Ngày pháp luật

Đạt tiêu chuẩn ATTP, nhãn chín muộn Đại Thành vươn ra thị trường nước ngoài

Huy Tuấn

Từ năm 2016, nhãn chín muộn Đại Thành đã xuất khẩu sang Malaysia và nhận được phản hồi tích cực. Cũng bởi đảm bảo chất lượng ATTP, nhãn chín muộn Đại Thành đang vươn đến thị trường Châu Âu và Mỹ.

Tiêu chuẩn sản xuất an toàn

Chũng tôi tìm về Xã Đại Thành (huyện Quốc Oai), một trong những vùng trồng nhãn chín muộn trọng điểm của Hà Nội trong một ngày đầu thu tháng 8. Mặc dù vào thời điểm này, hầu hết nhãn trên thị trường trồng đại trà có nguồn gốc từng Hưng Yên, Sơn La… đã không còn nhưng ở Đại Thành lại bắt đầu đang giữa vụ thu hoạch.

Đạt tiêu chuẩn ATTP, nhãn chín muộn Đại Thành vươn ra thị trường nước ngoài - Ảnh 1

Xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) là một trong những vùng trồng nhãn chín muộn trọng điểm của Hà Nội 

Tìm hiểu về đặc sản của vùng quê này, chúng tôi được biết, hệt như tên gọi của nó, giống nhãn này đặc biệt ở chỗ thời gian thu hoạch rất muộn từ 2/9 đến 10/10 hằng năm mà vẫn mọng nước, vẫn ngọt thơm dìu dịu. Từ cây nhãn tổ có tuổi đời trên 100 tuổi ở Đại Thành khoảng những năm 80 của thế kỷ trước người ta bắt đầu gây giống, nhân rộng ra cả vùng.

Ông Nguyễn Huy Anh, chủ tịch UBND xã Đại Thành cho biết, chính từ chất lượng cũng như đặc tính riêng là chín muộn nên nhãn Đại Thành nhiều năm nay có giá trị kinh tế tương đối cao. Nhận thấy tiềm năng từ việc nhân rộng giống nhãn này, năm 2004, Bộ NN-PTNT đã công nhận là giống đưa vào SX đại trà với hai dòng đó là HTM1 (dòng quả méo) và HTM2 (dòng quả tròn).

Ông Anh cho biết thêm, hiện toàn xã có 160ha trồng cây ăn quả, trong đó có 115ha trồng nhãn chín muộn đã cho thu hoạch. Để tạo điều kiện cho nhãn chín muộn phát triển, năm 2018, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Hiện UBND huyện, UBND xã đang đầu tư hệ thống điện, đường, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đưa Đại Thành trở thành vùng trồng nhãn chín muộn có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội.

Nhãn chín muộn không chỉ là cây ăn quả đặc sản của Hà Nội mà còn là cây trồng chiến lược của huyện Quốc Oai nói chung và xã Đại Thành nói riêng. Với lợi thế về thổ nhưỡng, là nơi lưu giữ nguồn gen giống nhãn chín muộn lâu năm nhất Hà Nội, đến nay, cây nhãn chín muộn đã trở thành cây trồng chủ lực, làm giàu của người dân xã Đại Thành.

Năm 2013, nhãn chín muộn Đại Thành Quốc Oai được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là tiền đề quan trọng để nhãn chín muộn khẳng định chất lượng và uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Với chất lượng thơm ngon nên giá bán tại vườn ở xã Đại Thành dao động từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Năm 2016, năng suất nhãn toàn xã Đại Thành đạt 2.000 tấn, với thị trường tiêu thụ ổn định là hệ thống các siêu thị lớn như: BigC, Fivimart, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Đặc biệt, từ năm 2016, nhãn chín muộn Đại Thành đã xuất khẩu sang Malaysia và nhận được phản hồi tích cực. Theo thống kê của UBND xã Đại Thành, năm 2016, toàn xã thu về hơn 40 tỷ đồng từ trồng nhãn chín muộn. Nhờ cây trồng này, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu và ổn định cuộc sống.

