Đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thị Lệ Hoa, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho biết trong năm qua, Cục đã có những bước đột phá về công tác chỉ đạo, điều hành cũng như công tác chuyên môn trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.
Theo đó, trong công tác xây dựng văn bản, đề án, Cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Bộ trưởng ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BTP ngày 02/8/2023 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 04/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Thông tư này đã tiếp tục tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho việc xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), từng bước nâng cao chất lượng giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo đảm kịp thời đáp ứng yêu cầu cải cách TTHC, góp phần đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022-2030.
Việc tổ chức thực hiện các văn bản liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các nhiệm vụ công tác trọng tâm được tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện bám sát chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra. Cụ thể, đối với lĩnh vực hộ tịch, Cục đã triển khai, tiếp tục duy trì hoạt động, bảo đảm sử dụng thống nhất phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch trên cả nước; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ số hoá (63/63 tỉnh đã thực hiện số hoá); thực hiện liên thông 02 nhóm TTHC (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí); triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến;…
Đối với lĩnh vực quốc tịch, Cục tiếp tục triển khai Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành triển khai Kế hoạch Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc, Tiểu Đề án 2; đảm bảo giải quyết hồ sơ quốc tịch (xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam) đúng quy trình và quy định pháp luật.
Đối với lĩnh vực chứng thực, Cục đã có văn bản gửi các Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động chứng thực; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tiếp tục đôn đốc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; hướng dẫn các Bộ, ngành thực hiện đúng quy định về cấp bản sao từ sổ gốc theo Nghị định trên.
Ngoài ra, công tác hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; thanh tra chuyên ngành; thi đua – khen thưởng;… đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL hộ tịch điện tử và CSDL quốc gia về dân cư; thực hiện số hoá Sổ hộ tịch tại các địa phương; ….
Cần chủ động đổi mới, sáng tạo trong công tác, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước và đáp ứng nhu cầu của người dân
Tại Hội nghị, đại diện các phòng thuộc Cục và đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã cho ý kiến liên quan đến nhiệm vụ cải cách TTHC; thực hiện Đề án 06; thực hiện Dự án đầu tư công “Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch”, “Đầu tư Hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp”;...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi cho biết, việc triển khai Đề án 06 đã đặt ra nhiều thách thức trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; tuy nhiên, Cục đã nỗ lực, cố gắng, chủ động đổi mới, sáng tạo, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Ghi nhận và biểu dương các kết quả mà Cục đạt được, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực giữ vị trí, vai trò rất quan trọng đối với Bộ, ngành Tư pháp; có ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới cuộc sống của người dân. Vì vậy, trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Cục chú trọng công tác quản trị nhân sự, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho yêu cầu, nhiệm vụ chính trị; từ đó tạo nguồn cán bộ lâu dài cho Cục, đồng thời cần phân công công việc phù hợp để phát huy ưu điểm của từng cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, Cục cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành đã được xác định trong Hội nghị triển khai công tác. Trong đó, Thứ trưởng lưu ý, Cục cần tiếp tục đi đầu, tiên phong trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong công tác chuyên môn; phối hợp với Cục CNTT triển khai Dự án đầu tư công “Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch” đúng tiến độ, quy định pháp luật, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả khi CSDL được đưa vào sử dụng. Cục cũng cần chủ động, phối hợp với Cục CNTT nghiên cứu ứng dụng CNTT, số hoá, chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác như quốc tịch, chứng thực; triển khai các bước tiếp theo trong chuyển đổi số cơ sở dữ liệu hộ tịch tại các địa phương, đảm bảo CSDL hộ tịch được số hoá trên toàn quốc.
Thứ trưởng cũng đề nghị Cục quan tâm hơn đến công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho địa phương, chủ động hướng dẫn từ sớm, từ xa; đồng thời xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong công tác thanh tra chuyên ngành về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.
Ngoài ra, Cục cần đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường, tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ cũng như cơ quan hộ tịch địa phương; chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức thực hiện công tác để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân;…