Ngày pháp luật

Cuộc đua lớn chưa từng thấy của 9 hãng hàng không Việt Nam: 5 cũ 4 mới cạnh tranh gắt cả bầu trời lẫn mặt đất

Phần 2: Bốn hãng hàng không Việt sắp cất cánh: Bầu trời ngày càng “chật chội” có ngăn cản những hoài bão lớn?

img1web

 

Như đã nói ở bài trước, hàng loạt hãng bay cất cánh và đang chờ bay khiến thị trường hàng không bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Hiện tại, thị trường đang chứng kiến sự khai thác của 5 hãng hàng không nội địa và hơn 70 hãng hàng không nước ngoài.

img1mobile

 

Trong tương lai sắp tới sẽ có thêm sự xuất hiện của 4 “ông lớn” Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines), Vietravel Airlines, Vinpearl Air và Cánh Diều (Kite Air).

Tương tự như Vietjet với Savico và Bamboo Airways với FLC, tất cả hãng hàng không mới đều có sẵn hệ sinh thái du lịch, và bây giờ họ muốn phát triển mạnh mẽ chữ “Du” trong “Du lịch” dù hướng đi khác nhau. Có những đối thủ lựa chọn tấn công vào thị trường ngách, cũng có hãng bay đầu tư hàng nghìn tỷ và xây dựng chiến lược một cách lớn rộng, bài bản.

Subweb1

 

Submobile1

 

Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam liên doanh giữa tư nhân và quân đội.

img2

 

Vietstar Airlines được thành lập từ năm 2010, có trụ sở tại TP. HCM với số vốn điều lệ ban đầu 400 tỷ đồng, đến năm 2015 tăng lên 800 tỷ đồng. Hãng có 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt nắm 67% vốn, Công ty Sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) nắm 25% và Công ty Cổ phần Logistics Ngôi sao Việt nắm 8%.

quoteweb1

 

quotemobile1

 

Hãng đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, đặc biệt là dịch vụ taxi bay bằng các loại máy bay nhỏ dành cho đối tượng khách hàng có nhu cầu nhanh chóng.

Hướng tới thị trường ngách là bay chuyên cơ, Vietstar Airlines sắp tung ra dịch vụ bay cao cấp có giá 230 triệu đồng cho mỗi giờ bay, sử dụng dòng máy bay Legacy 650. Theo đó giá khứ hồi TP.HCM - Hà Nội dự kiến gần 1 tỷ đồng.

Mức giá 230 triệu/giờ nói trên đã bao gồm thuế phí, là khung giá dành cho các chặng bay nội địa. Dịch vụ của hãng cũng bao gồm tuyến quốc tế trong tầm bay nhất định thuộc châu Á - Thái Bình Dương, tuy nhiên chi phí sẽ tăng thêm tùy vào điểm đến.

Ngoài ra, hãng còn khai thác một dòng máy bay nữa là King Air 350. Đây là dòng cánh quạt tốc độ cao có 8 ghế. Giá vé đối với King Air 350 “dễ thở” hơn, khoảng 80-92 triệu đồng cho mỗi giờ bay.

Subweb2

 

Submobile2

 

Vietravel Airlines được thành lập năm 2019 với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, huy động 100% bằng vốn chủ sở hữu - công ty Vietravel. Đây cũng là doanh nghiệp lữ hành lớn nhất nước với doanh thu năm 2018 lên đến trên 7.000 tỷ đồng.

quoteweb2

 

Quả thật, việc Vietravel tham gia vào lĩnh vực hàng không là một bước đi hợp lý bởi chi phí lớn nhất của các tour du lịch đường dài luôn là vé máy bay. Hơn nữa, Vietravel đã luôn phải thuê chuyến bay để phục vụ cho các tour du lịch của mình. Hiện tại, mỗi năm công ty chi tới 3.000 tỷ đồng để mua vé máy bay cho khách hàng. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2022 của công ty là tăng lượng khách phục vụ lên tới 2 triệu người.

quotemobile2

 

“Hiện nay chỉ với 1 triệu khách, chúng tôi đã làm việc rất vất vả với các hãng hàng không thì 3 năm nữa là vô phương, nên Vietravel phải tự thân làm […]. Trong từ ‘du lịch’, chữ ‘du’ là di chuyển đã chiếm 50% ý nghĩa, nên nếu bỏ hệ thống vận chuyển sang một bên thì không còn chữ lịch đằng sau nữa” - ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.

