Công ty cổ phần FPT (mã ck: FPT) vừa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại Hà Nội.
Chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 20%
Tại buổi họp, ban lãnh đạo FPT đã thống kê kết quả kinh doanh năm 2023 và công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Cụ thể, năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 101% kế hoạch doanh thu và 102% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 6.470 tỷ đồng, tăng trưởng 21,8%, EPS (Earning Per Share) đạt 4.666 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 21,3% so với năm trước.
Với kết quả đạt được như trên, Hội đồng quản trị FPT trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 20%. Trước đó, FPT đã thực hiện tạm ứng 10% trong năm 2023, phần còn lại dự kiến chi trả trong quý II/2024 nếu được thông qua.
Với năm 2024, FPT dự kiến chia cổ tức 2.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông, căn cứ theo số lượng cổ phiếu mới sau khi đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2024 tăng 18% lên mức 10.875 tỷ đồng
Bước sang năm 2024, FPT đặt kế hoạch doanh thu 61.850 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 10.875 tỷ, tăng khoảng 18% so với kết quả năm 2023.
Trong cơ cấu doanh thu, khối Công nghệ dự kiến sẽ đem về doanh thu nhiều nhất với 31.449 tỷ đồng, tăng hơn 21% và chiếm gần 51% tổng doanh thu. Hai khối Viễn thông và Giáo dục, đầu tư khác mục tiêu doanh thu tăng trưởng lần lượt 11% lên 17.600 tỷ đồng và tăng 14% lên 6.100 tỷ đồng.
Về lợi nhuận, khối Công nghệ dự kiến đóng góp 5.195 tỷ đồng lãi trước thuế ) tăng 25%). Cùng với đó, khối Viễn thông dự báo đem về 3.508 tỷ đồng trong khi lãi trước thuế khối Giáo dục, đầu tư và khác dự kiến đạt 2.172 tỷ đồng (tăng 9%).
Mở rộng dịch vụ ngành chip bán dẫn
Về kế hoạch năm 2024, với khối Công nghệ, FPT sẽ nâng cao năng lực chuyên sâu trong lĩnh vực Automotive (mục tiêu tăng trưởng 50%/năm và đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030.
FPT cũng sẽ mở rộng các dịch vụ trong ngành chip bán dẫn: 2030 đào tạo được 10.000 kỹ sư và chuyên viên ngành bán dẫn (bao gồm cả các chứng chỉ chuyển đổi ngắn hạn từ các ngành liên quan như Điện tử, Viễn thông…).Cùng với đó là tiếp tục đầu tư cho các dịch vụ về AI, Cloud, Cybersecurity cùng các dịch vụ hạ tầng mới, công nghệ mới.
Với khối Viễn thông, FPT dự kiến đầu tư 2.300 tỷ đồng cho các trục cáp chính, cáp biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống Trung tâm Dữ liệu.
Về Giáo dục, FPT dự kiến đầu tư khoảng 2,000 tỷ đồng mở rộng khuôn viên khối Đại học tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và mở rộng thêm các cơ sở đào tạo mới của các khối cao đẳng, phổng thông trên quy mô toàn quốc.
Phát hành thêm 190 triệu cổ phiếu mới, nâng vốn điều lệ lên 14.600 tỷ đồng
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông, FPT thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng).
Cụ thể, Công ty dự kiến phát hành tối đa 190,5 triệu cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20:3 (tức 15%). Điều đó có nghĩa cổ đông cứ sở hữu 20 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 3 cổ phiếu mới. Mục đích là để tạo thanh khoản tốt hơn cho cổ phiếu FPT, mang lại giá trị cho cổ đông.
Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thuộc nguồn vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính công ty mẹ kỳ gần nhất được kiểm toán. Thời gian thực hiện dự kiến sau khi Đại hội đồng cổ đông phê duyệt, không muộn hơn quý III/2024 sau khi được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Ngành bán dẫn còn nhiều không gian để phát triển
Chia sẻ tại buổi họp Đại hội cổ đông, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT cho biết, cách đây hai tuần, hiệp hội các Chủ tịch, Tổng giám đốc các công ty Nhật Bản đã sang Việt Nam làm việc, trong những đơn vị họ làm việc có FPT. Họ hợp tác với Việt Nam dựa trên 5 từ khoá: Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Và ông Trương Gia Bình gọi tắt đó là "Tuệ Bán Xe Số Xanh".
Theo ông Bình, đây là 5 từ quyết định lịch sử của nhân loại trong 3/4 thế kỷ và tiếp tục xác định 1/4 thế kỷ còn lại.
Về chuyển đổi xanh, muốn phát triển nhanh và lớn mạnh chỉ có một cách là đi tiên phong. Ông Bình cho biết "Chúng tôi đi chậm sau Ấn Độ phải đến 15 năm và đuổi mệt vô cùng, cho nên FPT bám rất sát các diễn biến về công nghệ và thường đầu tư trước 1 bước.
Ông nhận định rằng FPT không chỉ là 1 doanh nghiệp tăng trưởng mà FPT còn mang sứ mệnh của quốc gia và FPT đã bắt đầu chạm tay vào những tiến bộ của nhân loại, đó là AI.
Đề cập đến lĩnh vực chất bán dẫn, ông Bình cho biết khi sang Đài Loan để tìm hiểu về bán dẫn, ông đã choáng ngợp khi gặp 1 công ty có 600 nhân viên phần mềm, và doanh thu gần 1 tỷ USD. “Mỗi người tạo ra năng suất lao động khoảng 1,5 tỷ, giá thị trường 7 - 8 tỷ USD."
Ông Bình cũng nhấn mạnh, ngành bán dẫn còn không gian rất lớn là phát triển phần mềm cho bán dẫn.
Khi được hỏi về việc “FPT chuẩn bị cho lĩnh vực bán dẫn thế nào và làm gì cho lĩnh vực bán dẫn?", ông Bình cho biết, đầu tiên FPT sang Ấn Độ làm việc với NIIT. Tiếp đó, APTECH sang Việt Nam, ngoài đào tạo sẽ cung cấp 100 công việc ở Mỹ và điều quan trọng nhất với FPT ngày ấy là đầu ra. Đấy chính là điểm khởi đầu của ngành Công nghiệp phần mềm Việt Nam.
Về đầu ra, FPT đi ký với các doanh nghiệp. Đầu tiên là nhắm tới thị trường Nhật Bản, FPT đã có cam kết các nhà máy hiện đại xây lại tại Nhật Bản là FPT sẽ cung cấp nhân lực.
Ngoài ra, FPT sẽ tiếp tục M&A.. Trước đây, tập đoàn đã M&A nhiều ở thị trường Mỹ, đầu năm nay M&A ở Nhật. Hàn Quốc, Singapore, châu Âu tiếp tục là các thị trường mà FPT nhắm tới.
Ông Bình cho biết FPT muốn M&A những công ty làm ô tô, đặc biệt liên quan đến thiết kế ô tô là FPT đều muốn mua sạch. Dù đã theo đuổi môi trường làm việc hạnh phúc, FPT quyết định phải hạnh phúc hơn nữa để nhiều ông chủ quyết định giao công ty cho FPT.