Trong Báo cáo chiến lược tháng 8 vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra lời cảnh báo về thị trường chứng khoán thời gian tới, bởi vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn, bao gồm:
Thứ nhất, với việc lạm phát dần trở thành một mối lo ngại ở nhiều nơi, chính sách tiền tệ cũng đang bắt đầu đảo chiều. Mỹ, châu Âu và gần đây nhất là Nhật Bản đều đang hướng tới kết thúc các chương trình nới lỏng tiền tệ. Điều này sẽ khiến thị trường cổ phiếu dễ bị tổn thương hơn.
Thứ hai, việc FED tăng lãi suất, lợi tức trái phiếu Mỹ tăng cũng khiến đồng tiền ở các thị trường mới nổi mất giá. Tổng hợp lại, chúng ta vừa chứng kiến một cuộc rút vốn lớn khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, mà Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Cuối cùng, dù vẫn kỳ vọng đối với những thị trường còn tiềm năng, dòng vốn vẫn có thể sẽ quay lại, tuy nhiên quá trình này sẽ mất nhiều thời gian, nhất là khi sự không rõ ràng từ các động thái của Trump hay cuộc chiến thương mại vẫn còn đó. Hiện, dòng vốn vẫn chưa cho thấy một dấu hiệu ủng hộ thị trường.
Tổng kết lại, VDSC cho rằng có nhiều yếu tố hiện ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền tham gia thị trường. Bên cạnh đó, thống kê KQKD sơ bộ cho thấy câu chuyện tăng trưởng chỉ hiện diện ở những cổ phiếu cụ thể. Do vậy, nhà đầu tư (NĐT) cần tập trung lựa chọn cổ phiếu kỹ càng hơn. Đây là thời điểm cần thận trọng, và giữ một tỷ trọng tiền mặt cao không phải là tệ. Việc giải ngân có thể tiến hành từ tốn do cổ phiếu khó có thể tăng nhanh khi thiếu vắng dòng vốn trên thị trường.
Liên quan đến tình hình KQKD của các doanh nghiệp, thống kê sơ bộ của VDSC cho thấy sự phân hóa mạnh. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (LNST) 47% trong quý 2. Mặc dù con số ấn tượng, theo VDSC, nhưng cũng đã giảm tương đối so với quý 1. Xem xét xu hướng thu nhập từ lãi, công ty chứng khoán này lo ngại lợi nhuận của nhóm ngân hàng có thể đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm nay.
Về nhóm doanh nghiệp phi tài chính thì ghi nhận sự cải thiện nhẹ. Chi tiết, tăng trưởng LNST của nhóm này đạt 9% trong quý 2, so với mức 6% trong quý 1. Tăng trưởng tính chung không lớn, nhưng nếu đi vào từng nhóm ngành hay từng cổ phiếu thì vẫn có điểm sáng. Điển hình có PV GAS (năng lượng), PNJ (hàng tiêu dùng), MWG và VJC (dịch vụ tiêu dùng), REE, PVT và VSC (công nghiệp) đều hoạt động hiệu quả hơn cùng kỳ. 29/97 cổ phiếu phi tài chính với vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% trong nửa đầu 2018.
Điểm lại thị trường tháng 7, VN-Index sụt giảm ngay đầu tháng từ 961 điểm xuống mức thấp nhất 893 điểm. Tuy nhiên, thị trường sau đó có hồi phục trở lại, và kết thúc tháng tại 956 điểm. Nhóm vốn hóa lớn bị bán mạnh trong tháng vừa qua khiến chỉ số VN30 giảm 3,4%.
Ở chiều ngược lại, trước áp lực bán của các cổ phiếu lớn, dòng tiền có phần chuyển sang nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ, khiến chỉ số VNMID-Index ngược dòng tăng 1,7% trong tháng 7. Độ rộng thị trường vẫn chưa có sự cải thiện, trên cả 2 sàn có 263 mã tăng/407 mã giảm (so với 298/366 của tháng trước).
Một điểm đáng chú ý, thanh khoản cao kỷ lục trên sàn phái sinh, và thấp kỷ lục trên sàn cơ sở trong tháng vừa qua.
Cụ thể, giai đoạn VN-Index tạo đáy tại vùng gần 900 điểm trong tuần thứ hai của tháng 7 cũng ghi nhận thanh khoản thấp kỷ lục với chỉ 2.700 tỷ đồng giá trị khớp lệnh bình quân trên cả 2 sàn – mức thấp trong 18 tháng. Trong cùng giai đoạn, giá trị giao dịch phái sinh cũng ở mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 13.700 tỷ. Điều này cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt của dòng tiền từ thị trường cơ sở sang thị trường phái sinh.
Tựu trung lại, mặc dù vẫn có niềm tin thị trường sẽ bắt đầu hồi phục từ đáy trong tháng 8, tuy nhiên NĐT vẫn nên cẩn thận, VDSC nhận định.
Biến động VN-Index trong 3 tháng