Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn là một tỉ phú. Một đối thủ giàu có hơn hẳn là điều cuối cùng ông trông chờ ở cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Tiền bạc và chính trị
Bên phần sân của Đảng Dân chủ đang nổi lên nhiều đại gia nhòm ngó cuộc đua vào Nhà Trắng. The Guardian gọi đó là câu lạc bộ tỉ phú với cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, nhà quản lý quỹ đầu tư - nhà hoạt động môi trường Tom Steyer và cựu Giám đốc điều hành (CEO) Starbucks Howard Schultz. Ước tính tổng tài sản của 3 đại gia này lên tới hơn 55 tỉ USD.
Nếu ai trong số đó - hoặc tất cả - quyết định tranh cử, họ sẽ có lợi thế tài chính khổng lồ so với các chính khách thông thường và không khó để trút "bom" quảng cáo vào những bang quan trọng nhất.
Tuy nhiên, túi tiền đầy ắp của các tỉ phú cũng có thể vấp phải phản ứng của những nhà hoạt động cánh tả ủng hộ các "chiến binh" chống lại bất công về kinh tế như những thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Elizabeth Warren.
"Tôi không nghĩ ông Michael Bloomberg sẽ giành được sự ủng hộ của Ủy ban Dân chủ vì nước Mỹ (DFA - một ủy ban hành động chính trị cấp tiến) nếu nhìn vào những liên hệ của ông ta với Phố Wall" - ông Neil Sroka, người phát ngôn của DFA, nhận định. "Sẽ rất khó cho bất cứ tỉ phú nào (ra tranh cử) vì lo ngại về ảnh hưởng của tiền bạc lên nền chính trị".
Một khảo sát gần đầy của nhóm ủng hộ tự do khác có tên MoveOn cho thấy nhân vật hiện nhận được ủng hộ nhiều nhất bên Đảng Dân chủ là Thượng nghị sĩ Texas Beto O’Rourke với 15,6% trong khi ông Sanders và bà Warren ở trong top 5. Tỉ phú Bloomberg xếp thứ 8 với 2,71% ủng hộ, ông Steyer đứng thứ 23 với 0,28% và ông Schultz ở vị trí thứ 32 và cũng là chót bảng với 0,1%.
Tuy nhiên, tất cả mới chỉ bắt đầu và các đại gia có thể đổ tiền mua tên tuổi. Cựu CEO Starbucks được cho là có kế hoạch đi vòng quanh nước Mỹ vào đầu năm tới để quảng bá cho cuốn sách "From the Ground Up: A Journey to Reimagine the Promise of America". Trong khi đó, cả hai tỉ phú Bloomberg và Steyer đều chi rất mạnh trong đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa rồi để giúp Đảng Dân chủ giành lại hạ viện. Đầu tháng 12-2018, họ đều có mặt ở những bang chủ chốt như Iowa và Nam Carolina.
Ông Bloomberg, 76 tuổi, cam kết đưa biến đổi khí hậu trở thành vấn đề định hình chiến dịch chính của Đảng Dân chủ bất chấp sự chống cự đang nhen nhóm ở các bang như Ohio, Pennsylvania và Michigan - những nơi ông Trump đã chiến thắng năm 2016 bằng hứa hẹn phục hồi nền công nghiệp địa phương.
Sau khi bị phớt lờ trong các cuộc tranh luận giữa bà Hillary Clinton và ông Trump hồi năm 2016, biến đổi khí hậu ngày càng được xem là vấn đề toàn cầu cấp bách. Tỉ phú Steyer tổ chức một cuộc thảo luận bàn tròn ở Charleston tập trung vào quyền bầu cử ở tiểu bang miền Nam quan trọng đầu tiên.
Giống như ông Bloomberg, tỉ phú Steyer chi hàng triệu USD để thúc đẩy ý thức về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông được biết tới hơn cả ở nỗ lực nhất quyết đưa Tổng thống Trump ra luận tội bất chấp các lãnh đạo Dân chủ xem chiến lược này là điều quá liều lĩnh.
