Facebook ngày 30/7 thông báo nền tảng này đã thu hút hơn 3 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Con số này được tính đến hết quý II, gộp cả người dùng của Instagram và WhatsApp. Facebook cho biết kết quả này phản ánh "nhu cầu kết nối gia tăng khi mọi người trên thế giới dành nhiều thời gian ở nhà hơn".
Vui mừng nhất có lẽ là Amazon. Hãng khổng lồ bán lẻ trực tuyến Mỹ báo cáo doanh thu sau thuế quý vừa qua đạt 88,9 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Khoản doanh thu này đã vượt 8 tỷ USD so với dự đoán trước đó, do nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng mạnh.
Apple những năm gần đây chứng kiến doanh thu chững lại, thậm chí suy giảm ở một số thị trường. Tuy nhiên, hãng vẫn có kết quả kinh doanh tích cực khi tăng 11% doanh số bán hàng trong quý vừa qua. Doanh thu chủ yếu đến từ tăng trưởng trong mảng phần cứng và dịch vụ điện tử. CEO Apple, Tim Cook, gọi kết quả này là "bằng chứng thuyết phục về vai trò của sản phẩm Apple trong cuộc sống của khách hàng, dù trong khoảng thời gian khó khăn".
Ngược lại, Alphabet, công ty mẹ của Google, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động có doanh thu giảm hai năm liên tiếp. Nguyên nhân được cho là do mảng kinh doanh quảng cáo bị tổn thất nghiêm trọng vì đại dịch và suy thoái kinh tế.
Tình hình kinh doanh của nhóm ngành công nghệ được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế u ám của Mỹ. Theo số liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), GDP quý II của Mỹ giảm 33% - mức giảm cao nhất trong lịch sử của nền kinh tế này. Kết quả kinh doanh của các ông lớn công nghệ có thể làm hài lòng các nhà đầu tư, nhưng lại khiến các công ty này lọt vào tầm ngắm của cơ quan chức trách Mỹ.
Tiểu ban chống độc quyền - Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Mỹ - hôm 29/7 đã chất vấn 4 CEO của Amazon, Facebook, Apple và Google liên quan đến hành vi cạnh tranh.
Phiên điều trần đề cập tới mọi thứ, từ chiến lược của Facebook sau vụ mua lại các công ty đối thủ, cho tới việc liệu Amazon có sử dụng thông tin sản phẩm được bán trên nền tảng để làm lợi cho riêng hãng không. Theo một số chuyên gia phân tích chính sách, phần trả lời của bốn vị CEO sẽ là bàn đạp cho việc sửa đổi, bổ sung luật chống độc quyền hiện hành hoặc thậm chí tách nhỏ các công ty này trong tương lai.
Có lẽ nhận ra rằng trong đại dịch, các công ty công nghệ vẫn có thể lớn mạnh hơn, các CEO đã nhấn mạnh vào đóng góp của doanh nghiệp mình với nước Mỹ.
Trong báo cáo tài chính của Amazon, CEO Bezos đề cập tới việc công ty đã tạo cho nền kinh tế Mỹ 175.000 việc làm mới tính từ tháng 3. Ngoài ra, Amazon còn bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế thông qua nhiều dự án đầu tư vốn khác nhau.
CEO Tim Cook trong cuộc gọi với giới phân tích nhấn mạnh Apple tập trung vào tăng kích thước "miếng bánh". "Công ty luôn đảm bảo thành công của chúng tôi cũng là thành công của bạn và mong muốn mọi thứ chúng tôi tạo ra đều hướng tới mục tiêu mang lại cơ hội cho người khác", Cook nói.
Cook cũng không quên nói về vai trò của App Store, chủ đề được nhiều nhà làm luật chất vấn trong phiên điều trần. Cook chia sẻ: "Trong giai đoạn Covid-19, bạn có thể biết được sức chống chịu của nền kinh tế và làm thế nào App Store hỗ trợ đặt hàng từ xa cho các nhà hàng. Chúng tôi thậm chí còn giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ triển khai dịch vụ thương mại điện tử và tạo cơ hội cho các nhà sáng tạo nội dung". Cook cũng lấy làm tiếc dù kết quả kinh doanh của Apple thành công nhưng ngoài kia còn rất nhiều doanh nghiệp đang phải đấu tranh từng ngày.
Cũng trong cuộc thoại với các nhà phân tích hôm 30/7, CEO Facebook, Mark Zuckerberg miêu tả ngành công nghệ nước này là "câu chuyện thành công của Mỹ". "Những sản phẩm chúng tôi tạo ra đã thay đổi thế giới, tạo nên một nơi tốt đẹp hơn cho con người. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, mọi người sử dụng các dịch vụ của chúng tôi để kết nối với bạn bè và gia đình. Cũng nhờ nó, nhiều doanh nghiệp có thể hoạt động online khi cửa hàng bị đóng cửa", Zuckerberg nói. "Bằng nhiều cách khác nhau, các dịch vụ của chúng tôi trở nên quan trọng hơn bao giờ hết".
Link bài gốc