nghiên cứu và làm trong bối cảnh hiện nay”, ông Bảo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Bùi Quốc Bảo lưu ý ở Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về vấn đề này, dù đã được nhắc đến trong Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nhưng không quy định rõ phải làm như thế nào.
“Hiện ở nước ta chưa hình thành một quy định thống nhất. Để doanh nghiệp ứng dụng được thì Bộ Tài chính, cơ quan thuế phải tách bạch được đâu là phòng vệ giá, đâu là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Việc này cần thiết phải có quy định và đưa vào Luật để thực hiện”, đại diện Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho hay.