Đại hội cổ đông thường niên Quốc Cường Gia Lai (QCG): Chủ tịch tiết lộ con số trả lại cho Sunny Land hơn 1.440 tỷ đồng, dời kế hoạch trả cổ tức 2021 sang năm 2025

Linh Anh

Theo hợp đồng, QCG nhận từ Sunny Land 2.882 tỷ đồng, nếu QCG vi phạm sẽ phải trả số tiền cộng thêm 50%. Tuy nhiên, theo phán quyết VAIC, QCG thực hiện đúng hợp đồng nên chỉ cần trả 50%, tương đương 1.441 tỷ đồng.

Chiều ngày 24/6/2023, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã ck: QCG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ thường niên 2023 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Năm 2023, QCG cơ cấu lại nguồn vốn tại công ty con

Năm 2022, doanh thu công ty QCG thu về 1.274 tỷ đồng, tăng 21% song lãi ròng giảm đến 62% xuống còn 25 tỷ đồng. Riêng quý IV/2022, QCG lỗ trở lại gần 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ trước đó lãi hơn 29 tỷ đồng.

Theo QCG, tình hình kinh doanh gặp khó khi do thị trường bất động sản đang bị "tắc nghẽn". Từng là công ty bất động sản tiếng tăm trên thị trường nhưng sau sự cố tại dự án Phước Kiển, cùng tranh chấp với đối tác ngoại Sunny, QCG gần như đứng im. 

Đại hội cổ đông thường niên Quốc Cường Gia Lai (QCG): Chủ tịch tiết lộ con số trả lại cho Sunny Land hơn 1.440 tỷ đồng, dời kế hoạch trả cổ tức 2021 sang năm 2025 - Ảnh 1

Tại Đại hội, ban lãnh đạo của QCG đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu đạt 900 tỷ đồng, tăng 71% so với thực hiện năm 2022. Khấu trừ chi phí, Công ty dự kiến lợi nhuận thu về 50 tỷ đồng, tăng 112,8% so với năm 2022.

Tính riêng trong quý I/2023, QCG chỉ ghi nhận lãi vỏn vọn chưa đến 1 tỷ đồng (906 triệu đồng), giảm tới gần 93% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu thuần hợp nhất 3 tháng đầu năm đạt 165,8 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Do chi phí giá vốn hàng bán gia tăng đáng kể, tỷ suất lợi nhuận gộp sụt giảm đáng kể từ 19,93% xuống chỉ còn 9,82% .

Chi phí tài chính trong kỳ tăng 55% so với cùng kỳ lên mức 10,76 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 22,14% so với cùng kỳ xuống còn 5,07 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý I/2023 của QCG
Kết quả kinh doanh quý I/2023 của QCG

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của công ty đạt 9.734 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,17% so với đầu năm. Trong đó khoản tiền và tương đương tiền ghi nhận 24,55 tỷ đồng, giảm 68,09% so với thời điểm đầu năm.

Đáng chú ý, lượng hàng tồng kho chiếm tỷ trọng khá lớn lên tới 72,89% trên tổng tài sản, ghi nhận 7.094 tỷ đồng. Chủ yếu là bất động sản dở dang, chiếm tới 6.589 tỷ đồng, trong đó phần nhiều là khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan đến các dự án.

Tổng nợ phải trả tính đến cuối quý I/2023 giảm 3,87% so với đầu năm, xuống còn 5.394 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả ngắn hạn chiếm 5.095 tỷ đồng, chiếm 52,34% trong tổng cơ cấu nguồn vốn.

Năm 2023, Công ty dự kiến cơ cấu lại nguồn vốn tại các công ty con và công ty liên kết để phù hợp với tình hình tài chính hiện tại. Các dự án đang triển khai của QCG có thể kể tên như Premium Central (quận 8, Tp.HCM), De Capella (Thủ Đức, Tp.HCM), Lavida Plus (quận 7, Tp.HCM).

Bên cạnh đó, QCG đang hoàn thiện pháp lý tại các dự án KDC Phạm Gia (huyện Bình Chánh, Tp.HCM), Khu dân cư Bắc Phước Kiển (91,69ha) đang thực hiện lại thủ tục đầu tư theo quy định Luật Đầu tư năm 2020…

Dời kế hoạch trả cổ tức 2021 sang năm 2025

Tại Đại hội, ban lãnh đạo QCG trình cổ đông kế hoạch dời việc chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% sang quý III/2025. 

Với tỷ lệ 10%, số lượng QCG dự kiến phát hành là hơn 27,5 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị phát hành khoảng hơn 275 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành là cổ phiếu phổ thông, tự do chuyển nhượng với mệnh giá là 10.000 đồng/đơn vị. 

Khi được hỏi lý do dời việc chia cổ tức sang tận năm 2025 là quá lâu, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG cho biết, nếu thời điểm này chia cổ tức bằng tiền mặt thì công ty đang gặp khó khăn; còn nếu chia bằng cổ phiếu thì công ty phải tăng vốn mà việc này không tốt trong giai đoạn này. 

Theo bà Loan, việc không chia cổ tức giúp công ty có số vốn nhất định, việc thương thảo với đối tác sẽ dễ dàng hơn. Do đó, "chúng ta phải hy sinh cho công ty", bà Loan cho biết.

Đã có phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (VAIC) về vụ kiện với Sunny Insland 

Theo bà Nguyễn Thị Như Loan, sau rất nhiều cố gắng, đấu tranh đến cùng thì vụ kiện cũng đã có kết qua ban đầu.

Theo hợp đồng, QCG nhận từ Sunny Land 2.882 tỷ đồng, nếu QCG vi phạm sẽ phải trả số tiền cộng thêm 50%. Tuy nhiên, theo phán quyết VAIC, QCG thực hiện đúng hợp đồng nên chỉ cần trả 50%, tương đương 1.441 tỷ đồng. Quyết định này có hiệu lực trong 30 ngày nếu Sunny Land không kháng cáo.

Bà Loan cho biết, sau khi Sunny Island giữ toàn bộ hồ sơ sổ sách 65 ha đất của dự án thì họ chuyển qua Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) giữ. Nhưng sau đó, cơ quan điều tra cho biết họ đang giữ hồ sơ này để xem xét có liên quan Vạn Thịnh Phát không.

Sau đó, họ sẽ tiếp tục có quyết định về số tiền mà Quốc Cường Gia Lai phải trả. Nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức nên phải chờ.

Trả lời cổ đông lý do bán nhà máy thủy điện, bà Loan cho biết, nguồn vốn đi vay hạn chế nhưng cần huy động tiền để trả cho Sunny Land, nên sẽ bán được những tài sản mà không bị lỗ, có lãi hoặc huề vốn.

“Không bán thủy điện thì bán gì, bán dự án rẻ 50% so với giá mua vào, hay bán thủy điện không lỗ, thì mình chọn gì. Thủy điện có nguồn thu ổn định, may mà còn có thủy điện mà bán, chứ nếu chôn hết vào bất động sản thì giờ không có gì trả cho Sunny Land”, bà Loan cho biết tại đại hội.

Đề cập đến những vướng mắc của dự án hiện có, bà Loan cho rằng vướng mắc pháp lý là vướng mắc chung, cần chờ tháo gỡ từ chính sách. Điển hình tại Phước Kiển hiện tại còn khoảng 10% chưa đền bù giải tỏa xong nhưng 7 hộ dân chưa chịu di dời, bà Loan phải nhờ đến Quốc hội và đang phải chờ.

Tin Cùng Chuyên Mục