Ông Nguyễn Đăng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (tiền thân của Đà Nẵng ngày nay) vừa có bức tâm thư dài 5 trang với tiêu đề “Đề nghị xem xét những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ”.
Đã kê khai sao cơ quan của Đảng không kiểm tra?
Hôm 22/3, xác nhận với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng mình là chủ nhân của bức tâm thư nêu trên, ông Nguyễn Đăng Lâm chia sẻ: Sau khi học Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng - ngăn chặn - đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, bản thân ông thấy có nhiều vấn đề TP.Đà Nẵng cần phải xem xét, chấn chỉnh.
“Mấy hôm nay rộ lên việc báo chí nói về tài sản của ông Thơ (Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ) thì tôi rất bức xúc.
Tâm thư của tôi là mong lãnh đạo thấy được, đã ra nghị quyết phải làm đến nơi đến chốn, còn làm nửa vời thì lòng tin của người dân khó mà đạt được theo ý nguyện của Đảng.
Tôi không nhằm đánh vào một cá nhân nào hết. Nhưng tôi thấy đã là Chủ tịch, Phó bí thư của một thành phố thì phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống...”, ông Lâm nói.
Trang cuối cùng trong bức tâm thư của ông Nguyễn Đăng Lâm. Ảnh nhân vật cung cấp cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Theo ông Lâm, dù tài sản anh đã kê khai nhưng tại sao cơ quan của Đảng không kiểm tra? Tài sản đó ở đâu ra mà nhiều thế? Quá trình từ lúc kê khai đến nay có phát sinh thì có bổ sung không?
Nếu không làm rõ thì sẽ làm mất uy tín của Đảng.
“Tâm tư, tình cảm của tôi, một cán bộ nghỉ hưu, nhưng với hơn 40 năm tuổi Đảng, cũng đã đóng góp công sức cho sự nghiệp cách mạng, thấy như thế là không được.
Tôi có gửi bức thư đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ để cho Đảng viên và quần chúng họ tin tưởng.
Tôi không quy chụp ai mà chỉ là tâm thư khẩn, nói lên nguyện vọng của một Đảng viên trước thực tại để cán bộ Đảng viên yên tâm” ông Lâm cho biết thêm.
Ông Lâm cho rằng, trong sự việc này (kê khai khối tài sản của ông Thơ) thì trắng ra trắng, đen ra đen. Cái gì sai thì phải nói sai, không được lấp lửng.
“Tự nhiên, một đồng chí Chủ tịch có tài sản lớn như vậy thì đâu có thể chấp nhận được. Ngay như tôi là một sinh viên tốt nghiệp ở Hà Nội, năm 1971, tình nguyện về quê hương chiến đấu.
Và từ đó đến nay, tôi chỉ có một cái nhà này thôi (ở quận Hải Châu, Đà Nẵng), còn không có tài sản nào khác.
Đây là hạnh phúc được nhân dân, Đảng và nhà nước ưu ái, xã hội cũng chấp nhận. Hai vợ chồng suốt 40 năm cách mạng (vợ ông cũng 40 năm tuổi Đảng) có cái nhà thì không ai nói gì.
Nhưng ở đây (tài sản kê khai của ông Huỳnh Đức Thơ - PV), nào là nhà cửa, đất đai, vốn liếng, liên doanh, góp vốn, rồi đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản... thì lớn quá. Một cán bộ lãnh đạo thì không nên có những tài sản quá lớn như vậy”, ông Lâm nói.
Phải minh bạch để dân tin tưởng
Ông Lâm cho rằng, các cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ nguồn gốc số tài sản trên của ông Thơ.
“Số tài sản như vậy đối với một người làm công ăn lương thì cũng đã là quá lớn. Ngày xưa, ông Thơ chỉ là một giám đốc doanh nghiệp nhỏ về nuôi trồng thủy sản, khi đó tôi là Phó Chủ tịch nên biết mà.
Hồi đó, tài sản ông không bao nhiêu. Vậy tại sao giờ lại có tài sản lớn như vậy? Tôi đọc báo cũng thấy ngỡ ngàng”, ông Lâm chia sẻ.
"Dù anh có kê khai minh bạch nhưng tại sao cơ quan kiểm tra Đảng và nhà nước không làm rõ để dân yên tâm?
Nếu làm rõ là anh minh bạch, chân chính thì người ta cũng không nghi ngại gì. Tôi gửi tâm thư cũng chỉ với mong muốn đó", ông Lâm cho hay.