Đạt tiêu chuẩn ATTP, nhãn chín muộn Đại Thành vươn ra thị trường nước ngoài - Ảnh 2

Nhãn thu hoạch rất muộn, từ 2/9 đến 10/10 hằng năm mà vẫn mọng nước, ngọt thơm dìu dịu. 

Để phát triển bền vững cho giống nhãn này, một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu của người trồng nhãn Đại Thành là năng suất đi đôi với chất lượng. Hiện, hơn 90% số hộ trên địa bàn xã Đại Thành đang đầu tư thâm canh nhãn chín muộn theo quy trình VietGAP.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Thành Đinh Văn Phích cho biết, năm 2018 là năm Đại Thành được mùa nhãn lớn nhất từ trước đến nay, vụ này ước tính cho sản lượng từ 2.500 - 3.000 tấn. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội trong việc áp dụng quy trình VietGAP, đặc biệt, sử dụng chế phẩm nano bạc phòng ngừa sâu bệnh hại nên chất lượng quả được nâng lên, mã quả sáng, bóng và đẹp hơn.

Xuất khẩu lô nhãn đầu tiên sang Mỹ

Xác định nhãn chín muộn là cây trồng tiềm năng, có giá trị kinh tế cao, huyện Quốc Oai đã lập quy hoạch để phát triển giống nhãn quý này. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 200ha nhãn chín muộn trồng chủ yếu tại xã Đại Thành và một số xã vùng bãi sông Đáy. Song, với tổng sản lượng nhãn chín muộn lên tới gần 3.000 tấn/năm, bài toán tiêu thụ luôn là mối quan tâm hàng đầu của Quốc Oai.

Ông Nguyễn Huy Anh cho biết, hạn chế lớn nhất của sản phẩm nhãn chín muộn hiện nay là tiêu thụ ở dạng quả tươi, không qua sơ chế, đóng gói nhãn mác nên giá thành chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm. Để phát triển bền vững cho quả nhãn Đại Thành, ông Huy cho biết, cuối tháng 8/2018, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với huyện Quốc Oai và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức kết nối DN và nông dân đưa sản phẩm nhãn chín muộn vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn TP.

Đạt tiêu chuẩn ATTP, nhãn chín muộn Đại Thành vươn ra thị trường nước ngoài - Ảnh 3

Năm nay, thương hiệu nhãn Đại Thành đã có mặt tại những thị trường khó tính như Châu Âu và Mỹ. 

Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm tìm về Đại Thành để thu mua của bà con, đặc biệt, đã có doanh nghiệp nước ngoài về địa phương thu mua để xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ. Chia sẻ với chúng tôi, chủ tịch UBND xã Đại Thành phấn khởi cho hay, tháng 9 này có 2 lô nhãn được doanh nghiệp nước ngoài thu mua trực tiếp để xuất khẩu sang Châu Âu và Mỹ. Trước khi xuất khẩu, nhãn muộn Đại Thành đã được gửi mẫu sang để các cơ quan chức năng tại thị trường Đức, Mỹ thẩm định. Sau khi tất cả các chỉ số chất lượng, ATTP đạt, lô hàng đầu tiên 1,5 tấn nhãn đã được xuất khẩu sang Đức qua đường hàng không. Lô hàng thứ 2 đi Mỹ hiện đang được chiếu xạ tại TP.HCM và bảo quản tốt chuẩn bị sang Mỹ.

“Hàng năm chúng tôi vẫn xuất khấu số lượng tương đối sang các thị trường lân cận trọng khu vực Đông Nam Á. Năm nay, thương hiệu nhãn Đại Thành đã có mặt tại thị trường Châu Âu và Mỹ. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi nếu ở hai thị trường khó tính và tiềm năng này, quả nhãn muộn Đại Thành có chỗ đứng thì vụ nhãn sau chắc chắn, người trồng nhãn Đại Thành sẽ có nhiều niềm vui’, ông Nguyễn Huy Anh phấn khởi nói.

Tin Cùng Chuyên Mục