Gần 6,5 triệu người đã đăng ký vào trang web "Need to Impeach" (Cần phải luận tội) do vị đại gia 61 tuổi này lập nên. Điều này đồng thời trao vào tay Steyer một danh sách dài những email có thể chứng tỏ giá trị trong một chiến dịch tranh cử.
Lợi thế lớn
Theo hãng thông tấn AP, ông Steyer gọi Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo đáng thất vọng nhất lịch sử nước Mỹ, là mối đe dọa cơ bản tới hệ thống và sự an toàn của nước này cũng như đối với chính Hiến pháp Mỹ. Ông chia sẻ nhiều nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa cho rằng đả động tới vấn đề này sẽ không tốt cho sự nghiệp của họ.
Những sự kiện gần đây như vụ các công tố viên xác định ông Trump chỉ đạo trả tiền "bịt miệng" cho 2 phụ nữ trong chiến dịch bầu cử và công tố viên đặc biệt Robert Mueller bám sát những chi tiết mới về các liên lạc của nhóm tranh cử của ông Trump với Nga đang "tiếp lửa" cho những lời kêu gọi luận tội (tổng thống), đồng thời gợi mở rằng ông Steyer đang đi đúng hướng.
Cả 3 doanh nhân trên chắc chắn không thua kém ông Trump trên thương trường nhưng chẳng ai trong số họ có thể khuấy động theo kiểu ngôi sao truyền hình thực tế. "Bạn phải tự hỏi những nhân vật này giàu có hơn người nhưng họ có thú vị không" - ông Bill Whalen, nhà nghiên cứu tại Viện Hoover (Mỹ), đặt vấn đề. "Không ai trong số họ có sự độc đáo hoặc những bê bối hoặc kiểu gây chú ý như ông Trump. Cứ thử đặt Steyer, Schultz và Bloomberg trước một đám đông ở Iowa, hãy xem ai sẽ gây được chú ý. Đó hẳn phải là Steyer bởi những thông điệp của ông khiến người ta lâng lâng chứ không thể là Bloomberg với những gì ông nói về hạ tầng cho New York. Trong hồ sơ của Bloomberg vẫn còn đầy rẫy những điều ông đã làm mất lòng các nhà hoạt động Dân chủ".
Một ví dụ trong số đó là chính sách của ông Bloomberg sử dụng cảnh sát chặn người trên đường để lục soát súng, gây ảnh hưởng lớn tới người da màu. Mặt khác, sự ủng hộ của vị tỉ phú sở hữu khối tài sản hơn 50 tỉ USD này với vấn đề kiểm soát súng đạn và cả vấn đề nhập cư dường như chưa đủ để thu phục phe cấp tiến.
Cố vấn chính trị Dave Handy ở TP New York cho rằng động lực trong Đảng Dân chủ đang quay ngược trở lại phía những nhân vật như ông Sanders, bà Warren, hạ nghị sĩ Tulsi Gabbard hoặc thậm chí cả những chính khách tự nhận là cấp tiến như Kirsten Gillibrand và Kamala Harris. Rất khó để những người như Michael Bloomberg hay Tom Steyer nói rằng: "Tôi là người cấp tiến".
Giàu có không hẳn gây cản đường: Các cựu tổng thống Dân chủ như Franklin Roosevelt và John F. Kennedy đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc Mỹ. Tuy nhiên, giữa không khí nghi ngại sâu sắc về ảnh hưởng của tiền bạc trong chính trị và ngày càng nhiều ứng viên tuyên bố cự tuyệt những khoản quyên góp doanh nghiệp từ các ủy ban hành động chính trị, đây không phải thời của nhà giàu lấn sân sang con đường chính trị.
Tuy vậy, chiến lược gia Dân chủ Bob Shrum - người từng cố vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của các ông Al Gore và John Kerry - lại có quan điểm khác. Ông cho rằng tiền bạc vẫn là lợi thế lớn và các tỉ phú nếu thực sự muốn dấn thân vào đường đua thì không nên nấn ná.