Ngày pháp luật

Để đất nước có một lớp nông dân đổi mới

Minh Khang

Câu chuyện ông Nguyễn Quang Tòa (Giám đốc Công ty CP phát triển cây đàn hương và thực vật quý hiếm Tây Nguyên, tại số 143 đường Hùng Vương, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) khởi nghiệp lận đận ra sao khi là người đầu tiên đưa đàn hương, một giống cây quý và hữu ích về Tây Nguyên khiến dư luận thán phục, ngậm ngùi.

Thán phục, khi kiến thức nông học từ con số 0, nhưng ông đã dám bỏ nghề buôn vật liệu để chuyển hướng làm nông dân, nhiều năm chăm cây như chăm con, đúc kết ra những kinh nghiệm để cây có thể thích ứng sinh sôi nảy nở trên đất Tây Nguyên khô cằn, khắc nghiệt.

Ngậm ngùi, vì trong khi ở đâu đó có không ít những đề tài, đề án cấp Bộ ngành, chi nhiều tỷ cho một “công trình nghiên cứu” kiểu “trời ơi nào đó” rồi xếp xó; thì ở đây ông nông dân này một mình tự tìm hiểu, mày mò, cô đơn, đã không cơ quan nào hỗ trợ, thậm chí còn bị đối tượng xấu phun hóa chất diệt vườn ươm đến trắng tay.

Để đất nước có một lớp nông dân đổi mới - Ảnh 1
Ông Tòa bên một trong những cây đàn hương đầu tiên trên đất Tây Nguyên.

Tất nhiên “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với tâm niệm “cho Tây Nguyên thêm xanh” và nông dân có thêm giống cây trồng hữu ích, tránh cảnh “tiêu, điều”, những khó khăn ấy đã không thể ngăn nổi bước chân tới thành công của vị “kỹ sư chân đất”. Có điều, nếu có các cơ quan nhà nước “hà hơi tiếp sức”, khuyến khích, thành quả của những nông dân tự nghiên cứu như ông Tòa đã “rực rỡ” hơn.

Còn nhớ trong cuộc đối thoại với nông dân cả nước hồi cuối tháng 12/2019 vừa qua do Thủ tướng chủ trì, khi được hỏi về chính sách hỗ trợ nông dân phát triển những dự án công nghệ cao, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: “Nếu có sáng kiến thì chúng tôi sẽ luôn song hành với bà con”. Ông Ngọc Anh còn cho biết thậm chí có chính sách hỗ trợ để nông dân nghiên cứu khoa học phát triển thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, với những ưu đãi thuế, vốn, đất đai, nhà xưởng...

Trong thời đại kinh tế 4.0, chuyện nông dân nghiên cứu khoa học không chỉ là xu thế,

mà sẽ là điều tất yếu. Thế nên tại cuộc đối thoại, Thủ tướng đã khẳng định đất nước cần một lớp nông dân đổi mới; chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp trong nông dân và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn…

Mong sao những chỉ đạo từ Chính phủ và các bộ, ngành không có những “độ trễ” dài, để những câu chuyện khởi nghiệp gian nan như của ông nông dân Nguyễn Quang Tòa sớm được cán bộ và cơ quan chức năng biết tới và có những hỗ trợ khuyến khích thiết thực, để những nông dân đam mê với nghề như ông Tòa có thêm động lực nghiên cứu, sáng tạo, phát triển. 

Tin Cùng Chuyên Mục