Chính sách đầu tư “sáng nắng chiều mưa” ở “thủ đô resort Việt”
Bài 1: Hàng loạt doanh nghiệp dốc gia sản cho… mưa nắng dãi dầu
Hàng loạt doanh nghiệp được mời gọi đầu tư vào du lịch ở biển Kê Gà từng hồ hởi tâm huyết dốc tiền của, mong biến bãi biển hoang sơ thành “thủ đô resort”. Ai ngờ chính sách của địa phương “sáng nắng chiều mưa”, khiến những tỷ phú tay trắng, nợ đầm đìa.
Đó là một vùng biển tuyệt đẹp với những bãi cát dài trắng mịn, với bốn mùa sóng dạt dào bên những phiến đá hình thù kỳ thú, với ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam… Trước những năm 2000, đó vẫn chỉ là một bãi biển hoang sơ, không khách sạn, không quán ăn, ngày đêm chỉ lau sậy vi vu trong gió. Thế nên bãi biển Kê Gà ở xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, từng được ví như “nàng tiên cá ngủ quên”. Địa phương và các nhà đầu tư từng kỳ vọng sẽ biến nơi đây thành quần thể resort cao cấp ven biển hàng đầu Việt Nam.
Kỳ vọng ấy đã không thành hiện thực dù cả núi tiền của đã đổ vào. Gần hai thập kỷ sau, vùng biển xưa hoang sơ, nay hóa thành nơi các đại dự án hoang phế. Tất cả chỉ vì chính sách của địa phương tiền hậu bất nhất.
Quá khứ “trải thảm đỏ”
Hơn 16 năm đã trôi qua nhưng khi kể lại, ông Vũ Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vạn Trụ, chủ khu resort Vạn Sanh (thôn Kê Gà, xã Tân Thành) vẫn không khỏi ngậm ngùi, cay đắng. Năm 2002, nghe lời kêu gọi đầu tư du lịch của tỉnh Bình Thuận, ông hăm hở tìm hiểu. Lần đầu tiên đứng trước biển Kê Gà, ông choáng ngợp với cảnh vật kỳ vĩ thiên nhiên biển xanh cát trắng. Lúc đó Kê Gà không điện, nước, giao thông, dân cư thưa thớt. Tiền bạc bao năm dành dụm từ công việc sản xuất một thương hiệu máy ổn áp nổi tiếng, ông dốc cả vào đây. Chuyển hướng sang lĩnh vực du lịch “xanh”, ông cho hay khi ấy luôn thầm cảm ơn Bình Thuận đã cho cơ hội đầu tư.
Có mặt cùng thời điểm đó là ông Nguyễn Trường Vinh. Nhắc đến ông Vinh, nhiều người buôn bán bất động sản ở TP HCM biết tiếng vì thành công ở mảng xây biệt thự cho thuê. Những năm 2000, ông Vinh quyết định “làm ăn lớn” ở Bình Thuận bằng dự án resort Đồi Phong Lan.
Còn có thể kể thêm nhiều “đại gia” đã phí hoài hàng chục năm ở đây với mong ước biến vùng biển ít dấu chân người thành “thủ đô resort”. Đó là ông Nguyễn Thịnh Phát, chủ đầu tư khu du lịch Thành Đạt; ông Nguyễn Đức Hiếu, chủ đầu tư khu du lịch Thế Giới Xanh. Ông Hiếu đã qua đời vào năm 2014, sau thời gian dài chứng kiến khối gia sản dần hoang phế.
Đầu những năm 2000, nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch ven biển tại thôn Kê Gà theo lời kêu gọi đầu tư từ UBND tỉnh. Nghe theo chủ trương “thải thảm đỏ” mời gọi, hàng chục doanh nghiệp nhanh chóng đổ vào hàng trăm tỷ đồng. Sau khi doanh nghiệp thương lượng đền bù đất với dân, các thủ tục cho thuê, giao đất được UBND tỉnh lúc bấy giờ tiến hành gọn lẹ, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp. Tiến độ xây dựng được đẩy nhanh. Ông Công nhớ lại: “Chúng tôi nhẩm tính, nếu mọi thủ tục ổn thoả, tiến độ xây dựng đều đều, thì chỉ khoảng 4 – 5 năm sau, biển Kê Gà sẽ trở thành điểm nhấn sáng láng trên bản đồ du lịch không chỉ của Việt Nam, mà của cả thế giới”.
