Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp
Ngày 15/11, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất và cho CTCP Đầu tư Hạ tầng Cụm công nghiệp Hòa Bình thuê đất (đợt 1) thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Chăm Mát - Dân Chủ, thành phố Hòa Bình.
Theo đó, UBND tỉnh chuyển mục đích sử dụng 10,7 ha đất các loại (gồm 10,4 ha đất rừng sản xuất và 0,3 ha đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối) tại phường Dân Chủ, thành phố Hòa Bình sang các loại đất gồm đất cụm công nghiệp 6,1 ha; đất giao thông 0,7 ha; đất công trình công cộng khác 3,8 ha; đất hành lang giao thông 209 m2.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng thông qua cho CTCP Đầu tư Hạ tầng Cụm công nghiệp Hòa Bình thuê đất (đợt 1) gần 10,7 ha đất kể trên để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Chăm Mát - Dân Chủ.
Thời hạn sử dụng đất đến ngày 13/03/2069. Còn lại 209,1 m2 là đất hành lang giao thông Quốc lộ 6 giao cho UBND phường Dân Chủ quản lý theo quy định. Trong gần 10,7 ha đất giao cho thuê, UBND tỉnh sẽ miễn tiền thuê đất đối với 4,5 ha, gồm 0,7 ha đất giao thông và 3,8 ha đất công trình công cộng khác.
Sau khi hoàn thành dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, CTCP Đầu tư Hạ tầng Cụm công nghiệp Hòa Bình có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về 4,5 ha đất này để quản lý theo quy định. Còn lại hơn 6,1 ha đất dùng để thực hiện cụm công nghiệp Chăm Mát - Dân Chủ sẽ phải trả tiền thuê đất hàng năm.
Sau quyết định của UBND tỉnh, CTCP Đầu tư Hạ tầng Cụm công nghiệp Hòa Bình sẽ ký hợp đồng thuê đất, sử dụng đất đúng mục đích và thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.
Theo quyết định, trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Hòa Bình phải đưa đất vào sử dụng. Trường hợp Công ty không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Hòa Bình được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Hòa Bình vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất (theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013).
Cựu Chủ tịch Cienco5 Bạch Ngọc Du tái xuất thương trường
CTCP Đầu tư Hạ tầng Cụm công nghiệp Hòa Bình thành lập năm 2018 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng; cổ đông sáng lập gồm ông Phan Kế Chính góp 20%, ông Nguyễn Tuấn Dũng 30%, ông Nguyễn Viết Tùng 30% và ông Đào Hồng Sơn (giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật) nắm 20%.
Giữa năm 2020, chức vụ của ông Sơn chuyển cho ông Phan Kế Chính. Tháng 2 năm nay, ông Bạch Ngọc Du xuất hiện tại doanh nghiệp này với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật, ông Phan Kế Chính - Giám đốc cũng kiêm người đại diện pháp luật cùng ông Bạch Ngọc Du.
Được biết, ông Du là nguyên Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 (Cienco5), nguyên Chủ tịch HĐQT Cienco5. Trước đó, ông Du từng là Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng 573, Phó Tổng Giám đốc Cienco5.
Vào năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Bạch Ngọc Du. Nguyên nhân do nhận thấy với tư cách Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa Cienco5, Chủ tịch HĐQT, người đại diện phần vốn Nhà nước, ông Du đã tham mưu cho Bộ GTVT ban hành các quyết định vi phạm quy định của Nhà nước. Theo đó, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông Du.
Trước đó, ông Bạch Ngọc Du được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT Cienco5 từ ngày 28/6/2015 thay vị trí của ông Thân Đức Nam khi ông Nam được điều động, bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Trước đó, ông Du từng là chủ tịch HĐQT của Công ty CP Xây dựng 573 (Hà Đông, TP Hà Nội) và là phó tổng giám đốc của Cienco5.