Theo kế hoạch, hãng sẽ bắt đầu khai thác chuyến bay thương mại vào tháng 10/2020. Dự kiến năm đầu tiên, hãng dự kiến sẽ khai thác 3 máy bay Airbus 320/321 hoặc B737 hoặc tương đương, đến năm thứ 5 nâng tổng số tàu bay khai thác lên 8 chiếc.

img3

 

Hướng đi của Vietravel Airlines là nhắm tới hình thức bay thuê chuyến (charter flight). Bay thuê chuyến vốn là dịch vụ được các hãng lữ hành rất yêu thích. Theo đó, các công ty du lịch sẽ thuê nguyên một chiếc phi cơ của các hãng hàng không chỉ để chở hành khách mua tour của công ty mình tới các điểm du lịch. Với hình thức này, hãng hàng không coi như bán được toàn bộ ghế, trong khi công ty du lịch sẽ được hưởng mức giá ưu đãi, hành khách cũng ít phải chờ đợi hơn. Đây là cách làm các bên đều có lợi.

Tuy nhiên, Vietravel lại chọn sân bay căn cứ là Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). Điều này tưởng không gây quá tải cho Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, thế nhưng trong trường hợp khai thác bay thuê chuyến không hiệu quả, Vietravel sẽ phải khai thác thường lệ. Do đó hãng "sẽ sử dụng các Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu tàu bay qua đêm. Điều này góp phần gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không" - Bộ GTVT đã đưa ra khuyến cáo.

Nói chung, Vietravel tiến đến mô hình du lịch trọn gói và có sẵn nguồn khách, đồng thời lấn thêm mảng hàng không nếu thừa công suất. Dù hiệu quả khai thác bay du lịch vẫn còn là một ẩn số nhưng Vietravel hứa hẹn tạo ra sức ép không nhỏ đối với các hãng bay nội địa khác, ví dụ như Vietjet vốn khai thác rất tốt thị trường bay thuê chuyến mấy năm nay.

Subweb3

 

Submobile3

 

Có thể nói đây là đối thủ đáng gờm nhất trong việc tranh giành miếng bánh thị phần cùng nhóm Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways. Nếu như Vietstar tấn công thị trường ngách là các chuyến bay VIP, Vietravel bay du lịch để mở rộng hệ sinh thái thì Vinpearl lại thể hiện hoài bão rất lớn.

Hãng hàng không này do tập đoàn Vingroup thành lập, đăng ký đầu tư theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp, với tổng vốn đầu tư lên tới 4.700 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý II/2019 của Vingroup, công ty cổ phần Vinpearl đang nắm giữ 80% cổ phần Vinpearl Air.

img4

 

Đáng chú ý, CEO kiêm COO của hãng cũng là một gương mặt kỳ cựu trong ngành hàng không Việt. Đó là ông Phan Xuân Đức, cựu Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines và là một trong những cơ trưởng máy bay Boeing kỳ cựu.

quoteweb3

 

quotemobile3

 

Vinpearl Air dự kiến sẽ bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 7/2020 với đội máy bay 6 chiếc, đặt sân bay căn cứ ở Nội Bài thay vì Tân Sơn Nhất. Theo kế hoạch, đến năm 2025, hãng dự kiến khai thác mạng đường bay bao gồm 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế. Dù được đánh giá cao về tiềm năng, Vinpearl Air vẫn không cạnh tranh khai thác chuyến bay vào các khung giờ vàng tại hai đầu Nội Bài và Tân Sơn Nhất do đã kín slot. 

Về nguồn nhân lực, trước mắt Vinpearl Air sẽ thuê 60 phi công nước ngoài trong năm đầu tiên. Như vậy sẽ “không tạo áp lực tổng thể nguồn nhân lực của ngành hàng không” - theo đề án của doanh nghiệp này nêu rõ. 

Ngoài ra, Vingroup còn có bước đi chiến lược là thành lập trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không - VinAviation School. Hiện trường đã tuyển sinh khóa 1 với số lượng dự kiến 400 học viên phi công.

VPA1
quoteweb4

 

Bên cạnh đầu tư vào đào tào nguồn nhân lực lâu dài, Vinpearl Air chắc chắn còn tận dụng các tiềm lực có sẵn của tập đoàn Vingroup. Đó là một hệ sinh thái đa dạng và các nền tảng để khai thác tích hợp các dịch vụ đi kèm như đưa đón sân bay, dịch vụ nghỉ dưỡng, phòng chờ, lưu trú… giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

quotemobile4

 

Trên thực tế, việc FLC Group, Vingroup, Vietravel (và cả tập đoàn Thiên Minh sắp nói tới ngay sau đây) tham gia ngành hàng không, bên cạnh lợi nhuận, còn là vì mục đích mở rộng hệ sinh thái và quảng bá cho thương hiệu của mình.