Nhưng “doanh nhân tính không bằng cán bộ tính”, ai ngờ cả núi tiền của nay hóa đống xà bần vì chuyện tiền hậu bất nhất trong chủ trương kêu gọi đầu tư của Bình Thuận.
Tiền hậu bất nhất
Một ngày của năm 2007, khi các đại dự án du lịch đang hối hả xây dựng, bỗng có thông tin đất sẽ bị thu hồi để xây dựng cảng. Các doanh nghiệp thảng thốt không tin điều tréo ngoe ấy. Mới đây quy hoạch biển Kê Gà là nơi phát triển du lịch, mời gọi đổ tiền đầu tư, sao nhanh chóng thay đổi đến như vậy?
Mọi người xôn xao tìm đến UBND tỉnh, sở ngành hỏi thăm. Thì ra Bộ Giao thông Vận tải đưa khu vực biển Kê Gà vào quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam vào tháng 10/2007. Tiếp theo, UBND tỉnh có văn bản giao một số sở ngành kiểm tra toạ độ, rà soát các dự án trong phạm vi quy hoạch cảng nước sâu Kê Gà để yêu cầu các doanh nghiệp đang xây dựng dự án resort tạm ngừng thi công, ngừng triển khai dự án. Đồng thời, tỉnh lên kế hoạch chuẩn bị thu hồi đất.
Ông Công nhớ lại, đầu năm 2008, Sở Xây dựng đồng loạt phát giấy mời các doanh nghiệp đang đầu tư tại khu vực Kê Gà họp thông báo chỉ đạo của UBND tỉnh xung quanh dự án cảng. Mọi chuyện đã rõ, sau khi giao đất cho doanh nghiệp đầu tư du lịch chưa ấm chỗ, tỉnh lại thu hồi để giao Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - TKV) làm cảng Kê Gà. Điều này đồng nghĩa với việc bao nhiêu tiền của của các doanh nghiệp đang đầu tư xuống đây nguy cơ “trôi sông đổ biển”.
Tiếp tục, Sở Kế hoạch - Đầu tư ban hành văn bản thông báo chủ trương xây dựng cảng nước sâu Kê Gà do TKV làm chủ đầu tư với tổng trị giá trên 20.000 tỷ đồng. Mục đích xây dựng cảng nhằm vận chuyển bôxit từ Tây Nguyên xuống. Dự án cảng Kê Gà có độ dài 2,3km bờ biển với tổng diện tích 366ha.
Cũng như những đánh giá tốt đẹp về các dự án du lịch trước đó, nay UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá dự án cảng Kê Gà “rất cần thiết cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nếu có cảng này, nguồn thu của tỉnh sẽ tăng lên qua hoạt động xuất nhập hàng hóa, thu thuế”.
Các doanh nghiệp chết điếng khi UBND tỉnh bắt đầu tiến hành các thủ tục mời chủ đầu tư các dự án du lịch bị ảnh hưởng đến để thông báo về dự án cảng. Theo kế hoạch, tháng 8/2009 khởi công xây dựng cảng, tỉnh đề nghị doanh nghiệp du lịch dừng xây dựng, kinh doanh, chuẩn bị bàn giao đất cho TKV.
“Cuối năm 2009, doanh nghiệp tôi đi xin phép xây dựng bổ sung cho công trình khu du lịch. Dù chưa có quyết định thu hồi đất nhưng Sở Xây dựng trả lời: Dự án nằm trong quy hoạch dự án cảng Kê Gà, vì vậy Sở không xem xét cấp phép xây dựng và điều chỉnh thiết kế. Đồng thời, Sở yêu cầu dự án dừng thi công”, ông Công kể.
Dở sống dở chết
Như cá nằm trên thớt, các doanh nghiệp du lịch phập phồng chờ đợi. Mãi đến giữa năm 2011, UBND tỉnh Bình Thuận công bố quyết định thu hồi đất của 11 doanh nghiệp đầu tư du lịch, giao TKV thuê đất xây dựng cảng. Quyết định trên dựa vào nhiều căn cứ, trong đó có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cảng của TKV.
