10 năm trước, anh Tiến (Linh Đàm, Hà Nội) mua một thửa đất rộng gần 2.000 m2 ở Sóc Sơn để làm nơi thư giãn cuối tuần. Ngoài căn nhà gỗ rộng khoảng 200 m2, xung quanh nhà anh Tiến bố trí thêm xích đu, cây cảnh, hồ cá... Thời gian đầu, cứ cuối tuần gia đình anh mới cùng ông bà mới tranh thủ về nghỉ ngơi. Tuy nhiên, lâu dần anh đến thăm nhà ít hơn.
Để không lãng phí, anh đầu tư thêm tiện ích để kinh doanh làm homestay khi thấy trào lưu này rộ lên. Ngoài lúc cần sử dụng, anh đăng cho thuê dưới dạng homestay, hướng đến nhóm khách người Hà Nội muốn nghỉ ngơi cuối tuần. Tuy nhiên, chi phí vận hành vì thế cũng phát sinh nhiều khoản như: thuê người trông nom, đón tiếp khách, làm vườn, dọn dẹp, trồng chăm hoa, cây cảnh...
Thế nhưng, lượng khách đến thuê homestay không như kì vọng của anh Tiến, đặc biệt gần đây hầu như không có khách.
"Ngôi nhà để lâu, ít người ở nên cũng bị ẩm mốc, xuống cấp. Thỉnh thoảng lên nhà có việc thì thấy nhà mình thành nơi nuôi lợn, gà của gia đình người thuê trông, nhìn rất nhếch nhác", anh Tiến kể. Gần đây, vợ chồng anh quyết định rao bán căn nhà. Tuy giá bán không đến mức lỗ so với giá mua, song vài tháng này vẫn chưa giao dịch được.
3 năm trước, gia đình chị Hồng Anh (Cầu Giấy) cũng mua căn nhà vườn của một dự án do chủ đầu tư nhỏ phát triển với mục đích kinh doanh. Tại đây, chủ đầu tư quảng cáo có một số dịch vụ, tiện ích công cộng nội khu như khu vui chơi, hồ bơi, khu mua sắm, chợ quê, bãi cỏ, khu vui chơi trẻ em, nhà hàng, cà phê...
Tuy nhiên, được một thời gian thì chủ đầu tư chỉ hoàn thiện được một số căn đã bán, còn lại vẫn dở dang. Những hạng mục tiện ích bị bỏ mặc, dịch vụ èo uột, không được vận hành đúng như quảng cáo... Đến những cây cảnh, vườn hoa, thảm cỏ... trong dự án cũng bỏ không, chẳng có ai cắt tỉa.
Cuối năm ngoái, gia đình chị Hồng Anh bán căn nhà chấp nhận lỗ 200 triệu đồng so với giá mua vì khó khai thác cho thuê, chi phí trả cho người trông nom, dọn dẹp cũng tốn kém.
"May là bán cuối năm ngoái, đến năm nay có lẽ còn chẳng bán được, và cũng chẳng thể cho thuê", nhà đầu tư này cho biết.
Anh Dương Châu, Tư vấn bất động sản của Công ty APH cho biết "mốt" mua đất thổ cư để xây biệt thự nhà vườn ở vùng ven xuất hiện tại Hà Nội khoảng 5 năm trước và tiếp diễn cho đến nay. Tuy nhiên, không phải ai mua nào cũng hiểu rõ những bất cập trong quá trình quản lý tài sản nên có nhiều người mua xong lại bỏ hoang, bán giá lỗ.
"Hầu hết chủ sở hữu mua xong cũng chỉ ghé vào ngày cuối tuần hoặc dịp lễ Tết, hè nên rất lãng phí. Phần lớn thời gian còn lại nhà bỏ không và phải thuê người trông coi, khá bất tiện và khó kiểm soát tài sản", anh nói.
Theo anh Châu, ban đầu, chủ sở hữu cũng muốn làm mô hình nông trại, đào ao nuôi cá, trồng cây nhưng không phải ai cũng quen với việc này. Bên cạnh đó, với những căn nhà vườn có biệt thự lớn cao cấp hơn, nếu lại đầu tư bể bơi riêng, chi phí đầu tư và duy trì cũng khá tốn kém. Vậy nên dần dần nhiều người cũng từ bỏ việc duy trì một khoảnh đất gần như bỏ không này.
Anh Sinh, chuyên môi giới bất động sản sinh thái ven đô, trang trại nhà vườn chia sẻ rằng, thời gian này số lượng khu vườn sinh thái, nhà vườn rao bán tăng lên. Lý do gia chủ rao bán khá đa dạng nhưng hầu hết vì túi tiền đã xẹp dưới tác động của dịch Covid-19 và cũng bởi họ đã mệt mỏi với việc phải trông nom khu biệt thự nhà vườn.
"Nếu bỏ nhà ở đó không qua lại thì dễ hỏng nhưng cho thuê homestay thì lượng khách không đều, đồng thời cũng tốn chi phí quản lý, bảo dưỡng. Tuy nhiên, việc rao bán những tài sản này cũng không dễ giao dịch. Dù nhiều người hỏi tham khảo nhưng vẫn không mấy người chốt ngay", anh Sinh chia sẻ.
Đề cập đến giá bán, anh Sinh cho biết thông thường những người mua đất ven đô thường chọn Ba Vì, Yên Bài, Quốc Oai, Lương Sơn, Sóc Sơn... Giá đất ở đây có giá dao động từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng/m2, tuỳ loại thổ cư hay đất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo anh Sinh, đa phần các lô đất có diện tích rộng, vài nghìn m2 cho đến vài ha. Do đó, nhà đầu tư cũng phải chi số tiền lớn nên thanh khoản không dễ dàng.
Anh Châu cũng cho rằng khách hàng muốn tìm hiểu về biệt thự nhà vườn cũng nên xác định rõ mục tiêu, tránh đầu tư sa đà.
"Nếu khách mua nhà vườn ven đô để ở thường xuyên thì nên mua đất nền rộng, tự xây và quản lý theo nhu cầu của mình. Tuy nhiên, để hy vọng vào khả năng tăng giá, cho thuê sinh lời thì nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ để đầu tư bài bản, từ xây dựng cho đến tiện ích, cảnh quan, người trông nom. Sau này khai thác homestay thì cũng cần bảo dưỡng, nâng cấp liên tục", ông Châu chia sẻ.