Ngày pháp luật

Cựu tỷ phú Ấn Độ Anil Ambani thoát cảnh tù tội khi trả nợ 80 triệu USD cho Ericsson ngay trước thời hạn

Theo Gia Vũ/Trí Thức Trẻ

Nếu không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, ông Anil Ambani sẽ phải ngồi tù ba tháng.

Cựu tỷ phú Ấn Độ Anil Ambani thoát cảnh tù tội khi trả nợ 80 triệu USD cho Ericsson ngay trước thời hạn - Ảnh 1

 

Tỷ phú Anil Ambani đã tránh được cảnh ngồi tù ba tháng sau khi công ty viễn thông của ông giải quyết được khoản nợ với chi nhánh tại Ấn Độ của hãng thiết bị viễn thông Thụy Điển Ericsson, chỉ cách thời hạn của tòa án một vài ngày.

Ruchika Batra, phát ngôn viên của Ericsson cho biết, nhà mạng Reliance Communications của ông Anil đã trả 5,5 tỷ rupee (khoảng 80 triệu USD) cho họ theo đúng yêu cầu.

Việc chây ì trả nợ đã khiến ông Anil gặp rắc rối vào tháng trước khi ngày 20/2, tòa án cấp cao nhất của Ấn Độ tuyên bố sẽ bỏ tù một doanh nhân nổi tiếng và nếu công ty của người này không thanh toán nợ trong vòng 54 tuần thì ông sẽ phải ngồi tù ba tháng.

Ông Anil Ambani là em trai của ông Mukesh Ambani, tỷ phú giàu nhất châu Á ở thời điểm hiện tại. Yêu cầu của tòa án đã khiến ông Anil càng gặp khó khăn hơn khi các dự án viễn thông và cơ sở hạ tầng của ông đang căng thẳng vì nợ nần. Số liệu tổng hợp của Bloomberg cho thấy tài sản ròng của ông chỉ còn khoảng 300 triệu USD so với con số khổng lồ 31 tỷ USD vào năm 2008 (dựa trên tỷ giá hối đoái hiện tại).

Tình hình tài chính không mấy sáng sủa của ông Anil trái ngược hoàn toàn với anh trai của mình là ông Mukesh Ambani, người giàu nhất châu Á với tài sản ròng trị giá 52,9 tỷ USD. Theo số liệu của Bloomberg, chỉ riêng trong năm nay, tài sản của vị tỷ phú này đã tăng 8,6 tỷ USD.

Một điều đáng chú ý là công ty viễn thông của ông Anil gặp khó khăn trầm trọng sau khi ông Mukesh tham gia vào lĩnh vực này bằng cách thành lập một công ty cung cấp dịch vụ viễn thông mới là Reliance Jio Infocomm và mở ra một cuộc chiến khốc liệt về giá cước.

Sự sụt giảm của ông Anil Ambani được coi là một trong những vụ giảm tài sản lớn và nhanh nhất trong lịch sử hiện đại. Trước đó, tỷ phú Nhật Masayoshi Son đã mất tới 70 tỷ USD chỉ trong một ngày sau sự kiện "bong bóng Dotcom".

Một trường hợp khác là tỷ phú dầu mỏ và khai khoáng Brazil, Eike Batista. Ông từng là người giàu thứ 7 thế giới với khối tài sản hơn 30 tỷ USD cách đây 7 năm. Tuy nhiên, ông đã bị kết án 30 năm tù vì tội hối lộ và mất tất cả khi đế chế kinh doanh của mình sụp đổ. Batista đã trở thành "tỷ phú tiêu cực" vào năm 2015 khi tài sản ròng giảm xuống còn dưới 1 tỷ USD cùng các khoản nợ xấu khác.

Trước khi ông Anil tuyên bố hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, cổ phiếu của Reliance Communications đã giảm 9,1% trong ngày 18/3 ở Mumbai. Thống kê cho thấy cổ phiếu của nhà mạng này đã giảm 60% trong năm 2018 khi ông Anil cố gắng chốt thỏa thuận để bán tháp tín hiệu và một số sản phẩm khác cho Reliance Jio Infocomm, công ty viễn thông do anh trai của ông kiểm soát với giá 173 tỷ rupee.

Thất bại trong thương vụ trên và các rào cản pháp lý khác đã khiến Reliance Communications yêu cầu Tòa án Luật Công ty quốc gia của Ấn Độ giúp bán tài sản và giải quyết hàng tỷ USD nợ nần.

Do phía ông Anil liên tục trì hoãn việc trả nợ, các chủ nợ như Ericsson bắt đầu thắt chặt "thòng lọng" và dẫn đến thỏa thuận theo đó Reliance Communications phải trả 5,5 tỷ rupee cho họ - một đề nghị được bảo đảm cá nhân bởi ông Anil. Tuy nhiên, ông Anil đã không thể thực hiện lời hứa trên khiến tòa án phải đưa ra thời hạn cuối cùng, nếu không ông sẽ bị bắt giam.

Lời cảnh báo của tòa án cho thấy Ấn Độ đang tăng kiểm soát đối với các khoản nợ xấu được xếp vào hàng lớn nhất thế giới của quốc gia này. Việc này cũng khiến các công ty vỡ nợ nhận thức rõ hơn rằng các khoản nợ của họ phải được trả đầy đủ.

Tin Cùng Chuyên Mục