Ngày pháp luật

Đặt mua máy bay nhưng cạn tiền thanh toán, AirAsia bị Airbus rao bán luôn 6 chiếc

Selina Nguyễn (Theo Reuters)

(Doanhnhan.vn) – Theo thông tin từ Reuters, Airbus (AIR.PA) đã đem rao bán 6 máy bay sản xuất cho AirAsia sau khi hãng hàng không của Malaysia không có đủ khả năng để tiếp nhận số máy bay này.

Động thái bất thường này là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng ngày càng sâu rộng trong ngành hàng không do đại dịch Covid-19 gây ra. Các chuyên gia cho rằng chẳng có gì ngạc nhiên nếu ngày càng nhiều hãng hàng không thế giới phải bán bớt tài sản quan trọng nhất của họ chỉ để tồn tại qua cơn bĩ cực này.  

AirAsia, ông lớn hàng không giá rẻ châu Á, thừa nhận họ không cần bổ sung thêm đội bay khi nhu cầu đi lại đang ở mức thấp chưa từng có, do chịu ảnh hưởng bởi chính sách cách ly và đóng cửa đường hàng không của hàng loạt quốc gia. Ngay trước khi dịch bùng phát, hãng bay này đã đặt hàng Airbus chế tạo 4 chiếc  A320neo và hai chiếc A321neo, nhưng giờ lại chưa thể thanh toán.  

Đặt mua máy bay nhưng cạn tiền thanh toán, AirAsia bị Airbus rao bán luôn 6 chiếc - Ảnh 1

 

Ngay lập tức, Airbus quyết định rao bán lại số hàng tồn trên. Người mua có thể lấy máy bay từ Pháp hoặc Đức vào tháng 6, tuỳ chọn thiết bị trên máy bay, đồng thời được mặc cả giá.

Phía Airbus cho biết, trong tháng này, tập đoàn này đã phải đối mặt với nhiều cuộc gọi từ các hãng hàng không để trì hoãn việc giao nhận máy bay, tuy nhiên không hãng nào công khai huỷ hợp đồng do hậu quả của dịch Covid-19.

Tony Fernandes, người đồng sáng lập AirAsia cho biết, trong tháng này, tập đoàn không có doanh thu và 96% đội bay của họ phải nằm đất. Ông cũng nói thêm rằng, “AirAsia rất mạnh và sẽ vẫn duy trì sự tăng trưởng vững chắc trong tương lai”.

Ngày 17/4, một bộ trưởng cao cấp của Malaysia nói với Reuters rằng việc sáp nhập AirAsia với hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines là một trong những lựa chọn tối ưu để cứu vớt ngành hàng không của nước này.

Những rủi ro

Việc rao bán lại số máy bay trên mang tới lợi ích cho Airbus khi hãng sản xuất có thể thu lại được tiền sớm thay vì chờ đợi đối tác sắp xếp xong vấn đề tài chính, nhưng cũng đi kèm với rủi ro lớn hơn trong tương lai, khi ngành kinh doanh hàng không quay trở lại bánh răng ban đầu. 

Với phần lớn các hãng hàng không đang gặp khó khăn về chuyện tiền bạc, động thái này có thể dẫn đến áp lực từ các đối tác khác khi họ cũng chưa có đủ khả năng để tiến hành giao nhận máy bay mới. Trong khi đó, Airbus đang chế tạo sản xuất 60 máy bay mà chưa thể cung cấp cho các hãng hàng không, một phần vì lý do hậu cần.

Thư hai, mức giá chiết khấu của máy bay thời điểm này sẽ tạo nên tiền lệ không tốt cho doanh số của Airbus trong tương lai. 

Trên thực tế, Airbus có rất ít sự lựa chọn. Nguồn cầu khan hiếm khiến giá những con chim sắt dù rất "hời" nhưng cũng khó có thể được sang tay nhanh chóng. Ryanair (RYA.I), một khách hàng lớn của Boeing, là đơn vị hiếm hoi có kế hoạch mua lại một số máy bay trên của Airbus, khi hãng sản xuất châu Âu giảm tới một nửa mức giá cho hầu hết sản phẩm đang nằm kho từ mức 111-130 triệu USD ban đầu.  

Ở phía đối diện, đối thủ cạnh tranh của Airbus là Boeing cũng phải đối mặt với vụ hủy bỏ đơn đặt hàng Boeing 737 Max khi Ngân hàng phát triển Trung Quốc hủy nhận 29 chiếc máy bay phản lực.

Tin Cùng Chuyên Mục