Với doanh số được dự báo lên đến 10 tỉ USD vào năm 2025, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam (VN) được xem là mỏ vàng của cả doanh nghiệp nội lẫn ngoại.
Chính vì lý do này, Amazon của tỉ phú Jeff Bezos (Mỹ) vừa tuyên bố chính thức đặt chân vào thị trường VN. Động thái này được đánh giá là sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thị phần khốc liệt giữa hai gã khổng lồ TMĐT Đông-Tây. Tuy vậy, để giành phần thắng khi đã có những đối thủ sừng sỏ như Alibaba của tỉ phú Jack Ma (Trung Quốc) không phải dễ.
Các đại gia tranh tài
Theo TS Simon Baptist, chuyên gia kinh tế kiêm giám đốc điều hành khu vực châu Á của Economist Intelligence Unit, việc Amazon gia nhập VN vì sức hút khó cưỡng của thị trường này. Theo đó, VN là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Dự kiến ở VN sẽ tăng 18 triệu hộ gia đình trung lưu trong giai đoạn 2017-2030, trong đó hơn 30% mức tăng này sẽ đến từ Hà Nội và TP.HCM.
“Bên cạnh đó, VN đang có một dân số trẻ thành thạo công nghệ và đã hình thành xu hướng mua hàng hóa trên mạng, cũng như bệ đỡ thu nhập tăng cao. Chưa kể VN đang nỗ lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt mà mục tiêu năm 2020 sẽ có 50% hộ gia đình thành thị sử dụng thanh toán điện tử cho các giao dịch hằng ngày” - TS Simon Baptist phân tích.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT VN (VECOM), đánh giá sự tham gia của đại gia bán hàng trực tuyến số một thế giới Amazon khiến thị trường TMĐT VN sẽ ngày càng cạnh tranh gay gắt và khốc liệt.
“Thị trường đã phân hóa mạnh với nhóm dẫn đầu đang dẫn dắt thị trường như Lazada, Tiki, Shopee, Adayroi,… định hình lối chơi riêng nhưng không có nghĩa rằng các đơn vị khác không có cơ hội bứt phá” - ông Hưng nhận định.
Đại diện Hiệp hội TMĐT VN cũng nhận định Amazon chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi chen chân vào thị trường VN. Lý do là trước Amazon đã có nhiều đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực TMĐT trên thế giới nhảy vào VN. Chẳng hạn Alibaba đã chi 1 tỉ USD để thâu tóm kênh mua sắm trực tuyến hàng đầu Lazada, hiện hoạt động tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và VN.
Theo công bố của Lazada, đơn vị này có 155.000 nhà bán hàng và 3.000 thương hiệu phục vụ 560 triệu người tiêu dùng trong khu vực. Lazada quy tụ hơn 300 triệu sản phẩm thuộc đa dạng các danh mục từ điện tử đến hàng gia dụng, đồ chơi, thời trang, thiết bị thể thao.
Tương tự, đại gia Tencent từ Trung Quốc thâm nhập thị trường VN với trang thương mại Shopee. Một tên tuổi khác đang nổi danh trong làng TMĐT chính là Tiki, vừa nhận được nguồn tiền đầu tư cả trong nước và ngoài nước.
Ngoài ra còn có thể kể thêm các tên tuổi khác như Adayroi của Tập đoàn Vingroup, đơn vị duy nhất không nhận được nguồn vốn ngoại nào nhưng với việc sở hữu chuỗi bán lẻ rộng khắp cả nước có thể gây sức ép đáng kể lên các đại gia khác.
Cuộc đấu bất phân thắng bại
Theo nhận định chung của giới kinh doanh, dù có rất nhiều đơn vị tham gia nhưng xét về nguồn lực tài chính, logistics, công nghệ thì trong cuộc đua trên thị trường TMĐT VN thực sự chỉ dành cho hai đối thủ lớn là Alibaba và Amazon. Cả hai đều là đại gia hàng đầu trên thị trường thế giới.
