Ngày pháp luật

Đầu tư vào sân bay nhỏ: cuộc chiến không âm thầm

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Bộ Giao thông Vận tải kiên quyết bảo vệ quan điểm đề nghị Chính phủ cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư vào sân bay Điện Biên dù hiệu quả kinh tế bị đánh giá thấp. Còn ở miền Trung, Vietstar Airlines đề xuất xây dựng sân bay Tuy Hòa.

Cuộc đua giành quyền trở thành chủ đầu tư các sân bay địa phương không hề dịu đi ngay cả khi ngành hàng không đang trong thời điểm suy thoái trầm trọng vì dịch Covid-19.

Cuối tháng 10 vừa qua, sau cuộc họp với tỉnh Điện Biên và lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), Bộ Giao thông Vận tải vẫn tiếp tục đề nghị Thủ tướng giao cho ACV làm chủ đầu tư Dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên theo hướng doanh nghiệp sẽ bỏ vốn 1.539 tỷ đồng để đầu tư toàn bộ khu bay mới và khu hàng không dân dụng với thời gian hoàn vốn là 50 năm.

Sân bay Điện Biên được nhiều doanh nghiệp đề nghị nâng cấp, đặt hiệu quả kinh tế xuống sau Ảnh: Cổng thông tin điện tử Điện Biên
Sân bay Điện Biên được nhiều doanh nghiệp đề nghị nâng cấp, đặt hiệu quả kinh tế xuống sau Ảnh: Cổng thông tin điện tử Điện Biên

Trong suốt một năm qua, việc giao cho ACV (có 95,4% vốn Nhà nước) đầu tư vào dự án này không được cơ quan quản lý vốn CMSC tán thành với lý do hiệu quả đầu tư dự án thấp, thời gian hoàn vốn trên 50 năm không đáp ứng Luật đầu tư và quản lý vốn Nhà nước vào doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau rất nhiều cuộc họp “lên, xuống” giữa các bên và UBND tỉnh Điện Biên, Bộ Giao thông Vận tải vẫn quyết định đề nghị Thủ tướng giao cho ACV và xem đây như nhiệm vụ chính trị. Nếu được phê duyệt, ACV sẽ trình dự án theo đúng quy định. 

Sân bay Điện Biên cần được xây dựng lại. Nhưng việc chọn ai làm chủ đầu tư lại là câu hỏi đau đầu. Cách đây vài năm, Vietjet cũng đề xuất với tỉnh Điện Biên xây sân bay này nhưng tình hình không tiến triển khả quan hơn.

Sau đó, ACV trình dự án theo hướng không đầu tư nhà ga mới với quy mô 2 triệu lượt hành khách/năm như đã từng đề xuất mà tận dụng nhà ga hiện có, nâng quy mô khách mỗi năm từ 300.000 lên 500.000 lượt khách, cải tạo nhà điều hành và xây mới 1 đường băng, sân đỗ có thể đáp được tàu A320/A321, thay cho việc chỉ đón được tàu ATR 72 hiện có.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý vốn CMSC cho rằng việc giao ACV đầu tư sân bay này không hiệu quả do xét riêng hiệu quả đầu tư sân bay Điện Biên. Về phía Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cần xét hiệu quả đầu tư toàn mạng (do ACV quản lý 21 sân bay trên toàn quốc, có thể lẫy lãi sân bay lớn bù đắp, cộng với số tiền đầu tư không lớn so với năng lực của doanh nghiệp).

Song song với việc Bộ Giao thông Vận tải và ACV kiên định bảo vệ quan điểm đầu tư vào sân bay này để “khơi thông” việc tái đầu tư các sân bay nhỏ khác trong tương lai, UBNA tỉnh Điện Biên đồng thời cũng đề xuất cho phép Bamboo Airways nghiên cứu mở đường bay mới đến sân bay Điện Biên bằng máy bay phản lực Embraer 195 (đã bay đến Côn Đảo).

Ở Tuy Hòa (Phú Yên), Công ty cổ phần hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) mới đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải cho phép được đầu tư Dự án mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Tuy Hòa thành cảng hàng không quốc tế.

Theo quy hoạch, sân bay này sẽ đạt công suất 3 triệu hành khách/năm, đón các tàu bay lớn như A320/A321, B747 đến đây để mở rộng du lịch. Sân bay Tuy Hòa cũng là địa điểm mà Vietjet gửi đơn đề nghị tài trợ làm quy hoạch điều chỉnh và xin tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp toàn bộ cảng từ cách đây 4 năm, đạt mức 3 triệu lượt khách/năm (đến năm 2030).

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục