Ngày pháp luật

Cựu cục trưởng C50 giúp Nguyễn Văn Dương vào ngành công an

Theo Bảo Hà - Phạm Dự/ VNE

Luật sư cho hay ông Nguyễn Thanh Hóa đề xuất tuyển nhưng Dương trượt do không đủ điều kiện về chính trị.

Luật sư Trần Hồng Phúc sáng 22/11 khi bào chữa cho cựu chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương đã dẫn nhiều văn bản, lời khai của các bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50), Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) để chứng minh thân chủ từng được lãnh đạo cấp cao Bộ Công an phê duyệt tuyển vào ngành.

Theo bà Phúc, hồ sơ vụ án phản ánh, sau khi có lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ bình phong, Cục trưởng C50 đề nghị Dương xin vào ngành công an. Bản cung của Dương thể hiện: "Anh Hóa bảo tôi sẽ làm đơn rồi sẽ xin lãnh đạo cấp trên để tuyển vào ngành. Ngày 17/3/2016, tôi làm đơn gửi anh Hóa. Ngày 18/3/2016 anh Hóa ký công văn gửi ông Vĩnh đề xuất tuyển nhưng do tôi không đủ điều kiện về chính trị nên không được". 

Cựu cục trưởng C50 giúp Nguyễn Văn Dương vào ngành công an - Ảnh 1

Luật sư Trần Hồng Phúc trong sáng 22/11. Ảnh: Phạm Dự. 

Luật sư dẫn chứng công văn 8/1/2018 của Cơ quan ANĐT Công an Phú Thọ gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Chánh Thanh tra Tổng cục cũng có nội dung xác nhận: "Ngày 18/3/2016, thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa có công văn đề nghị Tổng cục trưởng tuyển Nguyễn Văn Dương vào ngành công an...".

Luật sư cũng nêu lại lời khai của ông Hóa tại phiên tòa vào chiều 20/11 để cho thấy "hôm đó ông Hóa cũng đã xác nhận nội dung này".

Qua các thông tin đưa ra, bà Phúc khẳng định: Do CNC là công ty bình phong của Bộ Công an nên C50, Tổng cục cảnh sát và Bộ Công an đã có chủ trương quy hoạch để tuyển chọn Dương phục vụ lâu dài trong lực lượng.

Cựu cục trưởng C50 giúp Nguyễn Văn Dương vào ngành công an - Ảnh 2

Luật sư Phan Trung Hoài chiều 21/11. Ảnh: Phạm Dự. 

Trước việc Dương bị truy tố về tội Rửa tiền, luật sư Phan Trung Hòa khi bảo vệ thân chủ đã nêu lại vụ án Giang Kim Đạt tham ô trên 250 tỷ đồng để so sánh. Theo luật sư, Đạt có hành vi phạm tội khi đàm phán mua tàu cho Vinashin, được chia tiền anh ta chuyển cho cha ruột để đứng tên mua 39 tài sản là nhà, đất, xe ôtô. Trong vụ án này, Đạt không phải "gánh" thêm tội Rửa tiền mà bố anh ta mới là người bị xử lý. 

Cho rằng "đây có thể coi là một án lệ rất có ý nghĩa tham khảo", luật sư đề nghị VKSND và TAND tỉnh Phú Thọ xem xét lại để không "kết thêm tội" với Dương.

Theo luật sư, một người chỉ có thể bị truy tố, xét xử về tội Rửa tiền khi biết rõ nguồn gốc số tiền do người khác phạm tội mà có. Nhưng trong vụ án này, theo cáo buộc thì Dương "rửa tiền" từ nguồn thu lợi do chính hành vi tổ chức đánh bạc của anh ta.

Bên cạnh đó, luật sư cho rằng cùng một khoản tiền "thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn" từ hệ thống game bài Rikvip song Dương lại bị truy tố và xét xử về hai tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền. Điều này là chưa phù hợp trong việc xử lý một hành vi phạm tội.

Trong phần luận tội công bố ngày 21/11, xác định Dương là một trong những người cầm đầu, VKS đề nghị mức hình phạt cao nhất trong vụ án với 11-13 năm tù cho hai tội: Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền.

VKS cáo buộc Dương dùng danh nghĩa bình phong của công an để liên kết với Phan Sào Nam (chủ tịch công ty VTC Online) và Hoàng Thành Trung (giám đốc công ty Nam Việt - đang bỏ trốn) lập, vận hành game đánh bạc Rikvip/TipClub, doanh thu tính chưa đầy đủ khoảng 10.000 tỷ đồng.

Trong 4.700 tỷ đồng lãi, Dương hưởng gần 1.700 tỷ đồng. Để hợp thức tiền "bẩn", nhà chức trách cho rằng bị cáo này đã "rửa tiền" vào các công ty khác do mình sở hữu. Đến nay tổng tài sản thu hồi mới được hơn 240 tỷ đồng cùng 4 ôtô chưa định giá.

Tin Cùng Chuyên Mục