Trong văn bản giải trình, công ty của đại gia Dương Ngọc Minh cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch trên là do chi phí tài chính tăng lên mức 324 tỷ đồng (tăng 202 tỷ so với báo cáo tự lập).
Trong đó, do tăng tương ứng với nghiệp vụ dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty liên kết theo Thông tư 228 với số tiền 208 tỷ đồng; tăng do ghi nhận thêm chi phí vay với số tiền gần 11 tỷ đồng; phân loại lại giữa doanh thu hoạt động tài chính và chi phí tài chính liên quan đến chênh lệch đánh giá lại các khoản phải thu khó đòi có gốc ngoại tệ với số tiền hơn 19 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí quản lý cũng bị điều chỉnh tăng gần 15 tỷ đồng do trích lập bổ sung dự phòng các khoản phải thu khó đòi theo Thông tư 228.
Số tiền này tăng do ghi nhận thêm chi phí vay, chi phí quản lý doanh nghiệp, do chênh lệch đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ. Tính đến cuối kỳ, lỗ lũy kế của Thủy sản Hùng Vương là 429 tỷ đồng.
Trước đó, theo thông tin tại BCTC hợp nhất năm 2018 của HVG, doanh thu của công ty này đạt 8.230 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 15.709 tỷ năm ngoái. Trong đó, hầu hết các nguồn thu đều giảm, đáng kể nhất có doanh thu xuất khẩu giảm phân nửa từ 7.412 tỷ về 3.298 tỷ đồng.
Ngược lại, doanh thu tài chính tăng đột biến, trong đó Công ty ghi nhận thu hơn 467 tỷ từ việc thanh lý công ty con. Trong khi chi phí lãi vay được cắt giảm phân nửa do dư nợ vay được điều chỉnh. Cụ thể, tổng nợ Công ty năm qua giảm từ mức 11.378 tỷ về 6.441 tỷ đồng, giảm gần 2 lần so với thời điểm đầu kỳ. Đáng chú ý, dư nợ vay Công ty giảm đáng kể, trong đó nợ ngắn hạn giảm từ 7.070 tỷ về 3.124 tỷ, nợ vay dài hạn giảm từ 671 tỷ về chỉ còn 135 tỷ đồng.
Kết quả là, Công ty thu về lãi sau thuế hơn 16 tỷ, trong đó lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1,5 tỷ, cải thiện đáng kể so với mức thua lỗ đến 713 tỷ năm 2017.