Với mong muốn tăng doanh số bán xe điện, các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu đã có một chiến lược mới: Yêu cầu chính phủ đánh thuế cao hơn đối với các loại xe thông thường sử dụng nhiên liệu xăng và dầu diesel.
Các giám đốc điều hành của một số hãng sản xuất ô tô và xe tải hàng đầu đang kêu gọi chính phủ các nước châu Âu áp dụng mức thuế mới đối với lượng khí thải carbon-dioxide từ ô tô và xe tải chạy bằng xăng và dầu diesel để giúp xe điện cạnh tranh tốt hơn trên thị trường. Họ đề nghị các khoản thuế này nên ở dạng phí cao tốc hoặc thuế nhiên liệu cao hơn.
Markus Duesmann, Giám đốc điều hành của Audi AG, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng ta cần đánh thuế khí thải ngay từ nguồn phát thải”.
Các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Phần lớn hoạt động kinh doanh của họ vẫn là chế tạo và bán ô tô có động cơ đốt trong - bao gồm ô tô gia đình, xe thể thao đa dụng cỡ lớn và xe thể thao. Việc tăng thuế nhiên liệu có thể làm ảnh hưởng đến doanh thu của những dòng xe này. Nhưng nếu không thể cạnh tranh về giá với xe hơi thông thường, các nhà sản xuất ô tô điện sẽ khó thu hút khách hàng và thu lại khoản đầu tư khổng lồ mà họ đã đổ vào công nghệ.
Một giải pháp để tăng mức thuế là thông qua định giá carbon - tức là khoản tiền phải trả cho một lượng khí thải carbon nhất định và là cơ sở để tính toán các loại thuế và thuế phát thải. Đây là một trong những công cụ mà chính phủ đã dùng để giảm phát thải khí nhà kính. Định giá carbon càng cao thì giá nhiên liệu hóa thạch càng tăng.
Herbert Diess, Giám đốc điều hành của Volkswagen AG, công ty sở hữu thương hiệu Audi, đã kêu gọi tăng định giá carbon. Ông nói rằng mức giá €25 (khoảng 29 USD) mà Đức đặt ra cho mỗi tấn khí thải carbon là quá thấp. Ông đề nghị nước này nên định giá carbon cao hơn so với Thụy Điển, quốc gia đang quy định giá ở mức €100.
Herbert Diess và giám đốc điều hành các hãng xe khác nói rằng, việc đánh thuế khí thải từ các phương tiện gây ô nhiễm sẽ đảm bảo xe điện vẫn hấp dẫn đối với người mua sau khi các chương trình trợ cấp, vốn đang giúp thúc đẩy doanh số, sẽ kết thúc trong thời gian tới.
Trong khi đó, ngành ô tô Đức đã kêu gọi Liên minh Châu Âu miễn thuế cho các loại xe chạy bằng nhiên liệu sinh học và xe điện. Đây là một cách khác để sử dụng hệ thống thuế giúp thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng các phương tiện có lượng khí thải thấp và không phát thải.
Tiếng nói mạnh mẽ yêu cầu sửa đổi thuế nhiên liệu đến nhiều nhất từ các nhà sản xuất xe tải châu Âu. Họ đang đầu tư hàng tỷ Euro vào việc phát triển một thế hệ xe tải chạy bằng pin sạc điện và pin nhiên liệu hydro mới.
Vào tháng 12, các CEO của Daimler Truck, MAN, Scania, DAF, Volvo và đơn vị sản xuất xe tải tại châu Âu của Ford đã thông qua tuyên bố chung, kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu chấm dứt hỗ trợ cho nhiên liệu diesel. Các giám đốc điều hành này cho biết, nếu chi phí vận hành xe tải chạy bằng động cơ diesel không bằng chi phí phát thải carbon, thì giá mua chúng vẫn thấp hơn so với xe điện và không khuyến khích các công ty vận tải thay đổi.
Các hãng xe tải cũng kêu gọi Liên minh Châu Âu đưa vận tải đường bộ vào danh sách các hoạt động kinh doanh gây phát thải của khối này. Đồng thời, thu tất cả các loại phí cầu đường và thuế nhiên liệu cũng như đánh thuế năng lượng trong tương lai dựa trên lượng khí thải carbon-dioxide mà ngành này tạo ra.
Giám đốc điều hành của Daimler Truck, Martin Daum, nói rằng cách tốt nhất để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho xe tải chạy bằng điện và động cơ diesel trong vận tải hàng hóa đường dài là miễn phí cầu đường cho xe tải điện và tăng phí đối với xe tải diesel để phản ánh đúng chi phí do tác động của khí thải carbon.
Ông Daum nói: “Chúng ta cần cân bằng giá xe tải chạy bằng hydro và diesel. Các hãng xe phải bị đánh thuế theo lượng khí thải và sau đó họ có thể tiếp tục cuộc chơi với tỷ lệ này”.
