Công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt (KVF) được khởi công xây dựng vào tháng 7/2016 tại TP HCM. Tháng 12/2017 Nhà máy NPK Hàn – Việt của KVF chính thức đi vào hoạt động với công suất thiết kế là 360.000 tấn NPK/năm. Nhà máy có tổng số vốn đầu tư là hơn 60 triệu USD.
KVF được thành lập theo hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ doanh nghiệp Hàn Quốc, bao gồm 51% vốn góp từ Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) và 49% vốn góp từ Huchems (công ty thành viên của Taekwang).
Trong tháng 10/2023, Đạm Cà Mau đã thông qua chủ trương mua 100% phần vốn góp của KVF từ chủ sở hữu. HĐQT ủy quyền toàn bộ cho Tổng Giám đốc thực hiện các công việc cần thiết cho lần mua lại vốn góp này, bao gồm trình HĐQT giá mua lại phần vốn tại KVF sau khi hoàn thành tất cả các bước thẩm định, đánh giá về kỹ thuật, tài chính, pháp lý và xử lý triệt để các tồn tại, các rủi ro tiềm ẩn có liên quan của KVF.
Đạm Cà Mau với chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, kênh phân phối; đẩy mạnh xuất khẩu và kinh doanh quốc tế; chú trọng đến tiếp thị truyền thông trên các nền tảng kỹ thuật số đã giúp công ty chiếm thị phần tại tất cả các thị trường khu vực trong nước. Đặc biệt, tại khu vực Tây Nam Bộ, Đạm Cà Mau chiếm đến 61%, đồng thời sản phẩm của công ty cũng đã có mặt trên 20 quốc gia trên thế giới.
Hiện nay, Đạm Cà Mau đang sở hữu: Nhà máy Đạm Cà Mau có khả năng sản xuất Urê hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm; Nhà máy NPK Cà Mau với công suất 300.000 tấn/năm và vừa hoàn thành chuyển nhượng Nhà máy NPK Hàn Việt với công suất 360.000 tấn/năm - nhãn hiệu đã được khẳng định về chất lượng sản phẩm và bà con Việt Nam tin dùng nhiều năm qua.
Với chính sách, chiến lược thâm nhập thị trường và việc doanh nghiệp đã sở hữu lợi thế cạnh tranh nhất định, Đạm Cà Mau kỳ vọng năm 2024 chỉ tiêu kinh doanh dòng sản phẩm này sẽ tiếp tục tăng cao.
Hiện tại, nguyên liệu sản xuất NPK của Đạm Cà Mau vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, trong khi đó giá bán sản phẩm lại chủ yếu xác định trên giá nguyên liệu. Do đó, chiến lược định hướng cho NPK của doanh nghiệp là làm tốt khâu mua nguyên liệu, chủ động ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu cùng với sản phẩm chủ lực ure. Đồng thời sản xuất, kinh doanh NPK còn được xác định là đòn bẩy để doanh nghiệp kinh doanh, xuất/nhập khẩu các sản phẩm phân bón khác.
Liên quan đến mảng xuất khẩu, tính đến năm 2023, Đạm Cà Mau đã xuất khẩu phân bón sang hơn 18 thị trường trên thế giới với 344.000 tấn, đạt 136 triệu USD. Năm 2024, Đạm Cà Mau tiếp tục mở rộng thị trường mới là Australia và New Zealand.
Trong tháng 4 vừa qua, doanh nghiệp được thông qua việc thực hiện kiểm tra và đánh giá nghiêm ngặt từ Australia, trở thành doanh nghiệp đầu tiên được cấp chứng chỉ xuất khẩu phân bón vào thị trường này.