Theo các chuyên gia, giá vàng ngày 2-9 tăng mạnh vì nhu cầu trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư tăng cao sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đưa ra mức thuế mới đối với hàng hóa của nhau, khiến họ lo ngại chiến tranh thương mại leo thang kéo dài và sự suy thoái kinh tế toàn cầu.
"Thuế mới thực thi khiến các nhà đầu tư nhìn rõ thực tại ảm đạm là nguyên nhân của phiên giao dịch vàng sáng nay (2-9). Mức độ hoài nghi của nhà đầu tư còn rất cao, vì họ muốn thấy được cuộc đàm phán Mỹ-Trung khởi động trở lại với các kết quả rõ ràng hơn và khi đó sự lạc quan mới quay trở lại xung quanh các tiến bộ đạt được” - ông Daniel Hynes, chuyên gia phân tích của Ngân hàng ANZ, nói.
Theo hãng tin Reuters, sự leo thang chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gây ra nỗi lo sợ suy thoái toàn cầu đã góp phần đẩy giá vàng tăng hơn 100 USD trong tháng 8.
Còn theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, bản chất thương chiến Mỹ-Trung sẽ tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng của vàng.
Trước đây từng đã diễn ra thương chiến Mỹ-Nhật, hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới thời điểm đó nhưng không trầm trọng như bây giờ. Cuộc đụng độ thương mại Mỹ-Trung diễn ra nghiêm trọng ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu là do quy mô của hai nền kinh tế này quá lớn.
Vì quy mô nhất nhì kinh tế thế giới năm 2019 khác xa quy mô nhất nhì của thời điểm trước đó vài thập kỷ. Theo thống kê của World Bank và IMF, lấy tròn số, hiện GDP của Mỹ là 20.000 tỉ USD, còn Trung Quốc là 13.000 tỉ USD, trong khi nước đứng thứ ba là Nhật chưa đến 6.000 tỉ USD.
Nghĩa là anh đứng thứ hai đã gấp đôi anh đứng thứ ba và nếu lấy anh thứ nhất cộng anh thứ hai thì đã tạo ra 60% GDP toàn cầu.
Do đó, nhìn tổng thể các yếu tố là quy mô hai nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng Trung Quốc, khoảng cách cực lớn giữa vị trí số hai và số ba kinh tế thế giới đã làm cho quy mô cuộc thương chiến lan rộng và tác động đến nền kinh tế toàn cầu sâu sắc và sâu rộng.
Bằng phương pháp ngoại suy, nếu nhìn tốc độ tăng trưởng và quy mô kinh tế Trung Quốc thì ba thập kỷ nữa, đến thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt mặt Mỹ, như ông Tập Cận Bình từng tuyên bố.
Mỹ quá biết điều này và xem đây là mối lo thực sự. Trong khi đó, Mỹ không dễ dàng từ bỏ địa vị thống trị kinh tế thế giới.
“Nhiều người nói rằng cuộc thương chiến để phục vụ chiến dịch tranh cử lần hai của ông Trump và chỉ diễn biến đến tháng 10-2020, thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ. Điều này chưa hẳn đúng vì như tôi đã nói Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn, tăng trưởng quá nhanh và nếu để ý rằng các cuộc tái khởi động tranh cử gần đây của hai đảng Dân chủ và Công hòa, đều nêu Trung Quốc là cần đối tượng nghiên cứu và ứng phó” - ông Hải nói.
Do đó, cuộc thương chiến không chỉ dừng lại như những gì như đang diễn ra trước mắt, không đơn thuần giải quyết câu chuyện thuế mà còn kéo dài sâu sắc nghiêm trọng với mục tiêu xác lập vị thế thống trị toàn cầu của một trong hai nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không trở thành siêu cường hàng đầu thế giới chừng nào ông còn làm tổng thống Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News Trump nói: “Nền kinh tế của chúng ta thì vẫn tuyệt. Họ đã bám đuổi chúng ta và muốn hơn chúng ta. Nếu bà Hillary Clinton trở thành tổng thống, Trung Quốc sẽ là một nền kinh tế lớn hơn chúng ta vào cuối nhiệm kỳ của bà ấy. Và bây giờ Trung Quốc thậm chí sẽ không thể tiến gần chúng ta”.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông tin rằng Trung Quốc muốn thay thế Mỹ trở thành siêu cường hàng đầu thế giới và điều đó sẽ không xảy ra nếu ông còn làm tổng thống Mỹ. “Tôi nghĩ rằng họ có ý định đó” - ông nói.
Vào năm 2018, các nhà kinh tế tại HSBC dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ đạt 26.000 tỉ USD vào năm 2030, trong khi GDP của Mỹ sẽ tăng lên 25,2 nghìn tỉ USD, theo dự báo của HSBC.