Thị trường ảm đạm…
Dự đoán thị trường bánh Trung thu năm nay sẽ không sôi động bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hầu hết các cơ sở sản xuất bánh Trung thu đều rất e dè khi đưa ra sản lượng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này. Không chỉ vậy, các hãng còn phải chạy đua về giá cả, chất lượng, mẫu mã để tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như: Bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm, nhiều hãng còn bổ sung các loại bánh nhân có vị khác lạ, độc đáo, thậm chí có loại ít ngọt dành riêng cho người mắc bệnh tiểu đường, ít mỡ cho người huyết áp cao, bánh Trung thu dành riêng cho trẻ em.... Hình thức, mẫu mã sản phẩm cũng được cải tiến thêm bắt mắt và sang trọng phục vụ khách hàng làm quà biếu…
Không nằm ngoài dự đoán của các nhà sản xuất, thị trường bánh Trung thu năm nay vô cùng ảm đạm. Nếu như mọi năm, các cơ sở tung sản phẩm ra thị trường trước ngày rằm đến 3 - 4 tháng thì năm nay, đến thời điểm này, chỉ còn gần 1 tháng nữa là chính rằm nhưng thị trường vẫn rất yên ắng. Dạo qua các tuyến phố: Đường Trường Chinh, Giải Phóng; Nguyễn Chí Thanh; Láng Hạ; Thái Hà; Tôn Đức Thắng; Khuất Duy Tiến kéo dài; Nguyễn Trãi… lác đác xuất hiện các bốt trưng bày bánh Trung thu của các hãng Kinh Đô, Hữu Nghị, Madam Hương; Hải Hà nhưng người mua rất thưa thớt. Tại khu Royal City thì có đến 4 - 5 điểm bán liền kề nhau của các hãng Madam Hương; Kinh Đô; Hữu Nghị… nhưng lượng khách đến mua hàng cũng không cao.
Anh Minh Đăng – chủ đại lý hàng ở khu vực Hà Đông, Hà Nội than thở: “Dự đoán năm nay bánh Trung thu sẽ ế ẩm nên tôi cũng không dám lấy nhiều, nhưng không nghĩ lượng khách lại lèo tèo như vậy. Hy vọng gần đến rằm tình trạng sẽ được cải thiện…!”. “Năm nào mình cũng mua bánh Trung thu biếu bố mẹ hai bên và đi ngoại giao. Năm nay dịch thì dịch vẫn phải có cho phải phép” – một khách hàng nam vừa mua bánh Trung thu ở khu Royal City bộc bạch.
Cảnh giác với bánh Trung thu… “trôi nổi”!
Bên cạnh các sản phẩm bánh Trung thu chính hãng, thời gian gần đây nhiều người có vẻ ưa chuộng các sản phẩm bánh Trung thu tự làm (handmade), bởi theo họ chúng vừa rẻ, ngon lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng vì lý do đó mà cứ gần đến Tết Trung thu, ngoài thời gian đi làm các chị em lại có cơ hội kiếm thêm thu nhập từ việc làm này.
Ở một góc độ nào đó nghe có vẻ hợp lý, nhưng các chuyên gia thực phẩm khuyến cáo: Các nguyên liệu làm bánh thường rất dễ ôi thiu, hỏng hóc nên phải được bảo quản kỹ lưỡng, ở nhiệt độ phù hợp. Nhưng với điều kiện ở nhà, các trang thiết bị không bảo đảm không dám chắc các sản phẩm làm ra có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không. Tiếp theo đó, khi “ra lò”, các sản phẩm cũng phải được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn về độ ẩm, vệ sinh môi trường và nhiều tiêu chí khác. Trong khi đó, các nhà làm bánh Trung thu nghiệp dư không hề có bằng cấp, chứng chỉ về làm bánh, cũng như không hiểu gì về các chỉ tiêu khoa học nêu trên, họ chỉ cảm nhận sự an toàn và thơm ngon bằng cảm quan và làm bánh theo thói quen…
Một vấn đề nữa khiến chúng ta không khỏi lo ngại đó là sự xuất hiện của những chiếc bánh Trung thu mini Trung Quốc đang được rao bán rầm rộ trên chợ mạng. Điều rất đáng nghi ngờ là những chiếc bánh này có giá vô cùng rẻ mạt (chỉ từ 2.300 – 4.500 đồng/chiếc), mua càng nhiều thì càng rẻ.
Theo các tư thương quảng cáo, hạn sử dụng của các loại bánh này rất dài (3-4 tháng). Với đa dạng màu sắc, mùi vị (dâu tây, cam, đào, lê, táo, dưa…) và rẻ tiền, các sản phẩm này được khá nhiều người dân đăng ký mua với số lượng lớn về dùng và đi tặng, đặc biệt là dùng làm quà từ thiện. Nhìn bên ngoài bao bì của sản phẩm được rao bán hoàn toàn không thấy các tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Thậm chí không có thông tin về ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng, tất cả đều in bằng chữ Trung Quốc.
Nhiều sản phẩm bánh trung thu trôi nổi bị cơ quan chức năng phát hiện
Trước sự nhập nhèm về nhãn mác cũng như nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm nêu trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng như Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã gấp rút thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân và bước đầu xác nhận có sự tồn tại của các sản phẩm nêu trên trên thị trường.
Cũng qua công tác thanh kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hàng tấn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cùng với việc xử lý nghiêm khắc sai phạm, các cơ quan quản lý Nhà nước cho biết sẽ công khai danh tính các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh hoạt động thanh kiểm tra hàng hóa, sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cách lựa chọn bánh Trung thu an toàn.
Theo đó, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí sau: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản, Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng;
Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: Có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất; Người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ; Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm “trôi nổi”, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu…
Cùng với việc xử lý nghiêm khắc, các cơ quan quản lý Nhà nước cho biết sẽ công khai danh tính các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng.