Ngày pháp luật

Đẩy mạnh nộp phạt giao thông, học phí qua trực tuyến

Nam Anh

(Doanhnhan.vn) - Hành lang pháp lý và cơ chế chính sách thay thế về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phải hoàn thiện trước ngày 1/7.

Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Chỉ thị yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế chính sách, ban hành nghị định thay thế về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử trước ngày 1/7. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cần xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho giao dịch thanh toán bán lẻ trước ngày 15/12, phát triển hạ tầng POS dùng chung, nghiên cứu các giải pháp xác thực KYC bằng điện tử.

Đẩy mạnh nộp phạt giao thông, học phí qua trực tuyến - Ảnh 1

Cùng với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh việc thu tiền phạt vi phạm pháp luật, vi phạm giao thông, vi phạm hành chính bằng hình thức thanh toán điện tử. Cơ quan này cũng cần rà soát, bổ sung quy định đảm bảo an ninh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm. 

Bộ Công Thương được yêu cầu hoàn thành cơ chế, chính sách khuyến khích cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ sử dụng thanh toán điện tử. Bộ Tài chính hoàn thiện cơ chế, thống nhất kết nối giữa cơ quan Thuế, Hải quan về cơ chế tài chính trong việc chi trả ngân sách mà không dùng tiền mặt. 

Bộ Y tế hướng dẫn các bệnh viện, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học phối hợp với tổ chức tín dụng sử dụng thanh toán bằng phương thức điện tử. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được yêu cầu tính toán, đưa giải pháp thực hiện chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng. 

Các loại thẻ đa năng, thẻ không tiếp xúc, thẻ phi vật lý để thu phí cầu đường, mua vé tàu, xe... cũng sớm được Bộ Giao thông Vận tải khuyến khích phát triển thanh toán trực tuyến.

Các giải pháp này phải hoàn thành trước ngày 1/7 và báo cáo trước ngày 1/11 với Thủ tướng.

Chỉ thị trên được đưa ra trong bối cảnh việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tính đến ngày 31/12/2019, chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn là 11,33%, cao hơn so với mục tiêu đã đề ra là dưới 10% vào cuối năm 2020.

Tin Cùng Chuyên Mục