Tại các thành phố lớn, các thương hiệu ăn uống hạng sang như Vuvuzela, Sumo BBQ, Kichi-Kichi, Gogi mọc lên ồ ạt những năm gần đây và nhanh chóng thu hút lượng đông đảo thực khách.
Các thương hiệu này hiện nay đều thuộc sở hữu của Golden Gate Group - CTCP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng và đang cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu chóng mặt.
Bắt đầu từ năm 2014, doanh thu Golden Gate vượt mức nghìn tỷ nhờ thành công từ Vuvuzela và Gogi House. Trong đó, Vuvuzela là chuỗi nhà hàng bia tươi được phát triển dựa trên một mô hình của Mỹ và đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với thị trường Việt Nam. Vuvuzela ra mắt tại Hà Nội từ năm 2011 nhưng không thực sự thành công và phải đến năm 2013, khi được chỉnh sửa lại và triển khai tại TP HCM, mô hình này mới bùng nổ mạnh mẽ.
Những thay đổi đã đem lại kết quả rất tốt và sau đó Golden Gate đem áp dụng ngược những thành công này tại Hà Nội. Kết quả là hệ thống Vuvuzela phát triển rộng khắp toàn quốc và trở thành một trong những chuỗi nhà hàng chủ lực của Golden Gate. Sự thành công của các mô hình này tiếp tục giúp doanh thu năm 2015 và 2016 của Golden Gate tăng trưởng hơn 40%/năm và tiếp tục tăng 30% năm 2017.
Dẫn đầu thị trường chuỗi nhà hàng với độ phủ lớn, giai đoạn 2012-2017, Golden Gate đã thu được kết quả kinh doanh rất ấn tượng, doanh thu của công ty đã tăng gấp 10 lần từ hơn 300 tỷ lên 3.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 5 lần lên 255 tỷ đồng.
Thành công của Golden Gate ngày nay có đóng góp rất lớn của quỹ đầu tư Mekong Capital. Golden Gate ra đời từ năm 2005 và là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng ở Việt Nam. Tuy nhiên, phải đến năm 2008, khi nhận vốn góp 2,6 triệu USD từ Mekong Capital, Golden Gate mới bắt đầu lột xác ngoạn mục và trở thành chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam.
Trên đà tăng trưởng, năm 2018, Golden Gate tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với cả doanh thu và lợi nhuận dự kiến tăng trưởng gần 30%, lên con số 4.400 tỷ đồng doanh thu và 326 tỷ đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên, sang năm 2018 tốc độ tăng trưởng của Golden Gate đã có phần chậm lại. Số liệu mới được công bố cho thấy, Golden Gate đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng trong năm 2018, tăng trưởng gần 17% so với năm 2017, chỉ đạt 90% kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Tương tự với doanh thu, lợi nhuận sau thuế của Golden Gate năm qua đạt 269 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với năm 2017, chỉ đạt 82,5% kế hoạch.
Đây là những mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2013 - thời điểm đánh dấu sự bùng nổ mạnh mẽ về quy mô của công ty nhờ thành công của Vuvuzela và Gogi House. Giai đoạn 2013-2017, doanh thu công ty liên tục tăng trưởng trên 30-50%/năm.
Tính đến cuối năm 2018, hệ thống của Golden Gate có hơn 20 thương hiệu, với 300 nhà hàng trên cả nước và gần 13.100 nhân viên. Trong năm ngoái, Golden Gate chỉ mở thêm 1 thương hiệu mới là Hutong Seafood chuyên lẩu hải sản kiểu Trung Hoa (một thương hiệu phái sinh từ lẩu Hutong đã ra mắt năm 2015). Tại thời điểm hiện tại, hệ thống này mới chỉ mở 1 nhà hàng Hutong Seafood.
Có thể nhận thấy, sau một thời gian khá dài phát triển mạnh mẽ liên tục và đạt đến quy mô lớn, đại gia sở hữu chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn để tìm động lực tăng trưởng mới. Một chuyên gia nhận định, Golden Gate có thể đang gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng mới, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu mới. Theo số liệu cho công ty công bố, chi phí thuê mặt bằng chiếm khoảng 10% doanh thu của doanh nghiệp.
Vốn dĩ việc tìm một mặt bằng tốt là một trong các tiêu chí tối quan trọng để làm nên thành công của chuỗi. Bởi vậy vấn đề về mặt bằng cũng không phải là vấn đề riêng của Golden Gate. Không thể phủ nhận, cho tới thời điểm hiện tại, Golden Gate vẫn là doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận tốt nhất trong ngành kinh doanh chuỗi nhà hàng ở Việt Nam.
Sự chững lại của năm 2018 cũng không ảnh hưởng đến mục tiêu năm 2019 của Golden Gate. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 22% lên 4.836 tỷ đồng và lợi nhuận tăng lên 332 tỷ đồng cho năm nay.
Các thương hiệu của Golden Gate