“Số tài sản liệt kê trong tâm thư của tôi giống như báo chí đã nói và ông Thơ cũng đã thừa nhận thì một cán bộ bình thường không thể có tài sản như thế được. Cần phải làm rõ. Nếu chứng minh được của cha mẹ, của gia đình hay từ một nguồn nào đó thì cũng đỡ trong dư luận.
Thông qua tâm thư này, tôi không phải đánh vào cá nhân ai mà mong muốn đã là lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng thì phải sống trong sạch.
Tất nhiên người ta nói trong sạch thì không phải là không có tài sản gì hết nhưng số tài sản đó vừa với đồng lương và cống hiến của mình.
Ông Thơ là một cán bộ trưởng thành sau giải phóng chứ không phải là những người kỳ cựu ở đây.
Mong muốn của tôi thì chắc chắn có người nói này khác. Nhưng sau khi học Nghị quyết Trung ương 4 thì mình có trách nhiệm phản ánh”, ông Lâm nói thêm.
“Tôi mong muốn những cán bộ trẻ họ tiếp bước lên làm được những gì kế bước anh em. Truyền thống của anh em Quảng Nam - Đà Nẵng xưa kia và Đà Nẵng ngày nay, mảnh đất trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ.
Tốn biết bao xương máu mới có ngày hôm nay thì cán bộ bây giờ họ có thể có tài sản, có nhà ở, có xe ô tô đi... nhưng nó phải đồng nghĩa với túi tiền, mức lương, công sức lao động. Những cái này tôi không kết luận tham ô mà có nhưng phải minh bạch ra”, ông Lâm khuyến nghị.
“Như mình làm cán bộ nghỉ hưu, có được cái nhà là mừng rồi. Như thế là mình được ưu ái chứ còn những người bạn chiến đấu đang nằm dưới đáy mồ, có được hưởng gì đâu.
Một đơn vị ngày xưa, cả 1.200 người vào mở đường giải phóng, có biết bao nhiêu người ngã xuống trên đường vì sốt rét, bom đạn... Họ có được hưởng gì đâu. Bây giờ mình còn lại là quá hạnh phúc”, ông Lâm bày tỏ.
Cũng theo ông Lâm, việc công khai tài sản không chỉ đối với ông Thơ mà đã lãnh đạo có chức có quyền thì cần phải công khai rõ ràng, minh bạch. Không để tình trạng về hưu rồi được xem như “hạ cánh an toàn”.
“Những anh nào có chức có quyền thì phải mình bạch, công khai tài sản. Trong chi bộ hay kể cả trong tổ dân phố sinh hoạt thì họ cũng cần phải biết số tài sản này. Cái này của mình còn yếu lắm, chỉ là kê khai hình thức”.
Từ đó, ông Lâm kiến nghị, tất cả phải công khai, minh bạch để người dân giám sát.
Ông Nguyễn Đăng Lâm cho biết, tâm thư của mình được gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các ban ngành có trách nhiệm khác.
Nội dung gồm có 3 điều chính mà ông mong muốn được làm rõ là:
Thứ nhất là quá trình được bổ nhiệm, cất nhắc công Huỳnh Đức Thơ từ thời điểm còn là Giám đốc Công ty Cung ứng và phát triển kỹ thuật Đà Nẵng (cũ) lên nhiều vị trí qua trọng của thành phố.
Đặc biệt, chỉ trong vòng 8 tháng (từ tháng 4/2014 đến tháng 1/2015), ông Thơ bất ngờ có "đại nhảy vọt" qua 4 chức vụ lớn, cao nhất là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Thứ hai, có dấu hiệu suy thoái đạo đức, lối sống; khai báo bổ sung lý lịch không chuẩn xác, không đầy đủ. Từ khi làm Chủ tịch thành phố, có biểu hiện bổ nhiệm vây cánh, thân hữu bất thường.
Thứ ba, sở hữu khối tài sản lớn; trong đó đặc biệt đáng chú ý là việc ông góp vốn đầu tư ở 5 doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, là điểm nóng gây bức xúc dư luận nhiều năm nay.
Ông mong muốn tất cả các vấn đề trên cần được làm rõ, điều đó không chỉ tốt cho cá nhân ông Huỳnh Đức Thơ mà còn mang lại niềm tin cho người dân Đà Nẵng, cho sự hòa thuận, đoàn kết và phát triển của thành phố này.