Ngày pháp luật

Đại gia khoáng sản đứng sau một loạt dự án bất động sản đắc địa ở Hà Nội

Quỳnh Chi

Dù liên tục báo lỗ trong 3 năm tài chính từ 2017 đến 2019, Tây Giang Group và nhóm công ty có liên quan vẫn đầu tư mạnh tay vào bất động sản.

Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Tây Giang (Tây Giang Group) tiền thân là nhà máy lò điện hồ quang sản xuất Ferromangan tại Cao Bằng, hiện có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 3/2016, hai cổ đông cá nhân chi phối Tây Giang Group là bà Trần Thị Tuyết (nắm 84%) và ông Phạm Thanh Lâm (sở hữu 10%). Bà Tuyết cũng người đại diện pháp luật của công ty, còn ông Phạm Thanh Lâm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.

Sau hơn thập kỷ phát triển, Tây Giang trở thành một trong những doanh nghiệp khai khoáng có quy mô lớn nhất khu vực Tây Bắc. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư một loạt nhà máy sản xuất Ferrromangan và Dioxit Mangan với quy mô từ vài trăm tới vài nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Tây Giang Group còn có nhiều công ty con, công ty liên kết như Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn - chủ dự án Nhà máy luyện gang và xỉ giàu mangan, Công ty TNHH Khai Khoáng Bắc Kạn - chủ dự án công trình khai thác và chế biến tinh quặng chì kẽm tại mỏ Nà Tùm (Bắc Kạn) công suất 180.000 tấn/năm với tổng đầu tư 271 tỷ đồng, Công trình chế biến quặng Sắt-Mangan nghèo tại mỏ Nà Tùm với tổng mức đầu tư 314 tỷ đồng.

Tiềm lực tài chính của Tây Giang Group

Mặc dù đầu tư và sở hữu loạt dự án khai khoáng quy mô lớn, nhưng theo báo cáo tài chính của Tây Giang Group trong 3 năm gần nhất, doanh nghiệp này liên tục báo lỗ. Năm 2019, doanh thu thuần của Tây Giang chỉ đạt 2,3 tỷ đồng nhưng lỗ ròng lên tới 102,9 tỷ đồng, cao hơn so với mức lỗ 102,2 tỷ đồng năm 2018. Các khoản lỗ trong giai đoạn từ 2016 đến 2019 đã khiến quy mô vốn chủ sở hữu của Tây Giang giảm từ 1.044 tỷ đồng năm 2016 xuống còn 772,8 tỷ đồng vào cuối năm 2019.

Không chỉ công ty mẹ Tây Giang, đa phần các đơn vị trong hệ sinh thái của doanh nghiệp này đều ghi nhận lỗ trong năm 2019. Kết quả là nhiều dự án phải dừng hoạt động.

Như dự án nhà máy luyện gang Bắc Kạn công suất 40.000 tấn gang và 60.000 tấn xỉ giàu mangan/năm nằm tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông đã ngừng sản xuất vào đầu năm 2019 sau 3 năm hoạt động.

Hay như dự án Mỏ chì kẽm Nà Lẹng - Nà Cà, nằm tại xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn của Công ty Khai Khoáng Bắc Kạn đã dừng hoạt động từ tháng 6/2018 đến nay do tác động của dịch Covid-19. Dự kiến nhà máy sẽ trở lại hoạt động vào quý II/2021.

Đại gia khoáng sản đứng sau một loạt dự án bất động sản đắc địa ở Hà Nội - Ảnh 1

Tuy nhiên, Tây Giang Group vẫn đang tìm hiểu và triển khai thêm dự án Nhà máy sản xuất Fero Mangan và Sillico Mangan tại Khu công nghiệp Bình Vàng. Dự án có quy mô 9,5 ha, công suất 21.600 tấn Ferro Mangan và Sillico Mangan/năm, tổng vốn đầu tư trên 280 tỷ đồng.

Bóng dáng Tây Giang tại những dự án bất động sản đắc địa

Được biết đến là một tập đoàn nổi danh với mảng khai khoáng, song Tây Giang cũng là một cái tên đang nổi lên tại thị trường bất động sản Hà Nội. Sự bành trường của nhóm doanh nghiệp này có phần kín tiếng, chủ yếu thông qua các pháp nhân khác.

Cuối năm 2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định cho phép liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216 chuyển nhượng toàn bộ dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building (khu đất số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho Công ty cổ phần Veracity.

Veracity ở thời điểm đó vẫn còn là tên tuổi còn xa lạ với thị trường bất đông sản Hà Nội, tuy nhiên, theo tìm hiểu của Doanhnhan.vn, doanh nghiệp này chính là một mắt xích trong hệ sinh thái Tây Giang Group.

Không chỉ dự án 216 đường Trần Duy Hưng, nhóm Veracity đã thâu tóm nhiều dự án khác, nổi bật trong số đó có thể kể đến dự án chung cư Discovery Complex nằm ở ngã ba đường Hoàng Quốc Việt – Phạm Văn Đồng hay một dự án khác tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên.

Trong đó, dự án chung cư Discovery Complex ban đầu do Công ty Doanh nghiệp trẻ Hà Nội là chủ đầu tư. Doanh nghiệp này là thành viên của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển thương mại Kinh Đô - doanh nghiệp liên quan đến dự án 8B Lê Trực. Tuy nhiên, sau khi "thay ruột" về mặt sở hữu, Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đổi tên thành Công ty cổ phần Familia.  99,79% vốn điều lệ của Familia thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và bất động sản HQV - một pháp nhân liên quan đến bà Trịnh Thị Hà (sinh năm 1979).

Bà Hà cũng chính là người nắm giữ 55% cổ phần của Công ty TNHH Cốc hóa Tây Giang - đơn vị đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với với Công ty cổ phần Đầu tư Địa Việt trong dự án Nhà máy sản xuất than cốc công suất 600.000 tấn/năm tại Khu Công nghiệp Bình Vàng (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Những giao dịch liên quan đến pháp nhân "Tây Giang" phần nào đã khẳng định mối quan hệ của nữ doanh nhân này với đại gia khai khoáng Tây Bắc.

Hiện tại, bà Trịnh Thị Hà cũng đang đứng tên tại Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Xây dựng Bách Giang, chủ dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới cho phía Đông huyện Văn Giang, Hưng Yên với quy mô dự án 50 ha.

Ngoài mối liên hệ với các dự án bất động sản kể trên, Tây Giang Group còn có hợp tác với Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (HOSE: PC1)  bằng việc thành lập Công ty cổ phần Hoàng Gia Cao Bằng - chủ đầu tư dự án khách sạn Hoàng Gia Cao Bằng với tổng mức đầu tư 624 tỷ đồngTrong công ty này, Tây Giang Group nắm 30%, PC1 40% và Công ty cổ phần Le Delta 30%.

Vào tháng 9/2019, Tây Giang Group tiếp tục cùng với PC1 liên danh đầu tư đã trúng sơ tuyển dự án phát triển đô thị số 4A1, quy mô 69,74 ha, tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng tại phường Đề Thám, TP Cao Bằng.

Đại gia khoáng sản đứng sau một loạt dự án bất động sản đắc địa ở Hà Nội - Ảnh 2

Dù vậy, do nhiều dự án còn đang trong quá trình triển khai và vừa được mua lại, các pháp nhân thực hiện dự án có liên quan tới Tây Giang Group hiện vẫn chưa ghi nhận doanh thu và lợi nhuận rõ ràng.

Tin Cùng Chuyên Mục