Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán với tổng giá trị tài sản đang quản lý tại thời điểm 30/6/2018 đạt 1,05 tỷ USD.
VOF chủ yếu đầu tư vào các cơ hội từ công ty cổ phần hóa và công ty tư nhân ở lĩnh vực tiêu dùng, xây dựng, cơ sở hạ tầng và bất động sản.
Trong đó, tài sản của VOF chủ yếu đầu tư vào danh mục các công ty niêm yết với tỷ trọng cao nhất lên đến 64,3%. Danh mục cổ phiếu chưa niêm yết đứng thứ 2 với 13% NAV. Danh mục đầu tư tư nhân chiếm 8,6% và quỹ cũng có tỷ lệ tiền mặt 5,9%.
Trong đó, Ba Huân thuộc danh mục đầu tư tư nhân của VOF, cùng các tên tuổi như Sữa Quốc tế IDP, Gỗ An Cường...
Tính từ 2003 – 6/2017, khoản đầu tư của VOF đạt tỷ suất lợi nhuận 20%, cao hơn mức 9,3% của VN-Index; 9% của MSCI Emerging Markets Asia và 3,8% của MSCI Frontier Markets. Thị giá VOF trên thị trường chứng khoán đã tăng 36% trong năm tài chính, NAV/cố phiếu tăng 26%.
Hơn 5 năm qua, hoạt động kinh doanh của VOF cho thấy những sự biến động lớn. Cụ thể, trong giai đoạn 2013-2015 chứng kiến những bước thụt lùi lớn của Quỹ này khi cả lợi nhuận và doanh thu đều sụt giảm. Đỉnh điểm là vào năm 2015, quỹ VOF còn báo cáo lỗ sau thuế khoảng 5,4 triệu USD.
Tuy nhiên, bước sang 2016 và đặc biệt là năm 2017, VOF cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của mình. Cụ thể, doanh thu của VOF ghi nhận hơn 230 triệu USD, từ đó quỹ thu về hơn 190 triệu USD lãi sau thuế. Đây là con số lợi nhuận lớn nhất của VOF trong vòng 5 năm qua và cũng gần gấp đôi so với 2016.
Ba Huân và VinaCapital chia tay
Trong thông báo mới phát đi, VinaCapital cho biết, do một số hiểu lầm giữa đôi bên, Công ty này quyết định dừng việc tham gia đầu tư vào Công ty Cổ phần Ba Huân (“Ba Huân”). Hai bên đang tiến hành thảo luận nhằm kết thúc thương vụ này trên tinh thần tuân thủ pháp luật và hài hòa lợi ích các bên.
Thương vụ được công bố vào đầu năm nay cho biết, quỹ do VinaCapital quản lý đã đầu tư 32,5 triệu USD vào Ba Huân và dự kiến đầu tư thêm để mua cổ phần trong vòng 12 tháng.
Tuy nhiên chỉ chưa đầy 6 tháng sau, truyền thông trong nước đưa tin Công ty Ba Huân đã có công văn gửi đến Văn phòng Chính phủ đề nghị được hỗ trợ trong việc chấm dứt hợp tác với quỹ đầu tư VinaCapital.
Theo đó, Quỹ đầu tư này đưa vào hợp đồng điều khoản nếu Ba Huân không đạt kết quả như quy định sẽ bị phạt hoặc trả lại vốn đầu tư, cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần.
Phía Ba Huân cho rằng thay vì mục tiêu hợp tác và phát triển, VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân. Đồng thời VinaCapital “có hành động trì hoãn, gây khó khăn” khi nhận được đề nghị chấm dứt hợp tác.
Ba Huân hiện là một trong nhà sản xuất trứng và thịt gia cầm lớn nhất trong nước. Công ty chiếm 30% thị phần thị trường sản xuất trứng của Việt Nam và được coi là một thương hiệu gia đình với doanh thu năm nay dự kiến vượt 90 triệu USD.
Ước tính mỗi ngày, công ty này cung cấp hơn 1,7 triệu quả trứng, hơn 15.000 con gà, và chế biến hơn 25 tấn thịt gia cầm tươi sống. Sản phẩm được phân phối tới hơn 2.000 đại lý và điểm bán hàng trên toàn quốc.
Được thành lập vào năm 2001, Ba Huân sở hữu hai nông trại chăn nuôi gia cầm bao gồm một trang trại với trên 1,5 triệu con gà để sản xuất trứng thương phẩm, và một trang trại nuôi gà lấy thịt với hơn 400.000 con.