Biển Kê Gà bốn mùa mưa nắng thuận hòa, nhưng chính sách của địa phương và cơ quan chức năng với vùng đất này thì không như vậy. TKV tuyên bố sẽ khởi công cảng năm 2009, nhưng đến khi hàng trăm ha đất bị thu hồi và giao cho TKV vào năm 2011, cảng vẫn chưa được khởi công. Các doanh nghiệp du lịch “sống dở chết dở”, một số buộc phải đóng cửa dự án khi vừa xây dựng xong.
Bức xúc trước việc công sức, tiền bạc của mình bỏ ra đầu tư đột nhiên bị thiệt hại nặng nề, việc đền bù u u minh minh vì TKV chỉ ứng trước 4 tỷ đồng đền bù, các doanh nghiệp bắt đầu phản ứng. Họ cho rằng, ra quyết định đầu tư và cũng ra quyết định thu hồi để làm cảng là tỉnh Bình Thuận, vì vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải do tỉnh chủ trì, không phó mặc cho TKV.
Nơi đây từng là văn phòng nhộn nhịp của một khu nghỉ dưỡng
Có doanh nghiệp gửi đơn thư lên Chính phủ, nhận định TKV từ trước đến nay có những biểu hiện không đủ năng lực và vốn để thực hiện dự án xây cảng, bằng chứng là nhiều lần trì hoãn việc khởi công và không thể đền bù thiệt hại cho các dự án du lịch bị ảnh hưởng. Có người còn liên hệ với một số cơ quan nghiên cứu về hàng hải, tìm hiểu thu thập tài liệu để chứng minh biển Kê Gà không thể làm cảng bởi dưới lòng biển có những dòng hải lưu ngầm, trong lịch sử không ít tàu thuyền trọng tải lớn ghé vào đã gặp nguy hiểm.
Mọi chuyện cứ diễn ra ì ạch, các dự án du lịch bị thu hồi đất “chết dần chết mòn”, thiệt hại ngày mỗi lớn. Đến năm 2014, TKV tuyên bố không làm cảng Kê Gà nữa vì không hiệu quả. Đất trả lại nhưng bồi thường thiệt hại thì bị lờ đi, cho dù nhiều chỉ đạo từ Chính phủ buộc các cơ quan liên quan phải sớm bồi thường cho các nhà đầu tư du lịch.
Sau hơn chục năm bị bỏ phế, lúc này “thành phố nghỉ dưỡng” Kê Gà đã hoang phế rợn người. Đi dọc nhiều cây số biển, cảnh trí chỉ là những dãy biệt thự hoang tàn, đổ vỡ, nằm trơ xương với gió cát, nắng mưa.
(Còn tiếp)
- Đầu những năm 2000: Hàng loạt nhà đầu tư đổ tiền của xây dựng nhiều khu du lịch, resort tại vùng ven biển Tân Thành hưởng ứng sự kêu gọi đầu tư du lịch của Bình Thuận.
- Cuối năm 2007: Bộ Giao thông Vận tải có văn bản bổ sung quy hoạch Kê Gà thành cảng tổng hợp và yêu cầu Bình Thuận hướng dẫn các nhà đầu tư xây dựng cảng biển.
- Năm 2008: Sở Kế hoạch - Đầu tư Bình Thuận thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà. Có hai nhà đầu tư ban đầu là TKV và Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s). Sau đó Bita’s rút lui.
- Năm 2009: Sở Kế hoạch - Đầu tư mời chủ đầu tư các dự án du lịch bị ảnh hưởng đến để tiếp tục thông báo về dự án xây dựng cảng Kê Gà.
- Theo kế hoạch, tháng 8/2009 khởi công xây dựng cảng Kê Gà, nhưng từ đó đến khi bỏ cuộc, TKV bốn lần trì hoãn việc khởi công.
- Năm 2013: Tại buổi làm việc với Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết dự án xây dựng cảng Kê Gà không hiệu quả, yêu cầu ngừng xây dựng cảng, giao các cơ quan liên quan phối hợp Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các nhà đầu tư du lịch
- Năm 2014: Dự án Cảng Kê Gà đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư
- Năm 2017: UBND Bình Thuận thu hồi quyết định cho thuê đất tại dự án cảng Kê Gà.