Để đánh chiếm thị trường VN, mỗi ông lớn đều đưa ra một chiến lược riêng. Ông Zhang YiXing, Tổng Giám đốc Lazada VN, khẳng định với mạng lưới dịch vụ hậu cần của mình, Lazada tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dễ dàng vận chuyển hàng hóa xuyên quốc gia, có thể cung cấp hàng hóa cho khách hàng ở bất cứ đâu.
Trong khi đó, đại diện Amazon tuyên bố sẽ có những chương trình đào tạo kỹ năng để người bán hàng biết cách làm thế nào thiết kế gian hàng bắt mắt, đưa thông tin hiệu quả nhất, hình ảnh thu hút nhất lên Amazon. Không chỉ vậy, đơn vị này còn giúp doanh nghiệp Việt vượt qua trở ngại ngôn ngữ bằng cách cho ra mắt trang hướng dẫn bằng tiếng Việt và fanpage bằng tiếng Việt trên Facebook. Từ đó giúp các doanh nghiệp và người bán lẻ có thể tạo tài khoản trên Amazon dễ dàng hơn. Thực tế thông qua Amazon, rất nhiều sản phẩm trong nước đã được người tiêu dùng thế giới biết đến như phin pha cà phê, cao Sao Vàng, cà phê Trung Nguyên, nón lá, nón quai thao,...“Tại VN, chúng tôi đang áp dụng chính sách vận chuyển miễn phí trong vùng 0 đồng vận chuyển cho tám TP chính và cũng đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để ngày càng mở rộng vùng vận chuyển 0 đồng này. Mục tiêu của chúng tôi là mang đến trải nghiệm mua sắm tuyệt vời” - ông Zhang cho biết.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, để giành thành công trên thị trường, các doanh nghiệp không chỉ sử dụng chiến lược giá mà còn ứng dụng các công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn để phát triển mạnh TMĐT.
Nhìn ở góc độ này, cuộc đua giữa Amazon và Alibaba trên thị trường Việt sẽ gay cấn và chưa biết ai có thể thắng nhưng trước hết người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi. Ví dụ, một ngày không xa VN sẽ có nhiều bưu phẩm được giao bằng máy bay không người lái và người tiêu dùng sẽ nhận được sản phẩm chỉ vài giờ sau khi đặt hàng.
May mặc, giày da,… hưởng lợi
VN có thế mạnh về các mặt hàng như đồ gia dụng, may mặc, giày da, thủ công… là những mặt hàng có thể bán rất tốt trên Amazon. Chúng tôi đánh giá VN là một trong những quốc gia có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á để xuất khẩu hàng hóa qua Amazon.
Ông BERNARD TAY, Giám đốc Amazon khu vực Đông Nam Á
Thách thức với gã khổng lồ Amazon
Hiện tại Amazon mới chỉ ký kết hợp tác đưa sản phẩm của VN tiếp cận với khách hàng của họ trên toàn cầu. TS Simon Baptist nhìn nhận Amazon sẽ gặp thách thức về dịch vụ hậu cần dù đang được cải thiện, cơ sở hạ tầng của VN vẫn còn nhiều bất cập và di chuyển giữa các tỉnh, thành vẫn còn đắt đỏ. Mạng lưới đường bộ, cũng như mạng lưới bán lẻ và phân phối, đã trở thành một trong những thách thức lớn cho các doanh nghiệp TMĐT.
Tuy nhiên, Amazon lại có thế mạnh khác là đang xây dựng được niềm tin với tầng lớp trung lưu chi tiêu nhiều hơn vào các mặt hàng có giá trị lớn. "Các thương nhân VN thường buôn hàng trên các trang Amazon quốc tế để đem về kinh doanh tại VN là một bằng chứng cho điều này" - ông Simon Baptist dẫn chứng.