Trong kinh doanh, thành hay bại đôi khi phụ thuộc vào thời điểm. Đối với hai vợ chồng nhà sáng lập Tony Hsieh và Cathy Hsu, điều đó đúng là như vậy.
Nhờ học tập hai gã khổng lồ công nghệ Facebook và Google, họ đã thành công nhờ xây dựng nên một chiến lược tỉ mỉ.
Hsu và Hsieh là hai người đồng sáng lập Jiliguala, ứng dụng dạy tiếng Anh cho trẻ em có hơn 25 triệu người đăng ký sử dụng tính đến hiện tại.
Cặp đôi bắt đầu kinh doanh tại Thượng Hải từ năm 2014 khi nhìn ra cơ hội tại thị trường Trung Quốc, nơi vẫn chưa có nhiều đơn vị cung cấp các lớp học tiếng Anh cho trẻ mầm non với giá cả phải chăng. Nhờ chiến lược marketing hiệu quả, Jiliguala đã phát triển nhanh chóng và có 1 triệu người dùng trong tháng đầu tiên ra mắt.
1 triệu người dùng đầu tiên
"Sau khi bài báo viết về chúng tôi được đăng tải lên WeChat, chẳng mấy chốc ứng dụng đã đạt 1 triệu người dùng" - Cathy Hsu chia sẻ.
Cô kể lại: "Từ rất sớm, chúng tôi nhận thấy rất nhiều phụ huynh chia sẻ mẹo nuôi dạy con cái trong các bài viết này. Vì vậy, chúng tôi đã liên lạc với tất cả những tờ báo, tạp chí về nuôi dạy trẻ và thuê họ viết về Jiliguala.
"Kết quả mang lại vượt xa mong đợi của chúng tôi. Máy chủ của chúng tôi đã bị hỏng khá nhiều lần vì lượng truy cập quá lớn".
Chiến lược phát hiện và tận dụng xu hướng trên mạng xã hội là điều Hsu và Hsieh học được trong thời gian làm việc tại startup công nghệ Slide, một nhà phát triển ứng dụng của Mỹ được Facebook sử dụng và sau đó được Google mua lại.
Hai "gã khổng lồ" này vốn nổi tiếng vì luôn là người đi đầu trong các cơn sốt công nghệ mới nhất trên thế giới, đồng thời luôn khuyến khích đội ngũ phát triển đón đầu các xu hướng mới.
"Chúng tôi có một chút kinh nghiệm với việc săn tìm những nội dung vira (được chia sẻ nhiều - PV) trên Facebook. Điều này thực sự giúp ích."
Hsu cho biết tại Jiliguala, có một số nhân viên làm nhiệm vụ dành phần lớn thời gian để tìm ra các xu hướng đang phổ biến trên khắp Trung Quốc bằng cách "lướt" mạng xã hội và xem video ngắn của TikTok. Sau đó, họ sẽ tìm cách tận dụng xu hướng đó để tăng lượng truy cập.
Đón lấy cơ hội
Dù vậy, một chiến lược marketing bài bản sẽ không đem lại kết quả nếu không có một ý tưởng đủ "chất:". Và cũng giống như nhiều ý tưởng tuyệt vời khác, Jiliguala được ra đời từ một vấn đề mà nhiều người gặp phải.
Hsu và Hsieh đến từ San Francisco, họ đã sống và làm việc ở Thượng Hải được khoảng 4 năm. Sau khi sinh con đầu lòng, họ phát hiện ra nhiều phụ huynh Trung Quốc có nhu cầu tìm nơi học tiếng Anh cho con ngay từ những năm tháng đầu đời.
Theo một báo cáo, có tới 76% phụ huynh Trung Quốc cho con học tiếng Anh trước sinh nhật 5 tuổi của chúng. Tuy nhiên, chi phí cho việc này không hề nhỏ: Các bậc cha mẹ chi khoảng 20% thu nhập hàng năm cho giáo dục của con cái. Thậm chí, học phí tại các trường quốc tế có thể lên tới gần 30.000 USD/năm.
"Chúng tôi muốn làm một thứ để thay đổi xu hướng này. Tìm kiếm lớp học ngoại ngữ cho con cái là điều mà các bậc phụ huynh quan tâm nhiều nhất."
Hai vợ chồng Hsu quyết định sử dụng hiểu biết về công nghệ của mình và 100.000 USD tiền tiết kiệm để thành lập startup.
Vạch ra một thị trường mới
Trước khi ra mắt ứng dụng dạy tiếng Anh thông qua video, trò chơi và bài hát tương tác, hai nhà đồng sáng lập Jiliguala đã dành khoảng một năm theo học chương trình giảng dạy tại các trường ở Mỹ và Trung Quốc. Ứng dụng của họ nhằm mục đích giúp trẻ em trong những năm đầu đời (từ 0 đến 8 tuổi) tiếp xúc và học tiếng Anh dễ dàng hơn.
Trong 4 năm qua, Jiliguala đã huy động được 20 triệu USD từ nhà xuất bản Penguin Random House và công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital của Mỹ.
Dựa trên chiến lược tăng trưởng lấy cảm hứng từ Facebook, Jiliguala hiện đang phát triển với tốc độ 1,2 triệu người dùng mới mỗi tháng. Đến nay, công ty của Hsu và Hsieh tuyên bố cứ mỗi 6 đứa trẻ trên khắp 2.300 thành phố, thị trấn và thậm chí là vùng nông thôn của Trung Quốc thì có 1 bé sử dụng ứng dụng của họ.
"Thị trường Trung Quốc thực sự rất có tính cạnh tranh. Đối thủ luôn ở ngay sau lưng bạn." - Hsu nói.
Chính vì vậy, Hsu chia sẻ họ sẽ liên tục xem xét thị trường và tìm cơ hội để phát triển.