Theo tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Nam Phú đã phát hành 350 tỉ đồng trái phiếu vào ngày 31/8 với kì hạn 4 năm.
Sài Gòn Nam Phú được thành lập ngày 20/7/2010 với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản.
Đầu năm 2016, công ty tăng vốn điều lệ từ 39 tỉ lên 180 tỉ đồng. Trong đó, CTCP Kiến Á là công ty mẹ nắm giữ 78,33% vốn của Sài Gòn Nam Phú. Ông Bùi Tường Thuỵ, Chủ tịch HĐQT sở hữu 18,4% vốn cùng với một cá nhân khác nắm 3,25% vốn tại đây. Ông Bùi Minh Châu đang là Tổng giám đốc của Sài Gòn Nam Phú.
Vào cuối tháng 8 vừa qua, Kiến Á – bên đảm bảo đã thế chấp hơn 16 triệu cổ phần của Sài Gòn Nam Phú, chiếm 89% vốn điều lệ tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) để vay vốn.
Cùng thời điểm đó, Kiến Á cũng thế chấp gần 3,6 triệu cổ phần, chiếm gần 100% vốn của CTCP An Tây tại VIB.
Kiến Á thế chấp các khoản đầu tư tại hai công ty con trùng với thời điểm Sài Gòn Nam Phú phát hành trái phiếu nên nhiều khả năng đây là tài sản đảm bảo để Sài Gòn Nam Phú phát hành trái phiếu.
Từ nhà giáo đến đại gia bất động sản của người sáng lập Kiến Á
Kiến Á có hoạt động kinh doanh chính là bất động sản và giáo dục, được thành lập năm 1994.
Trong năm 2018, chỉ trong hai tháng, Kiến Á liên tục có sự biến động về vốn điều lệ. Đầu tháng 10/2018, công ty tăng vốn từ 1.260 tỉ lên 1.530 tỉ đồng sau đó lại giảm vốn về 1.368 tỉ đồng cuối năm này. Thông tin về cơ cấu cổ đông của Kiến Á không được thông tin trong các bản thay đổi đăng kí kinh doanh.
Ông Huỳnh Bá Lân sinh năm 1956, là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của Kiến Á. Ông Bùi Tường Thuỵ - Chủ tịch của Sài Gòn Nam Phú nắm giữ vị trí Tổng giám đốc của Kiến Á hàng chục năm qua. Bà Huỳnh Thuý Phương là con gái của ông Huỳnh Bá Lân đang giữ vị trí Phó Tổng giám đốc của Kiến Á.
Kiến Á sở hữu loạt công con gồm: CTCP Sài Gòn Phú Minh, CTCP Kiến Thịnh, Công ty TNHH Kiến Á Đông Sài Gòn, CTCP Đầu tư Phú Thăng Long, Công ty TNHH Kiến Á Bình Thuận cùng các đơn vị liên quan như Công ty TNHH An Tây, CTCP Đầu tư Kiến Á Khánh Hoà, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Giáo dục Duy Tân...
Công ty nổi lên với loạt dự án nghỉ dưỡng như Le Méridien Cam Ranh Bay Resort & Spa (5 ha), Lavila Marina Cam Ranh Bay (32 ha) hay Alila Bai Om Resort (50 ha) ở Phú Yên.
Bên cạnh đó, Kiến Á cũng sở hữu nhiều dự án ở TP HCM như khu đô thị Cát Lái qui mô 152 ha ở quận 2 với dòng căn hộ Citi cùng các dự án Livila là dòng nhà ở thấp tầng (Lavila De Rio, Lavila Đông Sài Gòn 1 và 2, Lavila Nam Sài Gòn 1 và 2)…
Không chỉ vậy, Kiến Á còn rót vốn vào lĩnh vực giáo dục như Trường THPT Duy Tân (Phú Yên), Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM và Trường Đại học Quản lí và Công nghệ TP HCM.
Ông Huỳnh Bá Lân, Chủ tịch của Kiến Á là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM. Ông Lân là Tiến sĩ Toán, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp TP HCM.
Ông có nhiều năm là giảng viên tại Trường Đại học Bách Khoa TP HCM, Đại học Sư phạm Kĩ thuật TP HCM. Song song với việc giảng dạy ông đã thành lập nên Kiến Á vào năm 1994 để xây dựng lên đế chế bất động sản.
Từng chia sẻ với Forbes Việt Nam, ông Lân cho biết cơ duyên làm bất động đến với ông từ năm 1991 sau khi được phân công triển khai dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên.
Cánh tay phải của ông Lân là ông Bùi Tường Thuỵ, từng là sinh viên của Đại học Bách khoa sau đó đã trở thành cộng sự đắc lực trong Ban Điều hành của Kiến Á.
Trên thị trường chứng khoán, ông Lân còn là Uỷ viên HĐQT của CTCP Fiditour (Mã: FDT) từ ngày 15/3/2013 – 19/4/2018 và là người đại diện cho Kiến Á nắm hơn 8% cổ Fiditour.
Không chỉ góp mặt ở lĩnh vực bất động sản mà ông Lân cũng ghi dấu ấn ở ngành ngân hàng khi từng là Uỷ viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank - Mã: KLB) từ năm 2008 cho đến năm 2012 và nắm gần 5,17 triệu cổ phiếu KLB.
Lợi nhuận Kiến Á và Sài Gòn Nam Phú liên tục tăng trưởng
Theo số liệu người viết có được, lợi nhuận của Kiến Á liên tục tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận kép hàng năm (CAGR) gần 66%. Năm 2019, công ty đạt 106 tỉ đồng, vượt cả con số doanh thu là 78 tỉ đồng.
Về quy mô tài sản, cuối năm 2019 tổng tài sản của Kiến Á đạt 1.643 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.584 tỉ đồng còn nợ phải trả khoảng 60 tỉ đồng. Năm 2018 và 2019, nợ phải trả của Kiến Á giảm mạnh so với mức trên 450 tỉ đồng của hai năm trước đó.
Với công ty con của Kiến Á là Sài Gòn Nam Phú thì hai năm 2016, 2017 gần như không phát sinh doanh thu và lợi nhuận. Tới năm 2018, Sài Gòn Nam Phú ghi nhận hơn 10 tỉ đồng doanh thu và hơn 7 tỉ đồng lãi sau thuế.
Đến năm 2019, cả doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng đột biến lên lần lượt 1.084 và 182 tỉ đồng sau khi ghi nhận nguồn thu từ dự án Khu dân cư Vĩnh Phước qui mô 4,8 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.
Hết năm 2019, qui mô tổng tài sản của Sài Gòn Nam Phú đạt 1.376 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 226 tỉ đồng.
Nếu năm 2016, Sài Gòn Nam Phú không phát sinh nợ phải trả thì giai đoạn 2017 - 2019, chỉ tiêu này tăng vọt và cán mốc 1.150 tỉ đồng hết năm 2019. Nợ phải trả cuối năm 2019 đã gấp 5 lần vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, các công ty như CTCP Đầu tư Kiến Á Khánh Hoà, CTCP Sài Gòn Phú Minh, CTCP Đầu tư Phú Thăng Long, Công ty TNHH Kiến Á Bình Thuận, CTCP Kiến Thịnh,...đều có tài sản hàng trăm tỉ đồng nhưng hầu hết chưa ghi nhận doanh thu và lợi nhuận.
Link bài gốc