Trong dự thảo tờ trình ĐHĐCĐ, Trần Anh cho biết, doanh thu thực tế năm 2018 là hơn 2.273 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức hơn 3.515 tỷ đồng của năm 2017. Cả năm 2018, TAG lỗ hơn 4,1 tỷ đồng. Dẫu vậy, so với năm 2017, tình hình TAG đã bớt ảm đạm hơn bởi trước đó, Trần Anh lỗ tới gần 63 tỷ đồng.
Tổng giá trị tài sản năm 2017 của Trần Anh lên tới hơn 1.186 tỷ đồng tuy nhiên tới năm 2018 chỉ còn hơn 215 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả năm 2018 của Trần Anh đã xuống mức hơn 9 tỷ đồng thay vì trên 976 tỷ đồng một năm trước đó.
Theo lý giải, năm 2018 hoạt động kinh doanh bắt đầu dần khôi phục và đến quý 4 TAG đã bán toàn bộ hàng hóa tồn kho, tài sản cho Công ty CP Thế Giới Di Động. Công ty chỉ thực hiện hoạt động cho thuê mặt bằng, văn phòng và thương hiệu.
Với kết quả lỗ sau thuế hơn 4,1 tỷ đồng, TAG cho rằng, hoạt động của công ty đang trên đà khôi phục với kỳ vọng sẽ hết lỗ và có lợi nhuận trong năm 2019.
Cũng trong kế hoạch năm 2019, HĐQT TAG dự kiến trình ĐHĐCĐ kế hoạch tiếp tục sử dụng lợi thế mặt bằng lớn để cho thuê lại hoặc hợp tác kinh doanh (với Công Ty Cổ Phần Thế Giới Di Động và/hoặc bên thứ ba).
Hội đồng quản trị cũng muốn trình ĐHĐCĐ ủy quyền cho Hội Đồng Quản Trị toàn quyền quyết định phương thức, điều kiện giao dịch, ký kết, thực hiện các giao dịch và kế hoạch này.
Trần Anh từng là một nhà phân phối đình đám trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy. Từ một vài siêu thị ban đầu, hệ thống của Trần Anh đã mở rộng lên 34 siêu thị tại 20 tỉnh thành.
Tuy nhiên, từ năm 2013, đại gia điện máy này dần lao dốc. Từ mức lãi hàng chục tỷ đồng trước đó, năm 2013 đánh dấu thời kỳ khó khăn của Trần Anh khi lãi chỉ còn hơn 1 tỷ đồng. Tới năm 2017,Trần Anh đã lỗ tới gần 63 tỷ.
Tới đầu năm 2018, Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động đã chính thức công bố hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi Điện máy Trần Anh và trở thành đơn vị sở hữu chi phối hơn 90% đối với Trần Anh. Theo tính toán, thị phần bán lẻ điện máy gộp chung của Trần Anh và Thế Giới Di Động chiếm khoảng trên 30% ở thời điểm sáp nhập.