Ông Đào Ngọc Thanh - vị doanh nhân ở tuổi 74 vừa khởi công dự án hơn 1 tỷ USD tại Hải Phòng, trong vai trò Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Ở tuổi này và khi trong cơ thể đã trải qua nhiều lần lên bàn mổ để chữa bệnh thì có lẽ những người còn đi làm nghề như ông không nhiều.
Làm kinh doanh là để lấy tiền, nhưng ông từng nói, ở tuổi thất thập như ông thì điều đó không phải là tất cả. Với ông, làm việc là sự say mê, hứng khởi vẫn như thời trẻ. Đó cũng là điều mà những người đã và đang làm việc cùng ông Thanh học được nhiều nhất từ ông.
Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh sinh năm 1946 tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ông làm giảng viên tại trường Đại học Xây dựng từ năm 1971. Trong suốt hơn 30 năm trên bục giảng, danh tiếng của ông đã được khẳng định nhờ vai trò tư vấn cho nhiều dự án lớn.
Ngã rẽ lớn nhất mang lại cơ duyên cho ông Thanh đến từ lời đề nghị của ông Lương Xuân Hà, Chủ tịch Vihajico, về một giấc mơ mang tên "đô thị xanh". Năm 2003, ông Thanh quyết định rời giảng đường, nơi ông đã làm việc hơn 30 năm, để toàn tâm thực hiện dự án riêng. Thời điểm đó cũng là sự bắt đầu cho siêu dự án Ecopark – Khu đô thị sinh thái, đô thị tầm cỡ phía Đông Hà Nội.
Ý tưởng của dự án được hình thành khi ông Hà cùng ông Thanh đi trên con đường từ sân bay Quảng Châu (Trung Quốc) về thành phố. Hai bên đường là cây xanh, ở giữa là một dải hoa, điều này đã khiến những người lãnh đạo của Ecopark chợt nảy ra một ý định, là thực hiện một khu đô thị xanh tầm cỡ tại chính Việt Nam.
"Con đường vào dự án của chúng ta sẽ phải như con đường này", hai ông cùng thốt lên khi đó.
Cái tên Ecopark, vì thế, đã được chọn vì đại diện cho giấc mơ này, với Ecology là sinh thái và Economy là kinh tế. Sau khi chọn được địa điểm xây dựng dự án (Văn Giang, Hưng Yên), ông Hà thuyết phục ông Thanh rời trường đại học để toàn tâm toàn ý làm dự án. Năm 2003, ông quyết định rời giảng đường đại học sau hơn 30 năm đứng trên bục giảng.
Hành trình gây dựng Ecopark sau đó cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều.
"Khi đó người ta nghĩ Hà Nội là phải Ba Đình, Đống Đa, còn địa bàn làm dự án Ecopark lúc đó chỉ là một xã thôi, vị trí quá tệ. Lúc đó tôi rời vị trí giảng dạy ở Đại học, nhiều người cũng không tin và lắc đầu nói tiền đâu mà làm được, có người còn nghĩ chúng tôi vẽ dự án để lừa. Tuy nhiên, tôi có lòng tin, quyết tâm rằng dự án phải sống, và tin nó phát triển theo đúng định hướng của mình, rồi cứ thế làm thôi", ông kể.
Khi đó, ở tuổi "không còn trẻ nữa", song ông lại là một trong những doanh nhân có tư duy làm bất động sản rất hiện đại. Trong khi đa số các chủ đầu tư khoảng 2 thập niên trước còn đặt tên dự án là CT hay NƠ (có nghĩa là là cao tầng và nhà ở) thì doanh nghiệp do ông Thanh làm CEO đã gọi tên những toà nhà bằng những cái tên rất thơ, như Palm Garden (có nghĩa là Vườn Cọ)
"Không có cô hoa hậu nào tên là Nguyễn Thị Tèo, Nguyễn Thị Tí, mà đều là những cái tên rất mỹ miều. Bất động sản cũng vậy", ông Thanh từng chia sẻ bí quyết về việc nhà phát triển dự án phải viết câu chuyện như thế nào để kể cho người mua nhà và khơi gợi được cảm xúc từ họ.
Hơn chục năm sau, trong một báo cáo năm 2015, Công ty Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (Apec) cho biết, ước tính Ecopark thời điểm đó trị giá ít nhất 500 triệu USD. Apec cũng nhận định, lợi nhuận trong tương lai của dự án cao gấp hàng trăm lần so với chi phí đầu tư ban đầu. Hai năm sau ông Thanh rời Ecopark, song những dấu ấn của ông - người góp phần lớn để biến cánh đồng trở thành khu đô thị xanh đặc trưng và tạo được dấu ấn riêng trên thị trường là không thể phủ nhận.
"Giấc mộng" mới với Vinaconex
Năm 2019, ông Thanh trở thành tân Chủ tịch HĐQT của Vinaconex sau khi SCIC thoái vốn cổ phần nhà nước tại tổng công ty này.
"Với cá nhân tôi, nghề xây dựng là cái nghiệp, như lời ví von nghiệp của tằm là vương tơ, chứ thực tế ban đầu tôi cũng chỉ nhận lời làm cố vấn tại Vinaconex thôi", ông chia sẻ.
Nhiều người cũng đặt câu hỏi, nhóm cổ đông mới, trong đó có ông Thanh thực chất là ai và sẽ làm gì với tổng công ty này?
"Nói về kiếm tiền thì tôi nghĩ rằng mình là người kiếm giỏi nhưng không phải đại gia nên với số tiền lớn như vậy, chúng tôi huy động của một số cổ đông khác và đại diện cho họ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải cam kết làm sao đảm bảo cổ phiếu của họ tối thiểu phải giữ được giá", ông chia sẻ.
Người ta kỳ vọng vào một Vinaconex mới, dưới thời ông Thanh. Tuy nhiên, ở tuổi này, ông từng nói, không nghĩ mình sẽ làm được gì nhiều cho Vinaconex mà sẽ cố gắng tạo nền tảng cho những người tiếp theo phát triển, đồng thời có những kế hoạch dài hạn hơn trong việc nuôi dưỡng nhân tài thế hệ kế cận.
Chia sẻ về những bước đi mới, ông Thanh từng nói, một trong những vấn đề được ông đề cao hàng đầu, đó là đẳng cấp doanh nghiệp. Làm kinh doanh mà không có sự khác biệt thì sao kiếm được tiền?, ông đặt câu hỏi.
Bởi vậy, vị thuyền trưởng Vinaconex cho biết, muốn thành công tức là phải xây dựng được một mô hình vượt trội và có bản sắc riêng. Ông ví dụ, khi được giao quỹ đất phải làm để nơi đó thật tốt, mang lại giá trị cho người mua.
"Nếu khách mua căn nhà mà còn phải so đo xem nó có đủ chiều rộng không ngôi nhà đó là bình thường. Sự khác biệt là làm ngôi nhà để khách đến họ phải ồ lên, sao mà đẹp thế rồi sẵn sàng xuống tiền, đó chính là sự đẳng cấp", ông nói.
Cũng bởi triết lý phải làm khác biệt, ông cho biết sẽ không bao giờ làm lại một Ecopark hay vẽ một phiên bản khác của Cotana - doanh nghiệp mà ông đang đóng vai trò Chủ tịch HĐQT.
Là đô thị du lịch quy mô lớn nhất miền Bắc và dự án trọng điểm chiến lược của Vinaconex, Khu đô thị Cát Bà Amatina có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1 tỷ USD nhận được nhiều kỳ vọng của cổ đông tổng công ty này. Ông Thanh từng cho biết tham vọng làm một dự án thực sự khác biệt. Những động thái mới đây về việc khởi động lại dự án tỷ đôla này được đánh giá sẽ là phép thử quan trọng với tổng công ty trong giai đoạn mới, dưới thời "vị thuyền trưởng" Đào Ngọc Thanh.
Những doanh nghiệp có dáng dấp của vị lão tướng
Từ nhiều năm trước, ngoài đóng vai trò quan trọng tại Ecopark, ông Đào Ngọc Thanh giữ vị trí Chủ tịch Cotana Group. Được thành lập từ tháng 6/1993, Cotana được biết tới tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Nam, một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của ngành xây dựng tại Hà Nội. Doanh nghiệp này được biết đến là đơn vị thi công khu nhà ở cao tầng đầu tiên của thủ đô tại Định Công, cũng là cái tên gắn liền với nhiều dự án khu đô thị lớn như tại thủ đô Hà Nội như Linh Đàm, Văn Quán, Trung Hòa – Nhân Chính, Ecopark, Golden Field, Samsora Primier 105, Amber Riverside; dự án Ecogarden…
Bên cạnh đó, ông còn giữ vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API), một doanh nghiệp phát triển bất động sản, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.
Giữa năm 2018, ông Thanh cũng từng được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của Samland, 1 trong 4 công ty con của Công ty cổ phần Sam Holdings (Mã CK: SAM) - doanh nghiệp có tiền thân là nhà máy Vật liệu Bưu điện II. Đây là đơn vị đầu tiên trong ngành bưu chính viễn thông và tại tỉnh Đồng Nai được cổ phần hóa vào năm 1998.
Sau đó, Samland được thành lập biết tới là chủ đầu tư phát triển các dự án như Samland Airport ở TP HCM, Samland Riverside, Samland Tân Vạn, KDC Samland Nhơn Trạch, KDC Nhơn trạch, Trung tâm TM-DV-VP…
Tại Sam Holdings, ông Thanh cũng từng giữ chức Phó chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, cuối năm 2018, vị doanh nhân này đã rút khỏi hệ sinh thái liên quan đến Sacom Holdings.