Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Giữ vững ngôi đầu, khẳng định vị thế số 1 Việt Nam
Vị tỷ phú gốc Hà Tĩnh tiếp tục xô đổ những kỷ lục của bản thân bằng những dự án tầm cỡ thế giới vào năm 2018. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi 365 ngày, ông đã tạo nên những điều phi thường, góp phần thay đổi diện mạo dân tộc trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh dự án VinFast khởi công từ cuối năm 2017, Vingroup công bố mô hình VinCity, Đại học VinUni, dược phẩm - nhà thuốc VinFA, điện thoại Vsmart, công ty công nghệ VinTech, thanh toán VinID... và khánh thành tòa nhà Landmark81 cao nhất Việt Nam với độ cao 461m. Ngày cuối năm, Vingroup còn "chơi lớn" với động thái mở cùng lúc 117 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên cả nước nâng tổng số cửa hàng lên con số 1.700.
Không những thế, vị Tỷ phú này còn thực sự khuấy đảo thị trường ô tô Việt Nam với thương hiệu VinFast. Một lễ ra mắt hoành tráng tại sân chơi Paris Motor Show 2018, cùng nhiều lời tán thưởng từ giới chuyên môn và người tiêu dùng là tiền đề để tin vào sức vươn xa của VinFast. Cũng chính ở dự án VinFast, người ta nhìn thấy rõ một Phạm Nhật Vượng với tư duy đột phá, dám nghĩ dám làm, như cái cách chính ông đã từng phát biểu "Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài".
Hiện tài sản ước tính của ông Phạm Nhật Vượng là 158.100 tỷ đồng (khoảng 6,8 tỷ USD).
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: Năm gặt hái được vô số danh hiệu mới
Là "bóng hồng" duy nhất có mặt trong danh sách tỷ phú USD của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có một năm 2018 với vô số những danh hiệu mới, điển hình là hai giải thưởng "Doanh nghiệp ASEAN (Asean Business Awards) 2018" và "Doanh nhân Đông Nam Á tiêu biểu 2018".
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Bên cạnh đó, hãng hàng không Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, vượt lên nhiều đối thủ khác. Đây cũng chính là một trong những sự kiện tiêu biểu của ngành hàng không trong năm vừa qua.
Cụ thể, sau hơn 6 năm kể từ khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, Vietjet Air đã vươn lên trở thành hãng hàng không có thị phần nội địa lớn nhất, vượt qua Vietnam Airlines và Jetstar Pacific.
Cùng với việc mở rộng khai thác thêm 1 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế, Vietjet đạt hệ số sử dụng ghế trung bình là 88,05%. Nhờ đó, thị phần của Vietjet Air đã tăng lên 43% vào cuối năm 2017, vươn lên vị trí là hãng hàng không hàng đầu tại Việt Nam.
Hiện tại sản ước tính của bà Nguyễn Thị Phương Thảo là 69.750 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD).
Tỷ phú Trần Bá Dương: Cú bắt tay ngoạn mục cùng bầu Đức
Năm 2018, tỷ phú Trần Bá Dương nổi lên cùng một cái tên không còn xa lạ - ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Quyết định rót 20.000 tỷ đồng vào Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được báo chí miêu tả như một "cái phao" để bầu Đức bám vào trong lúc đang gặp khó khăn kinh doanh. Giới kinh doanh cũng có nhiều đồn đoán về thương vụ hợp tác tầm cỡ này.
Tại lễ công bố hợp tác chiến lược giữa Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) tối 8/8/2018, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, theo cam kết thỏa thuận đầu tư, cá nhân ông sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cơ cấu toàn diện HAGL, trong đó có cơ cấu nợ và thu xếp vốn thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Ông Trần Bá Dương.
Về phía Tập đoàn THACO, mới đây, ông Trần Bá Dương đã chia sẻ những dự định về kế hoạch phát triển trong tương của doanh nghiệp, trong đó có việc mở rộng lắp ráp các dòng xe con BMW và xe buýt của Mercedes-Benz. Nếu điều này thành sự thật, đây sẽ là cơ hội tiếp cận những chiếc xe Đức giá rẻ hơn cho người Việt.
Hiện tài sản ước tính của ông Trần Bá Dương là 41.850 tỷ đồng (khoảng 1,8 tỷ USD).
Tỷ phú Trần Đình Long: Suýt "mất ngôi" những ngày cuối năm
Tháng 3/2018, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát đón nhận tin vui lớn khi chính thức lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes. Ông cũng gia nhập danh sách các tỷ phú USD của Việt Nam.
Ông Trần Đình Long.
Tuy vậy, thương trường luôn có những "nhịp" khó đoán. Ngày 3/12/2018, thị trường chứng khoán ghi nhận cổ phiếu của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) mất giá đáng kể, dẫn tới việc Forbes loại tên ông Trần Đình Long ra khỏi "bảng vàng" tỷ phú thế giới.
Ở một diễn biến khác, ngay sau khi bị Forbes loại ra khỏi danh sách tỷ phú USD, ông Trần Đình Long đón nhận tin vui: Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông có doanh thu 11 tháng ước đạt trên 50 ngàn tỷ, lợi nhuận sau thuế khoảng 8,1 ngàn tỷ đồng.
Đây là một kết quả khá ấn tượng. Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục ghi nhận những kỷ lục như sản lượng thép, thị phần. Với sự ra mắt của Khu liên hợp gang thép Dung Quất vào năm sau, sản lượng tiêu thụ thép có thể tăng từ 3 triệu tấn hiện nay lên 3,5-4 triệu tấn. Như vậy, trong mảng thép xây dựng, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long vẫn ở vị trí số 1.
Và cũng không để mình bị bỏ lại quá lâu, cùng với sự tăng giảm liên tục của giá cổ phiếu, ông Trần Đình Long đã kịp trở lại bảng xếp hạng người giàu của Forbes chỉ sau vỏn vẹn 2 ngày.
Hiện tài sản ước tính của tỷ phú Trần Đình Long là 30.232 tỷ đồng (khoảng 1,33 tỷ USD).