Subweb4

 

Submobile4

 

img5

 

Dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir) có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Danh sách 3 cổ đông chính là ông Trần Trọng Kiên góp 600 tỉ đồng, tương đương 60%. Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh (do ông Kiên làm Chủ tịch) góp 300 tỉ đồng, tương đương 30%. Bà Trần Hằng Thu góp 100 tỉ đồng, tương đương 10%. 

quoteweb5

 

quotemobile5

 

Đến năm 2013, ông Kiên lại lập hãng hàng không Hải Âu - chuyên cung cấp dịch vụ bay hành trình, bay ngắm cảnh tới những địa điểm nổi tiếng tại Việt Nam như vịnh Hạ Long, Đà Nẵng hay Huế bằng thủy phi cơ. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động và khai thác dịch vụ thuỷ phi cơ, Hải Âu vẫn báo lỗ.

Gác lại những giấc mơ bay chưa thành công với AirAsia hay Hải Âu, ông Trần Trọng Kiên vẫn nuôi tham vọng khai thác thị trường bay với gần 100 triệu dân. Lần này ông Kiên và Thiên Minh sẽ cất cánh cùng với hãng Cánh Diều (Kite Air).

Hãng dự kiến khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên ngay từ quý I/2020 với 6 tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Đến năm 2025, đội tàu bay dự kiến tăng lên 30 chiếc, tuy nhiên Cục Hàng không cho rằng quy mô nên dừng lại ở mức 20-25 chiếc là hợp lý. 

Nếu như Vinpearl Air đặt căn cứ ở Nội Bài, Vietravel chọn Phú Bài thì Kite Air cũng không chọn chen chúc ở Tân Sơn Nhất. Họ đặt sân bay căn cứ ở hai sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) và Đà Nẵng.

Về mạng bay, trong năm đầu tiên 2020, Kite Air sẽ khai thác các đường bay nội địa từ Chu Lai, Đà Nẵng, Nội Bài đến các cảng hàng không địa phương như Điện Biên, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Cà Mau, Côn Đảo, Rạch Giá. Đối với sân bay Tân Sân Nhất, hãng chỉ khai thác tuyến từ đây đi Côn Đảo. 

Trong dự án của mình, Kite Air dự kiến sẽ lỗ hơn 350 tỷ đồng sau 3 năm đầu tiên hoạt động. Đây là lỗ kế hoạch, nằm trong tính toán của các hãng hàng không trong thời gian đầu tư.

Subweb5

 

Submobile5

 

Nếu như việc “quy hoạch bầu trời” để đảm bảo cho 9 hãng bay cùng cất cánh là bài toán hóc búa thì ngay dưới đất, việc sắp xếp làm sao để đủ chỗ đỗ máy bay, lượt khách không gây tắc nghẽn… cũng gây đau đầu không kém cho doanh nghiệp và cơ quan chức năng. 

Bên cạnh đó, viễn cảnh không mấy quang đãng đã được dự đoán. Đó chính là mức tăng trưởng ngành hàng không đang có dấu hiệu suy giảm, thậm chí giới phân tích nhận định khó khăn sẽ còn kéo dài. Theo số liệu từ Cục Hàng không, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành thực hiện tổng cộng 153.559 chuyến bay, chỉ tăng trưởng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ. Mức này là thấp so với sự tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2013 - 2018.

img6

 

Điều này một phần bắt nguồn từ lượng khách quốc tế suy giảm. Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu chững lại khiến du khách nước này thắt lưng buộc bụng, theo đó lượng khách Trung bay đến Việt Nam cũng suy giảm. Mà thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm gần phân nửa tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Song song đó, lượng khách bay nội địa dần bão hòa, khiến áp lực giảm tốc đối với toàn ngành hàng không Việt đã bắt đầu xuất hiện.

Thế nhưng những dự đoán trên không ngăn được hoài bão lớn của nhiều “đại gia” du lịch muốn đa dạng hóa ngành kinh doanh của mình. Ngược lại, sự cạnh tranh của nhiều hãng hàng không sẽ là điều kiện cần thiết để phát triển ngành du lịch - vận tải trong tương lai.

Thử thách chắc chắn còn rất nhiều ở phía trước, nhưng tới đây khi cần đặt vé máy bay, hành khách sẽ nhìn thấy nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết. Từ những hãng quen thuộc Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet, Bamboo Airways với mức giá cạnh tranh hơn đến những cái tên mới tinh như Vinpearl Air, Vietravel, Kite Air, và cả Vietstar dành cho những khách hàng có hầu bao dày... Tất cả hứa hẹn sẽ mang đến sự tò mò, phấn khởi và cả niềm lạc quan về một thị trường hàng không phát triển đầy nhộn nhịp, sôi động chưa từng thấy.

Bạn có thể xem thêm phần 1: Bamboo Airways nhập cuộc cùng "đốt tiền" với Vietnam Airlines và Vietjet, miếng bánh thị phần chia lại tại đây.

Screen Shot 2019-10-27 at 3.44.20 PM