Ngày 16/12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã ck: HVN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Mong cổ phiếu HVN không bị hủy niêm yết
Tại buổi Đại hội đồng cổ đông, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, năm 2022, các hãng hàng không phải đối mặt với khó khăn và thách thức lớn khi chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là chi phí nhiên liệu. Mức giá nhiên liệu bình quân năm 2022 là 124,4 USD/thùng, cao hơn 14,1 USD/thùng so kế hoạch (110,26 USD/thùng).
Tỷ giá USD/VND tăng cao tác động trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào.
Trong bối cảnh kinh doanh bất lợi, tổng công ty triển khai các giải pháp đàm phán giảm giá, tiết kiệm, cắt giảm chi phí...
"Tổng chi phí giảm từ các giải pháp tự thân và hỗ trợ của Nhà nước trong năm 2022 đạt xấp xỉ 7.226 tỷ đồng", lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Kết thúc năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 71.775 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà Đại hội cổ đông đề ra và gấp 2,4 lần kết quả năm 2021. Số lỗ hợp nhất đã giảm so với kế hoạch đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.
Vietnam Airlines thực hiện vận chuyển 18,24 triệu lượt hành khách, vượt 7,5% so kế hoạch. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt hơn 2,47 triệu khách ; khách nội địa đạt 15,77 triệu khách, vượt 9% so kế hoạch và tăng 14,2% so với năm 2019.
Dù vậy, hãng hàng không này đã trải qua 3 năm lỗ liên tiếp, lỗ lũy kế hơn 35.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu. Theo quy định, cổ phiếu HVN đã rơi vào diện có thể bị hủy niêm yết trong thời gian tới.
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cho biết, trước Covid-19 diễn ra, Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp đứng đầu về vốn hóa lớn trên sàn HoSE, có tài chính lành mạnh.
Đại dịch khiến nhiều hãng hàng không trên thế giới lao đao, và Vietnam Airlines không ngoại lệ. Ông Hiền tin, cơ quan nhà nước sẽ đánh giá những yếu tố ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines là khách quan, mong cổ phiếu HVN có thể không bị hủy niêm yết.
HVN bố trí được 7.000 tỷ đồng để trả nợ
Giải đáp thắc mắc của cổ đông về thời điểm cân bằng thu chi, ông Trần Thanh Hiền, cho biết năm 2023 dòng tiền đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty đã bố trí được 7.000 tỷ đồng để trả những khoản nợ đến hạn trả và hoãn được một số khoản nợ đến hạn khác.
Ông Hiền tin tưởng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, dòng tiền bổ sung từ đề án tái cơ cấu tài sản thông qua bán tàu bay cũ, đầu tư vào danh mục hấp dẫn, sẽ đảm bảo thanh khoản, khả năng hoạt động liên tục và Tổng Công ty sớm xoá được âm vốn chủ sở hữu.
Để xóa lỗ lũy kế, công ty có thể mất rất nhiều năm. Quan trọng nhất là công ty cần được thông qua đề án tái cơ cấu gồm tái cơ cấu danh mục đầu tư, tái cơ cấu các công ty con và tái cơ cấu nguồn vốn. Ông Hiền bày tỏ mong muốn Chính phủ có thể thông qua chủ trương tái cơ cấu sớm nhất như thoái vốn Skypec, phát hành thêm cổ phiếu để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.
Cam kết trước cổ đông, lãnh đạo Tổng Công ty cho biết sẽ tiếp tục điều hành sản xuất kinh doanh linh hoạt theo diễn biến thị trường, thực hiện các giải pháp tăng cường quản trị doanh thu, đàm phán giảm giá, tiết kiệm, quản trị chi phí. Cùng với đó, triển khai các giải pháp tái cơ cấu tài sản nguồn vốn để bổ sung thu nhập, dòng tiền và nguồn vốn nhằm mục tiêu cải thiện tối đa kết quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo duy trì thanh khoản.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2023, Vietnam Airlines đặt mức doanh thu khoảng 91.810 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Công ty vẫn dự kiến sẽ lỗ hơn 6.000 tỷ đồng trong năm 2023.