Nỗ lực kêu gọi tăng thuế của các hãng ô tô diễn ra khi Liên minh châu Âu đang chuẩn bị tăng cường các quy định để giảm khí thải, dự kiến sẽ được đưa ra vào mùa hè này để hạn chế lượng phát thải từ một loạt các ngành công nghiệp. Giảm phát thải khí nhà kính từ ô tô chở khách, xe tải, xe buýt, máy bay và các hình thức vận tải khác là một phần trọng tâm trong chiến lược giảm phát thải của Liên minh châu Âu.
Tuy vậy, việc sử dụng thuế nhiên liệu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện khó có thể đạt được tại Mỹ. Tháng này, Tổng thống Biden đã bác bỏ lời đề nghị của Phòng Thương mại Hoa Kỳ về việc tăng thuế xăng dầu thay vì tăng thuế doanh nghiệp, để tạo ra ngân sách cho kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD của ông. Kế hoạch này cũng bao gồm chuyển đổi sang năng lượng thay thế và hỗ trợ cho xe điện.
Chính quyền Biden cho biết việc tăng thuế nhiên liệu sẽ tạo gánh nặng không công bằng lên các hộ gia đình có thu nhập thấp. Kế hoạch của ông Biden cũng kêu gọi thay thế trợ cấp thuế nhiên liệu hóa thạch bằng các biện pháp khuyến khích ngành xe điện.
Lời kêu gọi tăng thuế nhiên liệu gây ngạc nhiên cho một số người, vì ngành công nghiệp này vẫn tạo ra phần lớn doanh thu và lợi nhuận từ ô tô thông thường. Xe điện hiện vẫn chiếm thị phần nhỏ đối với hầu hết các nhà sản xuất ô tô và chỉ chiếm chưa đến 1% doanh số bán hàng của các nhà sản xuất xe tải châu Âu. Những mẫu xe được ưa chuộng nhất trên thị trường là SUV và sedan cao cấp có thể bị đe dọa nếu thuế nhiên liệu tăng quá nhiều.
Giám đốc điều hành các hãng ô tô cho biết những chiếc xe tạo ra lợi nhuận nhất nói trên sẽ tiếp tục mang lại nguồn tiền mà họ cần để đầu tư phát triển xe điện. Giám đốc điều hành hãng xe Daimler, Ola Källenius, vào tháng 3 vừa qua đã gọi những dòng xe trên là “cỗ máy in tiền” đang tài trợ cho tương lai.
Ở châu Âu, phân khúc SUV phát triển nhanh nhất là các dòng xe SUV nhỏ hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang tung ra các phiên bản chạy bằng điện và nhiên liệu hybrid cho những chiếc SUV và sedan cao cấp. Tuần này, Audi đã ra mắt Q4 e-tron, một chiếc SUV chạy hoàn toàn bằng điện và Mercedes-Benz đã giới thiệu EQS, phiên bản cũng chạy hoàn toàn bằng điện của chiếc sedan hạng S hàng đầu của hãng.
Markus Schäfer, thành viên hội đồng quản trị phụ trách về công nghệ của hãng xe Daimler, cho biết chiếc sedan mới sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận như người anh em chạy bằng xăng của nó. Nhưng tỷ suất lợi nhuận của các dòng xe chạy bằng điện là vừa đủ và sẽ tăng lên khi công ty cắt giảm chi phí sản xuất.
“Chúng tôi dự kiến sẽ đạt tỷ suất lợi nhuận ban đầu ở mức thuận lợi”, ông Schäfer nói với các phóng viên trước khi ra mắt EQS. “Chúng tôi tin rằng xe điện sẽ là tương lai và không bám vào quá khứ. Chúng tôi sẽ nỗ lực để giảm chi phí cố định”.
Một số nhà vận động hành lang vì môi trường nói rằng các hãng ô tô điện muốn tăng thuế nhiên liệu - thay vì nâng cao tiêu chuẩn khí thải - vì họ muốn người tiêu dùng dần chấp nhận mức phí phải trả để chuyển đổi sang xe điện.
William Todts, nhà phân tích của nhóm vận động hành lang vì môi trường Transport & Environment có trụ sở tại Brussels, cho biết thuế nhiên liệu có thể không phải là công cụ tốt nhất để thuyết phục người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện.
Ông nói rằng, để đạt hiệu quả thì thuế sẽ phải cao và điều này có thể dẫn đến phản ứng dữ dội của người tiêu dùng - như các cuộc biểu tình của phe áo vàng ở Pháp vào năm 2018 do giá nhiên liệu tăng.
Ông cho biết thêm: “Các tiêu chuẩn phát thải đặt ra cho ngành công nghiệp ô tô cần phải hoạt động hiệu quả. Hãy nhìn tác động của chúng vào năm ngoái, chúng đã khiến doanh số xe điện tăng vọt”.
Link bài gốc