Chiều 29/8, sau gần hai ngày xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), VKSND Hà Nội đề nghị tuyên phạt ông Trần Trung Chí Hiếu (55 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT) án 12-13 năm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 15-16 năm tù về tội Nhận hối lộ. Tổng hợp hai hình phạt là 27-29 năm tù.
VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Hồng (51 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc PVC.KBC) 10-11 năm, Đào Ngọ Hoàng (40 tuổi, nguyên trưởng phòng thương mại Hợp đồng PVTex) 9-11 năm, Vũ Phương Nam (39 tuổi, nguyên kế toán trưởng PVTex) 8-10 năm cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo bị cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi chấp hành xong hình phạt là 5 năm. Bị cáo Hiếu phải bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại hơn 19 tỷ đồng.
Riêng Vũ Đình Duy (nguyên tổng giám đốc PVTex) đang bỏ trốn, VKS cho rằng khi bắt được sẽ xử lý sau.
VKS đánh giá hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Ông Hiếu giữ vai trò chính trong vụ án. Hoàng, Nam, Hồng là đồng phạm giúp sức. Nhận định sai phạm của các bị cáo khiến làm giảm lòng tin của người dân, cần phải xử lý nghiêm song VKS đề nghị áp dụng quy định có lợi tại Bộ luật Hình sự 2015 để xem xét cho các bị cáo.
Biến chung cư thu nhập thấp thành nhà liền kề
Tại tòa, ông Hiếu khai chủ trương xây dựng nhà đến từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) bởi đơn vị này có 56% cổ phần tại PVTex. PVN đã hỗ trợ PVTex để xin UBND thành phố Hải Phòng cấp cho 5ha đất.
Sau khi HĐQT PVTex đồng thuận về dự án, đã xin ý kiến PVN để thực hiện. Việc chuyển nhà thầu từ PVC sang cho PVC.KBC được PVN đồng tình.
Theo ông Hiếu, việc luôn phải trình, gửi ý kiến lên PVN bởi PVTex là công ty con của tập đoàn. Bản thân ông và Vũ Đình Duy (cựu tổng giám đốc PVTex, đang bỏ trốn) đều là người của PVN, được cử để quản lý phần góp vốn của tập đoàn tại PVTex.
Ông Hiếu khai không biết gì về việc thay đổi thiết kế từ dự án nhà ở xã hội sang nhà liền kề. Ông khẳng định quyết định phê duyệt dự án ban đầu là chung cư, song đơn vị thi công đã làm không đúng. "Bị cáo không nhận được báo cáo về việc thi công trái với phê duyệt, đề nghị HĐXX xem xét về vấn đề này", ông Hiếu nói.
Cho rằng ông Hiếu không thể không "phê duyệt lại" dự án, chủ toạ cho hay HĐXX cần làm rõ HĐQT PVTex có trách nhiệm như thế nào trong việc thay đổi thiết kế.
Đối chất về việc này, bị cáo Hồng khai PVC.KBC thực hiện thiết kế theo yêu cầu của chủ đầu tư PVTex. Theo đó, đây là dãy các căn nhà liền kề, xây 4 tầng khép kín.
Trả lời luật sư sau đó ông Hiếu thừa nhận việc thi công dự án như vậy là "làm trái" và lý giải do có sự đàm phán giữa tổ chuyên gia với Ban điều hành của PVTex do Duy đứng đầu.
"Với tư cách chủ tịch HĐQT, khi Duy đưa biên bản đàm phán trên, bị cáo thấy đó có sự nhập nhằng giữa nhà chung cư và liền kề. Tuy nhiên bị cáo không thấy rõ sự khác nhau giữa nhà liền kề và chung cư. Bị cáo không có một ý tưởng gì về việc nhà liền kề có móng riêng, còn chung cư là các căn hộ thông tầng", ông Hiếu nói.
Phiên tòa tiếp tục làm việc đến ngày 31/8.
Theo cơ quan công tố, PVTex là công ty thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Tập đoàn Dệt may Việt Nam và PVN.
Để xây nhà cho cán bộ, công nhân viên khi nhà máy đi vào hoạt động, ngày 12/8/2009, ông Hiếu ký nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án nhà ở. Trong quá trình thực hiện dự án, ông Hiếu, Duy đã lợi dụng chức vụ để tạm ứng 20 tỷ đồng cho PVC.KBC trái quy định pháp luật. Khi nhận tiền tạm ứng, bị cáo Hồng không dùng vào công việc thi công khiến toàn bộ công trình bị đình trệ. Dự án đã dừng thi công và bị UBND Hải Phòng đã thu hồi đất.
Theo cáo buộc, hành vi của ông Hiếu, Duy và cấp dưới Nam, Hoàng cùng Hồng khiến PVTex thiệt hại hơn 19 tỷ đồng.
Ngoài hành vi phạm tội trên, bị cáo Hiếu còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình để cùng với Duy nhận 10% cổ phần (tương đương 3 tỷ đồng) khi PVC.KBC thành lập. Sau đó, Hiếu và Duy thoái vốn, nhận 3 tỷ đồng mỗi người.